Từ năm 2014 đến nay, TP Hà Nội đã 5 lần phát động chiến dịch “giành lại vỉa hè cho người đi bộ” thực hiện trên diện rộng. Tuy nhiên, sau mỗi lần các đơn vị đồng loạt ra quân xóa bỏ các điểm lấn chiếm vỉa hè để làm nơi buôn bán, trông giữ phương tiện, kết quả đạt được chưa thực sự đúng với kỳ vọng đề ra. Bởi chỉ sau một thời gian ngắn xử lý vi phạm, chỉ cần vắng bóng lực lượng chức năng thì hoạt động lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, thậm chí là sân chơi, vườn hoa... lại “mọc lên như nấm”.
Nhức nhối tình trạng lấn chiếm vỉa hè
Thực trạng này không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn là một trong những nguyên nhân chính gây cản trở, ùn tắc giao thông, nảy sinh nhiều nguy cơ về tai nạn giao thông đường bộ, đặc biệt là giờ cao điểm. Bên cạnh đó, gây bức xúc cho người đi đường cũng như ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Hoạt động bán rong vẫn diễn ra phổ biến trên nhiều vỉa hè Hà Nội. |
Ông Nguyễn Trọng Bản (75 tuổi, quận Tây Hồ) bức xúc: “Phường trang bị cho người dân các thiết bị tập thể dục ngoài trời tại các vườn hoa ven hồ để người dân chúng tôi tập thể dục nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên, việc các hàng quán chiếm dụng diện tích đất công vỉa hè, vườn hoa, lòng lề đường làm nơi bán hàng, bãi đỗ xe khiến người dân gặp khó khăn trong việc tập luyện".
Bên cạnh hình thức bán hàng cố định trên vỉa hè, vườn hoa ven hồ Tây; việc bán hàng di động bằng xe máy, xe đạp cũng trở nên phổ biến ở lề đường. Chiếc xe chở hàng nhỏ gọn, khi có khách hàng, người bán rải ghế xuống vỉa hè để ăn tại chỗ, sau đó sẽ thu dọn. Có thể thấy, đây là hình thức kinh doanh tinh vi, “nay đây, mai đó” để trốn tránh sự phát hiện và xử lý của các cơ quan chức năng.
Ông Công Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: “Để thực hiện hiệu quả kế hoạch của Ban Chỉ đạo TP. Hà Nội ban hành, bên cạnh việc đồng loạt ra quân kiểm soát, xử lý vi phạm thì UBND phường Nhật Tân đã chỉ đạo mỗi một tổ dân phố có một ban tuyên truyền, trong đó trưởng ban công tác mặt trận khu dân cư làm tổ trưởng".
Sau hơn 5 tháng thực hiện chiến dịch, công tác trật tự đô thị tại phường Nhật Tân đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, để có giải pháp căn cơ, UBND phường Nhật Tân đã xin đề xuất UBND quận Tây Hồ phê duyệt thí điểm cho thuê vỉa hè để kinh doanh nhằm tận dụng hiệu quả vị trí địa lý tự nhiên giáp mặt hồ Tây trong khung giờ thấp điểm vào buổi tối. Hiện tại, nội dung đề xuất đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét.
Nhiều địa phương xin thí điểm cho thuê vỉa hè
Thực tế, đề xuất thí điểm cho thuê vỉa hè cũng được nhiều quận, phường trên địa bàn Thủ đô đề cập. Trong đó, đại diện UBND quận Hoàn Kiếm kiến nghị cho phép thí điểm sử dụng vỉa hè thêm 5 tuyến phố để tổ chức kinh doanh với giá thuê là 45.000 đồng/m2/tháng, gồm các tuyến phố Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Phùng Hưng (đoạn từ Lê Văn Linh đến Hàng Vải, Nguyễn Quang Bích đến gần Cửa Đông) và Lê Phụng Hiểu.
UBND quận Hai Bà Trưng cũng muốn thí điểm cho thuê vỉa hè các tuyến phố Trần Khát Chân – Đại Cồ Việt, Trần Xuân Soạn, Ngô Thì Nhậm, Lò Đúc để kinh doanh, buôn bán hàng hóa. Quận Đống Đa đề xuất phố Hoàng Cầu, Nguyễn Lương Bằng cho phép sử dụng tạm vỉa hè để kinh doanh. Quận Tây Hồ có 2 tuyến phố Vũ Tuấn Chiêu và Trịnh Công Sơn đang quy hoạch là phố đi bộ cũng ủng hộ đề xuất cho thuê vỉa hè.
Khi xây dựng các tuyến phố cho thuê vỉa hè, chính quyền các địa phương phải công bố công khai quy hoạch để lấy ý kiến, tạo sự đồng thuận của người dân. |
Chị Ngô Thị Thảo, chủ một cơ sở kinh doanh trên đường Vũ Trọng Phụng cho biết, mặt bằng chị đang thuê để kinh doanh có diện tích khoảng 15m2, với giá 12 triệu đồng/tháng. Hiện, vỉa hè rộng để không cũng lãng phí. Nếu được, Nhà nước có thể cho thuê từ 1-1,5m chiều rộng, như thế vỉa hè vẫn còn chỗ cho người đi bộ, Nhà nước có thêm nguồn thu. Và, giá thuê vỉa hè cần căn cứ vào vị trí các tuyến phố, không nên cào bằng.
Theo ông Nguyễn Kiều Hưng, Chủ tịch UBND phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, các thành viên Ban chỉ đạo 197 và đội trật tự của phường rất vất vả. Khi cán bộ vừa đi khuất thì người dân lại bày hàng bán trở lại. Đó là chưa kể xử lý được chỗ này thì lại “phình” ở chỗ kia, nên nhiều người thắc mắc “sao xử lý tôi mà không xử lý người khác?
Ông Hưng cho biết, nếu cấp trên cho thuê vỉa hè tại một số tuyến phố có vỉa hè rộng để kinh doanh sẽ góp phần giảm áp lực cho cơ sở, tạo điều kiện thuận tiện cho công tác quản lý. Không những thế, ngân sách còn có thêm nguồn thu để tái đầu tư cho hạ tầng.
Cần sự đồng thuận của người dân
Được biết, một số nước trên thế giới cũng cho thuê vỉa hè. Tại Anh, để mở gian hàng trên vỉa hè, người bán cũng phải xin giấy phép. Muốn đặt bàn ghế hay các thiết bị khác như chậu cây, máy sưởi trên vỉa hè cần xin thêm một giấy phép khác.
Tại một số nước châu Âu, việc mở nhà hàng, quán cà phê trên lề đường được quy định nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan. Hoạt động kinh doanh đồ ăn phải đăng ký với cơ quan y tế và môi trường. Một trong những địa điểm nổi tiếng với cà phê vỉa hè là Thủ đô Paris của Pháp…
Liên quan vấn đề này, TS. Nguyễn Minh Hòa (nguyên Trưởng khoa Đô thị, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, chức năng nguyên thủy của vỉa hè là không gian chuyển tiếp giữa nhà ở, công trình với đường đi. Đó là phần dành cho người đi bộ và bảo vệ an toàn cho người và công trình trên vỉa hè. Tuy nhiên, hiện nay, vỉa hè đã có thêm chức năng khác là "kinh tế vỉa hè": bến xe bus, dựng bảng quảng cáo, trạm điện thoại, trạm ATM, trụ điện, trụ nước, hàng quán...
Theo TS. Nguyễn Minh Hòa, cần đặt lại mục tiêu của quản lý vỉa hè là quản lý sao cho quy củ, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể cùng tham gia sử dụng, khai thác vỉa hè, nhưng không làm mất đi không gian cho người bộ hành. Đặc biệt, danh mục vỉa hè thu phí phải được công khai giống như danh bạ điện thoại để người dân biết và giám sát. Cuối cùng là những nơi nào phải qua đấu thầu (có quy định dưới luật) hay chỉ định.
Trước tình hình trên, UBND TP Hà Nội đã đề xuất chủ trương nghiên cứu phương án cho thuê vỉa hè theo giờ. UBND TP yêu cầu một số quận trung tâm rà soát tổng thể các tuyến phố, từ đó xây dựng đề án thí điểm cho thuê tại một số tuyến phố có vỉa hè rộng để kinh doanh, góp phần giảm áp lực cho chính quyền cơ sở, tạo điều kiện thuận tiện cho công tác quản lý.
Thêm vào đó, khi xây dựng các tuyến phố cho thuê vỉa hè, chính quyền các địa phương phải công bố công khai quy hoạch để lấy ý kiến, tạo sự đồng thuận của người dân trước khi phê duyệt và tiến hành số hóa để tổ chức thực hiện. Trước mắt, Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu thành phố cho thực hiện thí điểm tại một số tuyến phố, khu vực tại các quận, huyện, thị xã trong năm 2023.
Thy Lê