Giai đoạn 2011-2020, hoạt động KH&CN của Hà Nội đã góp phần phát triển lực lượng sản xuất, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Thành phố.
Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ vào sản xuất
Đặc biệt, việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN gắn với nhu cầu phát triển của thị trường, doanh nghiệp và đời sống xã hội, đã góp phần quan trọng vào việc tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất công - nông nghiệp, dịch vụ và tăng trưởng chung của thủ đô (giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng bình quân của TP đạt 6,93%; giai đoạn 2016-2020 đạt 6,73%).
Đồng thời, đặt ra yêu cầu nâng cao hiệu quả các hoạt động nghiên cứu và triển khai trên cơ sở phát huy năng lực của đội ngũ trí thức và đề xuất giải pháp cho những vấn đề nổi cộm của TP.
HTX Nông nghiệp Vĩnh Thượng triển khai các mô hình phát triển dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ. |
Bên cạnh đó, hoạt động KH&CN đã tạo nhiều dấu ấn nổi bật với các ngành kinh tế trọng điểm của thủ đô. Đơn cử, đối với ngành công nghiệp, Thành phố đã nghiên cứu, chế tạo thành công một số dây chuyền công nghệ thiết bị đồng bộ, hiện đại phục vụ phát triển sản xuất hàng tiêu dùng, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá, đáp ứng nhu cầu trong nước, thay thế hàng nhập khẩu; bước đầu hình thành một số trung tâm gia công CAD/CAM/PLC/CNC làm hạt nhân cho các khu công nghiệp, công nghệ cao, hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu ứng dụng trong công nghiệp và làm tiền đề cho các bước phát triển tiếp theo.
Trong khi đó, với ngành nông nghiệp, Hà Nội đã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao và an toàn cho người sử dụng đơn cử như mô hình sản xuất nấm kim châm sử dụng công nghệ Nhật Bản của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kimoko Thanh Cao, huyện Mỹ Đức, mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao tại huyện Ứng Hòa… , bảo tồn và phát triển các loại cây đặc sản như phật thủ Đắc Sở, ổi Đông Dư, nhãn chín muộn Hà Tây, hồng xiêm Xuân Đỉnh…, sản xuất các loại hoa có giá trị kinh tế cao (lan hồ điệp, hoa ly, hoa hồng…)...
Bên cạnh đó, duy trì và phát triển các giống lúa chất lượng, có khả năng chịu hạn và sâu bệnh tốt, năng suất ổn định, điển hình là mô hình lúa chất lượng cao ở Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên… cho thu nhập tăng thêm so với canh tác lúa truyền thống khoảng 25-30%; vùng sản xuất rau an toàn ở Đông Anh, Phúc Thọ, Gia Lâm… cho giá trị sản xuất từ 400-500 triệu đồng/ha/năm; vùng trồng cây ăn quả ở Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai… cho giá trị từ 0,5-1 tỷ/ha/năm...
Thị trường KH&CN tiếp tục được đẩy mạnh, bước đầu tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, góp phần phát triển kinh tế thủ đô nhanh và bền vững. Với hơn 65% tổng số các nhà khoa học trong cả nước đang sinh sống và làm việc trên địa bàn Hà Nội, TP đặc biệt quan tâm đến việc khai thác, phát huy tiềm lực trí tuệ, tiềm năng chất xám của đội ngũ trí thức để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế thủ đô.
Để phát triển tiềm lực KH&CN, Hà Nội đã phối hợp với các bộ/ngành đẩy nhanh tiến độ, cơ bản hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng chung của Khu công nghệ cao Hòa Lạc, tạo thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Xây dựng, đưa vào hoạt động Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội (HBI-IT), dự án Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
KH&CN làm trọng tâm phát triển kinh tế
Với mục tiêu phát triển KH&CN thủ đô đến năm 2030 đồng hành cùng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội đến năm 2030, đưa Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo quốc gia, trung tâm phát triển công nghệ cao với tiềm lực KH&CN và năng lực nghiên cứu, phát minh, sáng chế, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và có uy tín trong khu vực. TP Hà Nội tiếp tục xác định những định hướng trọng tâm về phát triển KH&CN.
Theo đó, Thành phố sẽ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế theo hướng bền vững, trong đó chuyển đổi số dựa trên 3 trụ cột là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số.
Nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ quản trị đô thị, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; xây dựng và hiện đại hoá hệ thống kết cấu hạ tầng. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của thủ đô theo hướng hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo nâng cao năng suất, chất lượng.
Hà Nội sẽ trở thành trung tâm sáng tạo của quốc gia. |
Nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ quản trị doanh nghiệp, đổi mới máy móc thiết bị và nâng cao trình độ công nghệ. Phát triển thị trường KH&CN lấy giá trị giao dịch công nghệ làm trọng tâm.
Phát triển có trọng tâm, trọng điểm các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với bước đi thích hợp, hướng tới đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho TP, từ đó, tạo tiền đề vững chắc để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển mà TP đã đặt ra.
Để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong thời gian tới thành phố ưu tiên tập trung thực hiện các nhiệm vụ về: Nghiên cứu, đề xuất với Trung ương hoàn thiện các chính sách pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế; cho phép Hà Nội thực hiện cơ chế, thử nghiệm “sandbox” trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, phát triển tiềm lực KH&CN tập trung vào các giải pháp về tài chính và đầu tư, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cho kinh tế thủ đô. Xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số…
Đặc biệt, Thành phố cũng sẽ phát triển thị trường KH&CN, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cùng với đó sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình phát triển thị trường KH&CN, phát triển mạng lưới các tổ chức dịch vụ đánh giá, định giá, thẩm định công nghệ, môi giới mua bán, chuyển giao công nghệ; xây dựng sàn giao dịch công nghệ…
Tăng cường liên kết, hợp tác và hội nhập theo nguyên tắc khoa học mở, đổi mới sáng tạo mở nhằm tạo kết nối, liên kết giữa người dân, cơ quan quản lý, doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, trường đại học trên địa bàn; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đăng Khôi