Đoàn giám sát của Quốc hội vừa có buổi làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2015-2023.
Những chuyển biến tích cực
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho hay trong giai đoạn 2015-2023, tốc độ tăng trưởng của hoạt động kinh doanh bất động sản đạt bình quân 3,16%/năm.
Đáng chú ý, công tác phát triển NƠXH được Hà Nội chú trọng, đã có 30 dự án đã hoàn thành, với khoảng 1,66 triệu m2 sàn; 58 dự án đang triển khai với khoảng 4 triệu m2 sàn, 60.480 căn hộ. Ngoài ra, có 83 ô đất với tổng quy mô sử dụng đất khoảng 43,58ha tại 48 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành quỹ đất 20%, 25% để xây dựng NƠXH theo quy định.
Phát triển nhà ở xã hội là chiến lược trọng điểm nhằm đảm bảo an sinh xã hội tại Hà Nội. |
Để đáp ứng chỉ tiêu đã được giao tại Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" của Chính phủ và triển khai đầu tư NƠXH sau năm 2030, UBND TP Hà Nội tập trung chỉ đạo lập, phê duyệt chủ trương đầu tư 4 dự án khu NƠXH độc lập (tập trung) với khoảng 1 triệu m2 sàn, làm cơ sở để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.
Bên cạnh đó, Hà Nội đã rà soát, bổ sung khoảng 15 khu đất mới có quy mô lớn để đầu tư xây dựng các dự án khu NƠXH tập trung, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (khoảng 2.000 căn hộ/khu); trong đó tập trung bố trí 2-3 khu đất xây dựng nhà ở công nhân tại khu vực gần các khu công nghiệp.
Đối diện nhiều thách thức
Trong năm 2024, TP Hà Nội dự kiến hoàn thành khoảng 10.000 căn hộ NƠXH tại 7 dự án, trong đó 3 dự án đang triển khai dự kiến hoàn thành 78.000m2 sàn với 1.180 căn hộ; 4 dự án phát triển mới với 0,7 triệu m2 sàn, khoảng 9000 căn hộ. Theo đó, TP cơ bản đáp ứng chỉ tiêu đặt ra.
Tuy nhiên, số liệu từ Liên đoàn Lao động TP Hà Nội cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại đang có khoảng 170.000 công nhân, người lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất của TP Hà Nội, 80% số đó là người lao động ngoại tỉnh, hầu hết đều có nhu cầu về nhà ở.
Trong bối cảnh đó, TP Hà Nội mới có ba khu công nghiệp (Thạch Thất, Thăng Long và Phú Nghĩa) có dự án NƠXH cho công nhân lao động, cung cấp được 1.532 phòng (khoảng 11.520 chỗ ở), tương đương đáp ứng khoảng 6,8% nhu cầu thực tế.
Luật Thủ đô sửa đổi chính thức được thông qua được kỳ vọng gỡ vướng phát triển nhà ở xã hội. |
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn, dù đã có không ít chuyển biến tích cực, tuy nhiên, nhìn chung nguồn cung bất động sản trên địa bàn TP còn tương đối khan hiếm, sản phẩm bất động sản nhà ở mới được chào bán chủ yếu là các dự án đã được phê duyệt từ giai đoạn trước.
Quy hoạch bố trí quỹ đất xây dựng NƠXH chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn. Các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc NƠXH trong các khu NƠXH tập trung rất thấp so với quy mô các dự án do bị khống chế về quy mô dân số. Do đó, việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở công nhân còn chậm.
Cơ chế, chính sách ưu đãi đối với dự án NƠXH chưa thực sự hấp dẫn, chưa thu hút doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Trình tự, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo hình thức đấu thầu mất nhiều thời gian…
Kỳ vọng đột phá nguồn cung
Cần phải nói thêm, Trong Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH giai đoạn 2021 – 2023 (tại Quyết định 338/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), Hà Nội cùng với TPHCM là một trong hai địa bàn được giao nhiệm vụ triển khai trọng điểm. Cụ thể, trong giai đoạn này Hà Nội phải hoàn thành 56.200 căn (18.700 căn giai đoạn 2021 - 2025 và 37.500 căn giai đoạn 2026 - 2030).
Trước đòi hỏi từ thực tế, vào đầu tháng 7 vừa qua, việc Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) với 7 Chương và 54 Điều, trong đó dành riêng Điều 30 để quy định về vấn đề phát triển nhà ở nói chung và NƠXH nói riêng, đang mang lại nhiều hy vọng cho phân khúc đặc thù này.
Theo luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có nhiều cơ chế thông thoáng hơn thúc đẩy NƠXH phát triển. Theo đó, tại khoản 5 Điều 30 quy định chi tiết về việc phân cấp, ủy quyền cho HĐND và UBND TP trong việc điều chỉnh quy hoạch tạo quỹ đất cho phát triển NƠXH.
Cùng với đó là việc chủ động bố trí kinh phí ngân sách lập quy hoạch, lựa chọn chủ đầu tư; bố trí thay thế quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội tương đương vào trong các khu NƠXH trên địa bàn đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2ha đến dưới 10ha khi doanh nghiệp nộp số tiền tương ứng với quỹ đất 20% vào Quỹ đầu tư phát triển TP Hà Nội để phát triển nhà ở xã hội.
Những quy định của Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô trên tất cả các mặt của đời sống kinh tế xã hội.
Đối với vấn đề về nhà ở, việc được phân quyền xây dựng các đồ án quy hoạch chi tiết, bố trí quỹ đất cho nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà tái định cư, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ... sẽ giúp các dự án nhà ở được đẩy nhanh hơn, tiến tới khắc phục tình trạng thiếu nguồn cung, giá bán nhà leo thang.
Bên cạnh đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) được kỳ vọng góp phần giúp TP Hà Nội hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025, ít nhất xây dựng thêm 1 đến 2 khu nhà ở công nhân cho các khu công nghiệp đang hoạt động; phấn đấu đến năm 2030, 100% các khu công nghiệp được quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng nhà ở công nhân và thiết chế văn hóa cho người lao động. 100% các khu công nghiệp được xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, theo quy hoạch được duyệt.
Gỡ khó khăn vướng mắc cho thị trường bất động sản và phát triển NƠXH Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng đoàn giám sát buổi làm việc với UBND TP. Hà Nội vào chiều 17/7, đề nghị TP Hà Nội khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành được giao trong các Luật. Cùng đó, tập trung thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Luật Thủ đô (sửa đổi); hoàn thiện 2 nhiệm vụ quy hoạch của Thủ đô nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. "Đây là lĩnh vực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh. |
Đông Phong