Hội thảo khoa học "Đánh giá dự án đầu tư nhà máy dệt - nhuộm của Tập đoàn TAL, hiệu quả kinh tế xã hội, tác động môi trường" vừa được UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức, nhằm lấy ý kiến của các đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia, đại diện các bộ, ngành liên quan…
Ảnh minh họa |
Đây là một trong những việc phải làm trước khi đưa ra câu trả lời với nhà đầu tư về việc có hay không cấp phép đầu tư cho Dự án.
100% ý kiến tại Hội thảo thống nhất cho rằng Vĩnh Phúc nên rất thận trọng và sáng suốt khi cấp phép đầu tư cho Dự án dệt - nhuộm của Tập đoàn TAL.
Theo ông Lê Hùng Nam, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý nguồn nước và nước sạch nông thôn, Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), dự án này có nhu cầu sử dụng tới 12.000 m3 nước/ngày đêm, dự kiến lấy nước ở hai nguồn: hệ thống nước của Công ty cấp nước là 6.000 m3 và hồ Thanh Lanh với 4.000 m3/ngày đêm. Cộng dồn, các nguồn nước theo dự kiến mới đạt 10.000 m3.
Lượng nước thải trung bình của dự án là 11.840 m3/ngày đêm và xả thải ra đầu nguồn sông Mây tại xã Thiện Kế, rồi đổ về sông Cà Lồ vào sông Cầu.
Nhà máy của TAL còn sử dụng khối lượng lớn hóa chất, với khoảng 17.000 tấn/năm, bao gồm các chất như natri hydroxit, peroxit, axit sunforic, những hóa chất tiềm ẩn nguy cơ lớn đến chất lượng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản…
Quan ngại về nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, nếu dự án đi vào hoạt động, ông Nam cho rằng Vĩnh Phúc nên từ chối dự án này vì rủi ro về ô nhiễm môi trường là rất lớn.
Phân tích của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc càng cho thấy việc cấp phép cho Dự án là khó khả thi. Cụ thể, vào mùa khô, dòng chảy tại điểm xả thải dự kiến tại sông Mây thời điểm thấp nhất (tháng 2) chỉ đạt 4.000 m3/ngày đêm, trong khi lượng xả thải trung bình của dự án này là 11.840 m3/ngày đêm, nhiều hơn gấp đôi lượng nước sông, nên nước sông không bảo đảm đủ để pha loãng nồng độ nước thải của dự án trên (nếu thực hiện).
Là địa phương nằm trong phạm vi ảnh hưởng nếu nguồn nước của sông Cầu bị ô nhiễm, đại diện UBND tỉnh Bắc Ninh lưu ý tỉnh Vĩnh Phúc nên rất thận trọng với dự án này, bởi nếu xảy ra sự cố sẽ không chỉ ảnh hưởng tới Vĩnh Phúc, mà còn tác động tiêu cực rất lớn tới các địa phương khác.
Trên cơ sở phân tích 4 yếu tố cơ bản là dự án không phù hợp với quy hoạch, nguồn nước cấp không đủ để hoạt động, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, sẽ xảy ra khiếu kiện do người dân không đồng thuận, ông Diệp Văn Tư, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Bình Xuyên, kiến nghị không cho dự án này đi vào hoạt động trên địa bàn huyện.
Vũ Hồng