![]() |
Họp báo sáng 19/4 giới thiệu Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021 – 2030. |
TS.KTS Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng (Cơ quan thường trực tham mưu UBND TP Đà Nẵng triển khai đề án) cho biết quá trình xây dựng Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các mục tiêu, nhiệm vụ, cũng như các dự án về môi trường trong Đề án này đã được tích hợp trong công tác quy hoạch, xây dựng, đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị, hoàn thiện năng lực giám sát, xử lý và bảo vệ môi trường, như: cấp, thoát nước, xử lý rác thải, giao thông, hệ thống quan trắc…
"Do đó, việc thực hiện Đề án lần này có mục tiêu, tiêu chí hết sức rõ ràng, mang tính hệ thống, tính khả thi cao, đảm bảo huy động tối đa các nguồn lực và lộ trình thực hiện. Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành sẽ cùng tham gia, triển khai thực hiện đồng bộ ở 04 nhóm thành phần trọng tâm: Phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm; Cải thiện môi trường, giải quyết những vấn đề trọng tâm, trọng điểm; Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học và Tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, với 31tiêu chí cụ thể!” – Ts.KTS Tô Văn Hùng nói.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Kim Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Đà Nẵng thông tin về nguồn kinh phí hơn 15.500 tỉ đồng cho Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021 – 2030. |
Đáng chú ý, theo bà Nguyễn Thị Kim Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT Đà Nẵng), tổng kinh phí thực hiện 51 chương trình, dự án của Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - TP Môi trường” giai đoạn 2021 – 2030 ước tính hơn 15.546 tỷ đồng. Trong đó ngân sách nhà nước 5.436 tỉ đồng; nguồn vốn ODA 3.200 tỉ đồng; nguồn vốn xã hội hóa 6.910 tỉ đồng.
“Kinh phí thực hiện Đề án sẽ được huy động từ các nguồn lực trong xã hội kết hợp với tăng chi ngân sách; áp dụng hiệu quả nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả chi phí xử lý và bồi thường thiệt hại; người hưởng lợi từ các giá trị do công tác xử lý, duy trì bảo vệ môi trường phải trả phí tương xứng.
Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng và người dân trong bảo vệ môi trường. Phát huy nội lực và hợp tác quốc tế; tăng cường quản lý nhà nước đi đôi với nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường của toàn xã hội!” – bà Nguyễn Thị Kim Hà nói.
Hải Châu