Cải cách hành chính đi trước
Thời gian qua, Hải Phòng đã quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, Hải Phòng đã, đang xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng công vụ. Riêng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Hải Phòng nằm trong 3 địa phương dẫn đầu cả nước (năm 2021 xếp vị trí thứ 2/63, năm 2022 xếp vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành phố). Chỉ số cải cách hành chính (PAR-Index) năm 2021 dẫn đầu cả nước, năm 2022 xếp vị trí thứ 02/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) giai đoạn 2021 - 2022 thuộc nhóm cao nhất cả nước. Chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2021 đứng thứ 02/63 và năm 2022 đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố.
Mặc khác, Hải Phòng khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân, HTX phát triển nhanh, bền vững, thực sự là động lực quan trọng của kinh tế thành phố, tăng cường kết nối, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, chủ động thu hút vốn FDI, với nhiều dự án quy mô lớn, nằm trong chuỗi sản phẩm toàn cầu do các tập đoàn kinh tế lớn, các công ty đa quốc gia trên thế giới đầu tư. Theo đó, tổng vốn đầu tư FDI từ đầu nhiệm kỳ đến hết tháng 6/2023 ước đạt trên 9,36 tỷ USD, dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp trong giai đoạn 2021 - 2022.
Đổi mới và cơ cấu lại nền kinh tế
Bên cạnh đó, Hải Phòng thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 03 trụ cột chủ yếu: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ từ 89,39% năm 2020 lên 90,66% năm 2022, giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tương ứng từ 3,97% xuống còn 3,61%. Chủ động ưu tiên thu hút các dự án có giá trị gia tăng cao, sử dụng thiết bị, công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên; có khả năng lan tỏa, liên kết với các doanh nghiệp trong nước theo chuỗi giá trị, thu hút các dự án vệ tinh khác tiếp tục đầu tư.
Công nghiệp công nghệ cao phát triển theo hướng hiện đại, nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm. Tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GRDP, tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong công nghiệp chế biến chế tạo vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp đồng bộ về hạ tầng, theo hướng tập trung, kiểm soát ô nhiễm môi trường, tiếp tục thu hút các dự án có công nghệ cao.
Đường Lê Hồng Phong đã được kết nối nhiều tuyến đường cảng biển, hàng không và đối ngoại. |
Thực hiện xây dựng Cảng biển – logistics, Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 02/8/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển các hoạt động dịch vụ phục vụ hoạt động cảng biển, dịch vụ logistics đến năm 2025- 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Tăng cường triển khai các hoạt động hợp tác, tổ chức hội nghị, hội thảo về dịch vụ logistics. Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng các bến cảng tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.
Về Du lịch - thương mại, mặc dù 2 năm 2021 – 2022 bị gián đoạn do tác động của dịch COVID-19, tuy nhiên, ngay sau khi mở cửa hoạt động du lịch, thành phố đã chủ động, tích cực nghiên cứu đổi mới sản phẩm, triển khai nhiều hoạt động quảng bá du lịch, xây dựng Đề án “Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới tại Hải Phòng”. Giai đoạn 2021 - 2022, đã thu hút thêm 06 dự án đầu tư hạ tầng du lịch với tổng vốn đầu tư 16.385,93 tỷ đồng, góp phần làm mới sản phẩm, đa dạng hóa dịch vụ, tạo sức hấp dẫn, đặc biệt tại phân khúc du lịch cao cấp. Kết cấu hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư ở cả quy mô và chất lượng. Bằng hàng loạt các giải pháp trên, du lịch Hải Phòng đang phục hồi mạnh mẽ.
Mô hình chợ công nghệ 4.0 - thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai tại nhiều khu vực nội thành. Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng khá, bám sát mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ
Để thu hút đầu tư, nhất là những nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế thế giới, Hải Phòng liên tục khởi công, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Hoàn thành nhiều dự án quan trọng kết nối giao thông nội đô với ngoại đô, góp phần nâng cao năng lực hạ tầng giao thông đối nội- đối ngoại của thành phố. Đồng thời, tiếp tục cải tạo, sửa chữa các tuyến đường đô thị và các tuyến đường tỉnh đi qua địa bàn thành phố.
Các công trình giao thông đối ngoại kết nối với các địa phương được quan tâm đầu tư, hoàn thành, đưa vào khai thác; từng bước đưa Hải Phòng trở thành địa phương có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi trong nước và quốc tế.
Giao thông đường bộ và đường biển Hải Phòng ngày một phát triển, đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển. |
Đối với hệ thống giao thông cảng biển, hàng không, Hải Phòng đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các bến số 3, 4, 5, 6, 7, 8 khu Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng theo chủ trương đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tiếp tục kêu gọi đầu tư các bến còn lại; triển khai các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương và triển khai đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách số 2, mở rộng sân đỗ máy bay - Giai đoạn 2 và Nhà ga hàng hóa tại Cảng Hàng không Quốc tế Cát Bi.
Cùng với xây dựng, phát triển, hiện đại hóa giao thông và giao thông đô thị. Ban Cán sự Đảng UBND thành phố tăng cường chỉ đạo xây dựng, điều chỉnh quy hoạch phù hợp với Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 323/QĐ-TTg, ngày 30/3/2023.
Chỉ đạo triển khai hoàn thành các dự án chỉnh trang đô thị, động thổ, khởi công nhiều dự án phát triển đô thị. Điều chỉnh Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hải Phòng đến năm 2020, năm 2025 và năm 2030; triển khai Đề án xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân kết hợp giải quyết nhà ở cho các hộ dân sinh sống tại các chung cư cũ trên địa bàn thành phố. Hoàn thành, đưa vào sử dụng toàn bộ Dự án Khu nhà ở xã hội tại xã An Đồng, huyện An Dương; khởi công 06 dự án nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp với tổng mức đầu tư 12.326 tỷ đồng. Đồng thời đang thực hiện thủ tục đầu tư, đấu thầu một số dự án nhà ở xã hội khác nhằm từng bước hiện thực hóa Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” của Chính phủ. Và Hải Phòng lại đang xây dựng Nghị quyết của Thành uỷ về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn thành phố nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân.
Vũ Trang