Những công trình này hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ làm thay đổi căn bản bộ mặt đô thị, nâng cao đời sống người dân, phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời góp phần không nhỏ để thu hút đầu tư.
Cầu Sông Hóa thay thế cầu phao
Sáng 9/5/2019, cầu sông Hóa được UBND thành phố và UBND tỉnh Thái Bình cùng phối hợp khởi công xây dựng để thay thế cầu phao sông Hóa.
Trước đó, ngày 10/4/2019, UBND TP Hải Phòng mới phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng cầu sông Hoá với tổng vốn đầu tư hơn 185 tỷ đồng.
Cầu Sông Hóa là cầu bê tông vĩnh cửu thay thế cho cầu phao trên sông Hoá thuộc tuyến QL37 nối huyện Thái Thuỵ (tỉnh Thái Bình) với huyện Vĩnh Bảo (TP Hải Phòng). Cầu được xây dựng bằng bê tông cốt thép dự ứng lực. Cầu dài 254,1m, mặt cắt ngang cầu 12m,tải trọng thiết kế HL93 (lớn nhất), khổ thông thuyền 30m x 6m; đường vuốt dốc hai đầu cầu theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, bề rộng nền 12m; trong đó, bề rộng mặt đường 11m, bề rộng lề đường 0,5m. Cầu được đầu tư bằng ngân sách thành phố (182 tỷ đồng) và một phần của tỉnh Thái Bình (3 tỷ đồng).
![]() |
Đây là cây cầu phao cuối cùng của Hải Phòng, dự kiến đến cuối năm nay dự án xây cầu mới sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng |
Cầu sông Hóa nằm ở ngã 3, quốc lộ 37, vị trí chiến lược về sự phát triển KT- XH của các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo ( Hải Phòng), Diêm Điền, Thái Thụy ( Thái Bình). Theo dự kiến, đến cuối năm 2019, cầu sông Hóa sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần không nhỏ vào việc “ xóa vùng lõm” về KT-XH của 4 huyện thuộc tỉnh Thái Bình và TP. Hải Phòng.
Tuy nhiên, trong khi đó, theo quan sát của phóng viên, quốc lộ 37, chỉ có chiều rộng khoảng 6mét, sẽ dẫn đến “ nút thắt cổ chai dài khoảng hơn 10 km”. Bởi, hiện nay mật độ giao thông rất lớn, khi cầu sông Hóa đưa vào sử dụng, mật độ giao thông chắc chắn sẽ lớn hơn nên quốc lộ 37 không đáp ứng nhu cầu giao thông và phát triển KT-XH cho thành phố Hải Phòng và tỉnh Thái Bình.
![]() |
Quốc lộ 37 chỉ rộng 6m sẽ thành nút thành cổ chai khi cầu sông Hóa hoàn thành |
Cầu vượt nút giao Nguyễn Văn Linh- Hồ Sen- cầu Rào 2
Cũng trong ngày 9/5,cầu vượt nút giao Nguyễn Văn Linh được TP. Hải Phòng khánh thành đưa vào sử dụng (sau hơn 1 năm khởi công) và khởi công tuyến đường trục Nguyễn Văn Linh đến ngã 3 đường Chợ Con.
Trước đây, mọi phương tiện đi đến nút giao Cầu Rào 2- Nguyễn Văn Linh đều phải chờ đợi bởi tắc đường. Với mật độ giao thông lớn, nút giao này là nỗi thống khổ của CSGT và là nỗi kinh hoàng của người tham gia giao thông. Vì là nút giao trên con đường huyết mạch từ Cảng ra quốc lộ 5 nên nhiều xe container chở hàng hóa bị ách tắc.
![]() |
Quang cảnh buổi lễ |
Trước sự bức bách về giao thông, Hải Phòng lấy ngân sách để đầu tư. Cầu vượt thuộc Dự án xây dựng trục đường Hồ Sen – Cầu Rào 2 (đoạn từ nút giao Nguyễn Văn Linh đến ngã 3 Chợ Con) có tổng chi phí khoảng 360 tỷ đồng. Cầu dài hơn 288m, nhịp chính dài 100m, mặt cầu rộng 19m.
Đây là một trong những dự án trọng điểm của thành phố. Cầu vượt nút giao Nguyễn Văn Linh khi hoàn thành có ý nghĩa rất lớn góp phần từng bước giải quyết các vấn đề cấp bách về giao thông đô thị, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện lưu thông, từ đó góp phần giảm áp lực, giảm ách tắc giao thông cho tuyến đường Tô Hiệu và Lạch Tray. Đây cũng là tuyến giao thông huyết mạch kết nối khu vực trung tâm thành phố với QL5, đường Phạm Văn Đồng và khu vực phía Nam thành phố, là cửa ngõ chính của thành phố thông đi các tỉnh thành phố theo trục đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đường cao tốc ven biển, góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, nâng cao năng lực vận tải hàng hóa thông qua cảng biển Hải Phòng.
![]() |
Cầu vượt nút giao Nguyễn Văn Linh - Hồ Sen - Cầu Rào 2 đã hoàn thành đưa vào sử dụng |
Công trình tuyến đường trục từ nút giao Nguyễn Văn Linh đến ngã 3 đường Chợ Con, qua Hồ Sen có tổng chiều dài tuyến 1.690,87m, bề rộng nền đường từ 32,5m đến 35,0m theo tiêu chuẩn đường trục chính đô thị thứ yếu. Kết cấu mặt đường bê tông nhựa. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 1.405 tỷ đồng.
Trục giao thông này sẽ góp phần hoàn chỉnh mạng lưới hạ tầng giao thông, giảm lưu lượng giao thông cho tuyến đường Lạch Tray- Cầu Rào 1, từng bước giải quyết các vấn đề cấp bách về giao thông đô thị cho người dân và phương tiện lưu thông qua nút giao Nguyễn Văn Linh – Cầu Rào 2 , tăng lưu lượng vận tải cho hệ thống cảng biển Hải Phòng.
Cùng với đó, dự án này sẽ kết nối giao thông qua Cầu Rào 2, đường Phạm Văn Đồng, đường ôtô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với các khu đô thị ven sông Lạch Tray, trung tâm thương mại AeonMall và các khu vực phát triển khác, tiếp nối cho mục tiêu đẩy mạnh kết nối giao thông liên vùng...
Bệnh viện y học cổ truyền
Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Phòng cũng được khánh thành đúng vào ngày 9/5. Bệnh viện được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 2662/QĐ-UBND ngày 31/10/2016, tháng 9/2017 khởi công xây dựng bệnh viện với tổng mức đầu tư gần 189 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố.
Công trình khám, kỹ thuật nghiệp vụ hành chính có 5 tầng với diện tích sàn là 6.150m2, bảo đảm cho 220 giường bệnh. Sự ra đời của bệnh viện Y học cổ truyền Hải Phòng góp phần hiện đại hoá, đẩy mạnh phát triển y dược cổ truyền; kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cho người dân thành phố và các địa phương lân cận. Qua đó, từng bước củng cố, phát triển tổ chức, mạng lưới y dược trên địa bàn thành phố.
![]() |
Lãnh đạo UBND TP Hải Phòng và các đơn vị có liên quan chính thức cắt băng khánh thành Bệnh viện Y học Cổ truyền |
Thời gian tới Bệnh viện Y học Cổ truyền Hải Phòng tập trung triển khai Đề án Phát triển vùng dược liệu thành phố Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, từng bước xây dựng, quy hoạch vườn thuốc nam tại Bệnh viện và các Trạm Y tế, duy trì và phát triển tinh hoa y học cổ truyền dân tộc trong phòng bệnh, khám bệnh và chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần để y tế Hải Phòng trở thành TTYT vùng Duyên Hải Bắc Bộ.
Dự án cải tạo, chỉnh trang sông Tam Bạc
Dự án cải tạo, chỉnh trang sông Tam Bạc (đoạn từ cầu Lạc Long đến công viên cầu Tam Bạc) có tổng mức đầu tư hơn 1.454 tỷ đồng. Sau 1 năm thi công, ngày 9/5/2019, dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng.
![]() |
Đàn thiên nga được thả xuống sông Tam Bạc - tuyến phố đi bộ TP Hải Phòng |
Các đơn vị thi công nạo vét lòng sông bảo đảm độ sâu từ 2,1m đến 2,5m; chiều rộng lòng sông rộng 63m: kè bê tông thẳng đứng hai bên bờ sông; cải tạo hè, đường Thế Lữ và đường Tam Bạc chiều rộng mặt đường 16,5- 18 m, vỉa hè phía bờ sông 5m, vỉa hè phía nhà dân 3m cùng hệ thống lan can, đèn chiếu sáng, cây xanh… đồng bộ.
Dự án được thực hiện góp phần thay đổi căn bản, rõ rệt môi trường sống, cảnh quan đô thị, là điểm nhấn ấn tượng tại cửa ngõ thành phố, là một trong khu thu hút khách du lịch của thành phố, tiến tới tổ chức phố đi bộ tại khu vực này.
Vũ Trang