Hà Nội đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình phục hồi cho ngành du lịch, sau khi dịch bệnh COVID-19 gây ra nhiều khó khăn, thách thức với các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này. Nhiều giải pháp đã được đề ra, trong đó chuyển đổi số được xem là giải pháp căn cơ, tất yếu và lâu dài, đặc biệt trong thời đại công nghệ 4.0 đang phát triển và ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội.
Đa lợi ích từ chuyển đổi số
Hình thức khách đoàn tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám chỉ cần 1 lần mua vé theo hình thức biên lai điện tử rồi quét mã QR cho cả đoàn đi vào do Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Bộ Công Thương) cung cấp. Đơn vị này tin rằng việc nâng cấp biên lai điện tử lần này sẽ hỗ trợ tích cực cho mô hình quản lý vận hành của Văn Miếu - Quốc Tử Giám một cách khoa học và minh bạch, góp phần phát huy giá trị di sản, đưa di tích trở thành điểm du lịch chất lượng cao của Thủ đô và cả nước.
Chuyển đổi số đem đến cho khách du lịch trải nghiệm nhanh, tiện và an toàn. |
Hơn nữa, việc triển khai này còn giúp nâng cao trải nghiệm cho khách tham quan, đồng thời nhân viên soát vé không còn phải vất vả kiểm tra từng vé tương ứng với người, cũng như không cần phải nhận vé, xé vé khi khách qua cửa như trước đây.
Ngoài ra, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã thực hiện số hoá một số nội dung, giá trị 40 hạng mục của di tích, để mã hoá thành các QR code cho khách tham quan tìm hiểu; triển khai thiết bị thuyết minh tự động (Audio Guide) bằng 12 ngôn ngữ.
Trong khi đó, tại Hoàng thành Thăng Long, Ban quản lý cũng đã áp dụng mã QR để du khách tra cứu thông tin về khu di tích, bên cạnh phần mềm kiểm soát vé và quản lý khách tự động để nâng cao công tác quản lý. Làng gốm Bát Tràng ở huyện Gia Lâm thì sử dụng công nghệ thực tế ảo (VR) để giúp du khách hòa mình vào lễ hội thủ công mỹ nghệ của làng nghề...
Thu Uyên, nhân viên một công ty du lịch tại Hà Nội, cho biết sự phát triển của công nghệ số giúp công việc hỗ trợ khách hàng của cô trở nên dễ dàng và thuận hơn. "Từ khâu đặt phòng khách sạn, đặt vé các điểm tham quan, đặt bữa ăn cho đoàn khách, thậm chí các lưu ý cho từng thành viên tới các thanh toán dịch vụ, hay hỗ trợ nhập cảnh ngay tại sân bay đều có thể được thực hiện online", cô nói.
Anh Nguyễn Trung Hiếu (phố Hào Nam, quận Đống Đa) chia sẻ, trước mỗi chuyến du lịch, anh tự đặt tour qua các ứng dụng hỗ trợ trên điện thoại di động, hoặc thông qua các công ty du lịch bằng phương thức giao dịch trực tuyến. Thậm chí, khi đến các khu vui chơi, di tích thẳng cảnh ngay tại Hà Nội, anh cũng thường mua vé trước trên mạng, qua đó có thể tránh được tình cảnh phải xếp hàng chờ đợi hay đến nơi mà hết vé. Anh khẳng định: “Công nghệ đang giúp việc đi du lịch thuận tiện hơn".
Hiệu quả thấy rõ
Có thể nói, hiện nay, chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết, xu hướng tất yếu đối với ngành du lịch toàn cầu, không chỉ ở Việt Nam. Đây được coi là giải pháp đột phá giúp ngành du lịch thích ứng linh hoạt với những thay đổi sâu sắc sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, mở ra hướng đi mới bền vững hơn.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số hiệu quả sẽ giúp các doanh nghiệp du lịch thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của thị trường. Trên nền tảng những công nghệ mới, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch có thể đem đến những trải nghiệm thuận tiện, an toàn, nhanh chóng cho khách du lịch thông qua các hệ thống thuyết minh tự động, mã QR code, app du lịch... Đồng thời, các doanh nghiệp có thể gia tăng khả năng tương tác để hiểu tâm lý, hành vi, nhu cầu, qua đó có thể giới thiệu, quảng bá các sản phẩm phù hợp.
Hà Nội hiện có tới 5.922 di tích lịch sử, văn hóa; 47 nghề/52 nghề truyền thống của cả nước; 1.350 làng nghề và làng có nghề; hàng trăm bảo tàng…
Hiện, không ít đơn vị trên địa bàn Hà Nội đã và đang đẩy mạnh triển khai các hoạt động tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Thủ đô trên các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Youtube, Tiktok, cũng như các nền tảng 3D, trực tuyến… Đây là phương pháp truyền thông mới phù hợp với xu hướng mới của thị trường, đồng thời đảm bảo an toàn, an ninh mạng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch, điểm đến du lịch cũng đang rất chủ động, tích cực triển khai các hoạt động chuyển đổi số trong quản lý, xây dựng sản phẩm du lịch mới, tuyên truyền, quảng bá các tour du lịch và tích cực triển khai hệ thống quản lý dữ liệu, thông tin trong hoạt động quản lý, phát triển kinh doanh.
Các điểm đến như di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di tích Hoàng Thành Thăng Long… hiện nay đã áp dụng hệ thống phần mềm QR code, cửa soát vé tự động, phần mềm quản lý khách…, qua đó nâng cao năng lực quản trị của đơn vị; Ứng dụng các công nghệ mới như 360, 3D, FLYCAM, Mapping… trong xây dựng các sản phẩm du lịch mới, không chạm; Đẩy mạnh hoạt động truyên truyền, quảng bá trên không gian mạng thông qua các chương trình xúc tiến, triển lãm, giới thiệu sản phẩm trực tuyến, trên các nền tảng công nghệ mới.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, với chính sách mở cửa, phục hồi các hoạt động du lịch, ước tính cả năm 2022, tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 18,7 triệu lượt, tăng gấp 1,87 lần so với kế hoạch và bằng 64,7% lượng khách năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 60 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 1,68 lần so với kế hoạch và 5,3 lần so với năm 2021, bằng 57,8% tổng thu từ khách du lịch năm 2019.
Phát huy những kết quả đạt được, năm 2023, Sở Du lịch Hà Nội đặt mục tiêu đón 22 triệu lượt khách, tăng 17,6% so với năm 2022, trong đó có 3 triệu lượt khách quốc tế. Cùng với việc triển khai đẩy mạnh chuyển đổi số trong du lịch, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 sẽ đón và phục vụ trên 30 triệu lượt khách, trong đó có trên 7 triệu lượt khách quốc tế.
Hoa Vũ