Không chỉ trên các tuyến cao tốc, từ giữa tháng 4/2024, hàng loạt điểm trông giữ phương tiện trên địa bàn Thủ đô bắt đầu thí điểm áp dụng giải pháp trông giữ xe không dùng tiền mặt.
Hiệu quả từ thu phí không dùng tiền mặt
Việc triển khai điểm thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt nhằm thực hiện hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ và Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đồng thời, từng bước hình thành hệ thống giao thông thông minh, tạo thói quen không sử dụng tiền mặt khi thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe của người dân trên địa bàn thành phố, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong công tác thu giá dịch vụ trông giữ xe tại các bãi đỗ xe.
Dịch vụ trông giữ xe không tiền mặt đang lan tỏa nhanh trên địa bàn thành phố Hà Nội. |
Trưởng phòng Công nghệ thông tin (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) Trương Kiều Anh cho biết, thanh toán điện tử là xu thế tất yếu, góp phần hoàn thiện hệ thống điều hành giao thông thông minh.
Thời gian qua, quá trình thí điểm thu phí dịch vụ đỗ xe không dùng tiền mặt đạt kết quả khá tích cực. Các điểm, bãi trông giữ cơ bản hoạt động ổn định; người dân đều đồng tình bởi chất lượng dịch vụ tốt hơn, hạn chế tiêu cực, công khai, minh bạch... Tỷ lệ sử dụng đối với ô tô là gần 90%, với xe máy là 85%. Còn với thẻ vé điện tử giao thông công cộng, tỷ lệ này cũng lên tới 85%.
Ghi nhận từ thực tế cũng cho thấy sau thời gian triển khai thí điểm, dịch vụ trông giữ thu giá xe không dùng tiền mặt đã tăng chất lượng dịch vụ, tăng tính minh bạch công khai, tăng niềm tin của người dân, cùng đó đã giảm thời gian, thủ tục hành chính và chi phí.
Đơn cử, quanh khu vực hồ Gươm (quận Hoàn Kiếm), một vài điểm trông giữ xe đã ứng dụng công nghệ thu phí không dùng tiền mặt. Khi gửi xe máy, nhân viên sẽ cấp vé cho người dân và thông báo mức phí (5.000 đồng/xe), sau đó yêu cầu chủ xe dùng điện thoại di động quét mã QR để thanh toán.
Sau nhiều lần sử dụng dịch vụ, anh Đức Tuấn, làm việc tại khu vực Hoàn Kiếm, chia sẻ: “Trong thời buổi công nghệ như hiện nay, thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến, ứng dụng vào hoạt động trông giữ xe rất tiện, vì trong ví không phải lúc nào cũng có tiền lẻ”.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (Giảng Võ, Ba Đình) đánh giá việc gửi xe không dùng tiền mặt văn minh, thuận tiện, minh bạch, không còn việc thu quá quy định và dẹp được các điểm trông xe tự phát gây bức xúc cho người dân trước đây.
Khơi thông những điểm nghẽn
Trước những kết quả tích cực trong thời gian thí điểm, UBND thành phố Hà Nội khuyến khích các quận, huyện, thị xã rà soát, triển khai, mở rộng phạm vi ứng dụng trông giữ xe không sử dụng tiền mặt trên địa bàn.
Thành phố cũng giao Sở Giao thông Vận tải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Đề án giao thông thông minh theo hướng toàn diện, đa chiều, đồng bộ, thống nhất với tổng thể quy hoạch và công tác chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh.
Những kết quả đạt được là tích cực, tuy nhiên, trong quá trình triển khai thu phí không dùng tiền mặt vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục, do đó thành phố dự kiến tiếp tục hoàn thiện để đem lại sự tiện ích cho người dân và cơ quan quản lý.
Thanh toán không dùng tiền mặt là bước đi quan trọng để hoàn thiện hệ thống giao thông thông minh tại Hà Nội. |
Bà Trương Kiều Anh, Trưởng phòng Công nghệ thông tin, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, thanh toán điện tử là một trong những chức năng của của hệ thống điều hành.
Hiện nay, Sở Giao thông Vận tải đã xây dựng trình Thành phố Đề án giao thông thông minh, trong đó có 3 giai đoạn phát triển từ 2024-2026, 2027-2029 và từ 2030 trở đi. Ngoài ra, việc thanh toán điện tử quản lý bến đỗ, quản lý các chức năng khác của giao thông thông minh đều thanh toán điện tử.
Theo bà Kiều Anh, liên quan đến điều kiện về hạ tầng, cơ sở pháp lý để triển khai nội dung này, Sở đang triển khai một số nội dung. Trong đó, tham mưu cho Thành phố ban hành Đề án giao thông thông minh. Từ tháng 7/2024, Sở khai trương thí điểm Trung tâm điều hành giao thông thông minh.
"Sở cũng tham mưu cho Thành phố ban hành khung tiêu chuẩn kỹ thuật về thẻ vé điện tử. Trong đó, có tiêu chuẩn về hệ thống phương pháp vé tự động kiểm soát thẻ vé không dừng như VETC... để làm nền tảng triển khai các hệ thống thẻ vé sau này", bà Kiều Anh cho hay.
Mới đây, Hà Nội cũng chính thức vận hành hệ thống giao thông thông minh. Các chức năng của hệ thống giao thông thông minh trong giai đoạn thí điểm bao gồm: hệ thống giám sát giao thông; cung cấp thông tin giao thông; điều khiển giao thông; hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; quản lý giao thông công cộng; quản lý sự cố; quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý đỗ xe; quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công cộng.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường nêu rõ: “Việc đưa vào vào khai thác Trung tâm điều hành giao thông thông minh là nền tảng cốt lõi trong việc hình thành hệ thống giao thông thông minh, là cơ sở thực tiễn quan trọng cho việc hoàn thiện Đề án giao thông thông minh và tổ chức thực hiện trong thời gian tới. Sau khi thí điểm, Sở sẽ cùng các đơn vị liên quan tổng kết, đánh giá toàn diện, đưa ra phương án tối ưu về kỹ thuật, công nghệ, bảo đảm tính hiệu quả, khả thi, đáp ứng tiến độ theo yêu cầu”.
Nam Phong