Theo Báo cáo tại Hội nghị, trong năm 2024, kinh tế Thủ đô duy trì tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước. Thành phố dự kiến cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát, dự kiến 23/24 chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch đề ra, trong đó 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch.
Duy trì đà tăng trưởng
Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng đầu năm tăng 6,12% (cùng kỳ năm 2023 tăng 5,99%), dự kiến cả năm tăng trên 6,5% (cùng kỳ tăng 6,27%).
Thành phố bảo đảm cân đối thu, chi ngân sách và nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Tổng thu ngân sách nhà nước khoảng 492 nghìn tỷ đồng, ước đạt 120,5% dự toán, tăng 19,6% so với 2023; thu nội địa đạt khoảng 462 nghìn tỷ đồng, tăng 21,2%, chiếm 93,8% trong tổng thu. Thu ngân sách địa phương được hưởng theo điều tiết năm 2024 là 143.573,3 tỷ đồng, đạt 111,3% dự toán, tăng 34% so với cùng kỳ.
Hội nghị lần thứ 20 Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII đề cập đến 8 nhóm vấn đề quan trọng. |
Hà Nội cũng thực hiện hiệu quả các chính sách tài chính, tín dụng trên địa bàn, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh. Kim ngạch xuất khẩu phục hồi ấn tượng, 10 tháng năm 2024 đạt 15,4 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ, dự kiến cả năm vượt kế hoạch. Kim ngạch nhập khẩu 10 tháng đạt 33,2 tỷ USD, tăng 9,6%, dự kiến cả năm vượt kế hoạch. Chỉ số giá tiêu dùng tăng so với cùng kỳ và mục tiêu cả năm; bình quân 10 tháng năm 2024 tăng 4,61% (cùng kỳ tăng 1,51%). Thành phố đang tập trung chỉ đạo kiểm soát, đảm bảo CPI cả năm tăng dưới 4%.
An sinh xã hội được bảo đảm, Hà Nội luôn là địa phương đi đầu trong công tác chăm lo đời sống cho nhân dân và đối tượng chính sách, người có công, người có hoàn cảnh khó khăn; các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng.
Thành phố giải quyết việc làm cho trên 196 nghìn lao động, đạt 118,9 % kế hoạch năm. Chú trọng thực hiện đầy đủ chế độ chính sách đối với người có công và nhân thân (hơn 2.000 tỷ đồng).
Đến nay, đã bố trí gần 10 nghìn tỷ đồng qua Ngân hàng chính sách xã hội cho hơn 96 nghìn hộ khó khăn và các đối tượng chính sách được vay vốn... và là địa phương dẫn đầu cả nước. Hoàn thành kế hoạch xây dựng, sửa chữa nhà 714/714 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Hỗ trợ tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Phú Thọ xóa nhà tạm, nhà dột nát với tổng kinh phí hỗ trợ là 265 tỷ đồng.
Cải cách hành chính, chuyển đổi số gắn với Đề án 06 là khâu đột phá được Thành ủy quan tâm chỉ đạo với các giải pháp đồng bộ, toàn diện, thực chất, đem lại giá trị cho người dân và doanh nghiệp.
Công tác phòng chống tiêu cực, lãng phí tiếp tục được đẩy mạnh. Thành phố tập trung quyết liệt trong việc nhận diện, rà soát 712 dự án chậm triển khai gây lãng phí nguồn lực và bức xúc xã hội. Hà Nội là địa phương đầu tiên cả nước thành lập Ban chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng chống lãng phí (ngày 20/11/2024).
Hà Nội cũng tập trung thực hiện nhiều biện pháp xử lý, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, để đẩy nhanh tiến độ giao đất, cho thuê đất thực hiện các dự án, đưa đất vào sử dụng, không để chậm, gây lãng phí, hoang hóa, đã thu ngân sách rất lớn cho Nhà nước.
Trong số 24 chỉ tiêu phát triển năm 2024, có 1 chỉ tiêu còn khó khăn là "Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng".
Tiếp tục những mục tiêu lớn
Với những thành công trong năm 2024, bước sang năm 2025, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, thành phố sẽ tiếp tục quán triệt sâu sắc chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm trong nhận thức và hành động về “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đồng thời, nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, tiềm năng đặc thù, lợi thế vượt trội của Hà Nội trong sự nghiệp đổi mới. Tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để đưa Thủ đô Hà Nội phát triển mạnh mẽ, toàn diện, xứng đáng với vai trò, vị thế Thủ đô của một đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới.
Hà Nội dự kiến hoàn thành 23/24 chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội trong năm 2024. |
Thành phố sẽ triển khai thực hiện hiệu quả Luật Thủ đô (sửa đổi); Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; chuẩn bị các cơ chế, chính sách phát triển tăng tốc, đột phá cho giai đoạn phát triển 2026-2030 và năm 2025.
Thành phố cũng tập trung xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công và các chương trình, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực 5 năm 2026-2030 gắn với “tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội”.
Thành phố quyết tâm hoàn thành và thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thực hiện 3 chuyển đổi (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng).
Đồng thời, Hà Nội tập trung phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế; quan tâm đầu tư xây dựng các công trình văn hóa mang tính biểu tượng của thời đại, xứng tầm với kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...
Đặc biệt, chuẩn bị tốt việc xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố khóa XVIII nhiệm kỳ 2026-2030; công tác xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026-2030 đảm bảo chất lượng.
Về dự toán thu, chi ngân sách năm 2025, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho biết, chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là hơn 505 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% so với ước thực hiện năm 2024; thu ngân sách địa phương trên 166 nghìn tỷ đồng.
Linh Chi