Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến vào Báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài khóa, ngân sách đặc thù trên địa bàn TP Hà Nội tại Phiên họp thứ 16. Một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội là tiếp tục tập trung nguồn lực thực hiện một số cơ chế, chính sách đối với Hà Nội và để thành phố triển khai một số nhiệm vụ tạo nguồn thu.
Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với Tp.Hà Nội. |
Báo cáo của Chính phủ khẳng định, Nghị quyết số 115/2020/QH14 đã tạo khuôn khổ pháp lý về cơ chế quản lý tài chính - ngân sách đặc thù khác so với một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, phù hợp với yêu cầu phát triển, quy mô kinh tế-xã hội, trình độ và yêu cầu quản lý kinh tế-xã hội đối với thành phố Hà Nội.
Cơ chế cho phép sử dụng ngân sách cấp thành phố hỗ trợ các địa phương khác trong nước đã góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước, lan tỏa tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước". Chính phủ đề xuất Quốc hội giao Chính phủ và thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/6/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội; trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô chưa mở rộng phạm vi cơ chế, chính sách đặc thù quy định tại Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai thay mặt cơ quan thẩm tra khẳng định, Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ, đồng thời đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của Thành ủy và HĐND, UBND TP Hà Nội trong triển khai Nghị quyết 115. Vì vậy, ngay sau khi có Nghị quyết số 115, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Thông báo số 2728-TB/TU; UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 210/KH-UBND thông báo đến các Sở, ban, ngành, quận, huyện. UBND các quận, huyện, thị xã để phân công nhiệm vụ. UBND thành phố đã khẩn trương ban hành các đề án và hoàn thành quá trình trình HĐND thành phố 6 nghị quyết để triển khai ngay trong năm 2020.
Với vai trò là thủ đô của cả nước, với sự chung sức của cả hệ thống chính trị và nhân dân, thành phố Hà Nội đã đạt được một loạt kết quả trong gần 3 năm thực hiện Nghị quyết 115, như từng bước xây dựng khuôn khổ pháp lý về quản lý tài khóa ngân sách phù hợp với yêu cầu phát triển, trình độ và yêu cầu quản lý. Huy động tối đa nguồn lực để đạt được đột phá trong đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng kỹ thuật. Chủ động, linh hoạt và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội. Tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa thành phố với các tỉnh, thành phố trên cả nước, lan tỏa tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”. Tất cả các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố cùng chia sẻ khó khăn, tăng cường sự gắn kết, hợp tác nguồn lực.
Bên cạnh một số kết quả đạt được, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, việc thực hiện Nghị quyết còn nhiều khó khăn trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề của đợt bùng phát COVID-19. Việc triển khai một số quy định của Nghị quyết 115 còn chậm. Việc chậm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã hạn chế nguồn lực bổ sung cho thành phố. Công tác tham mưu, đề xuất, kiến nghị và tổ chức thực hiện trong một số trường hợp còn bị động, sự phối hợp giữa các cấp, các ban ngành có lúc chưa chặt chẽ, kịp thời. Một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù của Nghị quyết 115 khi triển khai còn phụ thuộc vào sự phối hợp và tiến độ thực hiện của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương có liên quan…
Nguồn lực không nhỏ nếu Hà Nội quản lý được chi phí trông giữ xe ôtô
Cho ý kiến về Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài khóa, ngân sách đặc thù trên địa bàn TP Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, Hà Nội có chủ trương sử dụng ngân sách quận, huyện có điều kiện hơn để hỗ trợ các huyện phía Nam và Tây Nam Hà Nội khó khăn hơn, nhất là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ an sinh xã hội. Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng cho rằng chính sách khá hiệu quả và thiết thực.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu quan điểm tại Phiên họp. |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, nếu Hà Nội quản lý tốt việc thu phí dừng, đỗ xe thì nguồn lực không phải là ít. Bây giờ chúng ta lại chuyển sang cơ chế khoán thu phí sử dụng hè phố, còn toàn bộ chương trình liên quan đến vướng mắc sử dụng công nghệ thông tin trong việc thu phí dừng, đỗ ô tô.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn chứng các thành phố như Sydney thu phí đỗ ô tô tới 2 tỷ USD/năm. Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu Hà Nội tập trung phát triển và quản lý thu phí trông giữ dừng và phí đỗ ô tô thì sẽ thu được nguồn lực tương đối. Vì vậy, Hà Nội cần tập trung nghiên cứu, triển khai hiệu quả trong thời gian tới để góp phần tăng nguồn thu cho thành phố.
Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng, với Nghị quyết 115/2020/QH14, cán bộ, đảng viên và Nhân dân Hà Nội hết sức phấn khởi khi Đảng, Nhà nước, Quốc hội quan tâm đến sự nghiệp phát triển của Thủ đô. Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu, triển khai thực hiện “Nghị quyết” với những chính sách còn chậm triển khai.
Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã đề xuất với Quốc hội về Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường”, quan tâm đến việc cấp thẻ định danh, tài khoản đối với mỗi phương tiện cơ giới đường bộ để thực hiện thu phí trên địa bàn thành phố. Đây cũng là giải pháp thúc đẩy Đề án 06 của Chính phủ “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Trần Sỹ Thanh. |
Về chính sách dư nợ cho vay, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị giữ nguyên mức cho phép thành phố được vay không quá 90% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp được quy định trong Nghị quyết để bảo đảm dự nguồn ngân sách triển khai các dự án lớn về chi đầu tư phát triển, cải tạo đô thị.
Trước ý kiến của Hà Nội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của các cơ quan thẩm tra, sự tham gia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của Chủ tịch Quốc hội để hoàn thiện báo cáo; cần phân tích, đánh giá sâu hơn về kết quả thực hiện Nghị quyết, tác động kinh tế, xã hội, đời sống của cán bộ và quần chúng nhân dân. Ngoài ra, cần đánh giá kỹ hơn các cơ chế, chính sách thí điểm, kết quả và tác động cụ thể của việc thực hiện từng chính sách, những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách chưa thực hiện và giải pháp triển khai chính sách chưa thực hiện hoặc thực hiện hiệu quả chưa cao…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ và TP Hà Nội tập trung nguồn lực tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 115, xây dựng lộ trình nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật sau khi cơ chế hoàn thiện. Thí điểm chính sách, nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền cơ chế, chính sách của Thành phố Hà Nội sửa đổi Luật Thủ đô để áp dụng khi Nghị quyết số 115 hết thời hạn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến, chỉnh lý hoàn thiện báo cáo gửi Quốc hội và cơ quan thẩm tra để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 tới đây.
Hoài Nam