Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam tại hội thảo về thu gom và vận chuyển rác thải vào đầu tháng 9 diễn ra tại Hải Phòng: Hiện nay lượng chất thải trên cả nước phát sinh khoảng 12,8 triệu tấn/năm. Mỗi năm gia tăng khoảng 12%. Đối với khu vực đô thị khoảng 38.000 tấn/ngày. Chất thải rắn y tế phát sinh là 600 tấn/ngày, mỗi năm tăng khoảng 7,6%...
Từ công sở
Ngày 06/08/2019, UBND TP Hải Phòng đã ban hành văn bản 333 về việc hạn chế dùng các sản phẩm nhựa, sử dụng trong các đơn vị, cơ quan. Việc này được triển khai rộng tới các đơn vị Sở, ngành, quận huyện...
Văn phòng UBND TP Hải Phòng là đơn vị đi đầu hưởng ứng phong trào "Chống rác thải nhựa". Từ đầu tháng 08, các Phòng, Ban, đơn vị trực thuộc Văn phòng UBND TP Hải Phòng không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong cuộc họp, hội nghị, hội thảo và hoạt động khác tại Văn phòng ủy ban.
Tại các cuộc họp, hội nghị của TP Hải Phòng, nước uống đóng chai nhựa đã được thay thế bằng cốc sứ |
Huyện Cát Hải là địa phương đi đầu trong việc thực hiện giảm rác thải nhựa của TP Hải Phòng. Theo PCT huyện Cát Hải, ông Hoàng Trung Cường cho biết: Địa phương phấn đấu hết năm 2020 ít nhất 70% cơ sở kinh doanh và dịch vụ trên địa bàn huyện cam kết và duy trì thường xuyên việc hạn chế, giảm rác thải nhựa dùng một lần; sử dụng vật liệu thay thế, thân thiện với môi trường...
Nhiều trường học tại Hải Phòng đã tuyên truyền, vận động giáo viên, học sinh nói không với rác thải nhựa. Ví dụ trường Tiểu học Lê Văn Tám (quận Lê Chân) thường xuyên sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Tại các cuộc họp, Trường không sử dụng chai nước nhỏ (lavie) nữa mà dùng bình nước lớn, được uống bằng cốc thủy tinh, cốc sứ. Trong căng tin của trường, không dùng cốc nhựa sử dụng một lần nữa mà thay bằng cốc inox. Nhà trường chủ động yêu cầu các đơn vị cung ứng thực phẩm không sử dụng túi nilon để đựng, bọc sản phẩm nữa.
Lan tỏa tới nhà dân
Nhiều khách sạn tại Cát Bà, Đồ Sơn đã thực hiện thay thế túi ni lông khó phân hủy tại các buồng phòng bằng các loại túi thân thiện môi trường. Tại quầy bar không sử dụng ống hút bằng nhựa mà thay thế bằng ống hút tre. Trong các phòng tắm dần thay thế các lọ đựng dầu gội, sữa tắm bằng nhựa sang lọ sứ.
Bà Trịnh Thị Huệ – Chủ tịch BCH Hội Phụ nữ Thị trấn Trường Sơn - huyện An Lão cho biết: Hội phụ nữ địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện “Xây dựng gia đình 05 không, 03 sạch”( "5 không": không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ ba trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; "3 sạch": sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ). Việc chung tay BVMT, thay đổi những thói quen xấu trong đời sống như vứt rác bừa bãi, lạm dụng sử dụng rác thải nhựa đã được hàng nghìn phụ nữ tại thị trấn hăng hái thực hiện.
Phụ nữ tại thị trấn Trường Sơn tăng cường tuyên truyền, thực hiện BVMT |
Chị Lê Thi Loan – khu Văn Tràng 2 – Thị Trấn Trường Sơn cho biết: Việc nội trợ trong gia đình thường do các bà, các mẹ đảm nhận. Một buổi sáng đi chợ có hôm tôi phải sử dụng tới hàng chục túi nilon để đựng thực phẩm nhưng sau khi được hội phụ nữ tuyên truyền, tôi đã thay đổi tư duy quyết định dùng làn xách tay để đi chợ, thực hiện nghiêm việc vứt rác đúng nơi quy định – không bỏ rác ngoài đường, sông hồ như trước. Đồng thời tiến hành phân loại rác thải của gia đình mình: Những thứ có nguồn gốc từ thực vật như rau, củ hay thức ăn thừa sẽ được gom lại đào hố để ủ làm phân vi sinh bón cây... Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mỗi người dân.
Hiện nay, rác thải nhựa đang là vấn đề nhức nhối hàng ngày, hàng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của đất nước. Vì vậy, nâng cao nhận thức để hạn chế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra là điều rất cần thiết, cần sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội.
Thanh Vân