Theo Sở Du lịch Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 8,61 triệu lượt khách, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Ấn tượng 6 tháng đầu năm
Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 211,3 nghìn lượt, khách du lịch nội địa ước đạt 8,4 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 25,2 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Về khách lưu trú, công suất sử dụng buồng phòng trung bình khối khách sạn 1-5 sao ước đạt hơn 30%, tăng 6,11% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng trong tháng 6/2022, công suất sử dụng phòng ước đạt 42,9%, giảm 2,3% so với tháng 5 nhưng tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Di sản văn hóa thế giới khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (Ảnh: Int) |
Ngoài ra, Hà Nội cũng công nhận 3 điểm đến: Di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng; Di sản văn hóa thế giới khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội; điểm du lịch sinh thái Hoàng Long, nâng số điểm du lịch được công nhận trên địa bàn Thủ đô lên con số 24.
Được biết, năm 2022, du lịch Hà Nội phấn đấu đón từ 9 - 10 triệu lượt khách, trong đó có từ 1,2 - 2 triệu lượt khách quốc tế. Như vậy, với kết quả trong 6 tháng đầu năm 2022, Thủ đô đã gần đạt được mục tiêu của cả năm.
Có thể thấy, ngay sau khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch từ ngày 15/3, Hà Nội đã nhanh chóng tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động, chương trình xúc tiến quảng bá du lịch thu hút đông đảo du khách như: Chương trình Du lịch Hà Nội chào 2022; Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội; Hội chợ du lịch quốc tế VITM - Hà Nội 2022; Hành trình Hữu nghị năm 2022...
Đặc biệt, nắm bắt cơ hội từ việc đón kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhất là Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31), Hà Nội liên tiếp tổ chức các sự kiện, ra mắt sản phẩm du lịch mới để tạo đà tăng trưởng.
Một loạt sự kiện đã tạo sức hút lớn như: Khai mạc Năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài và khai trương phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây; Lễ hội tình yêu tại xã Hồng Vân, huyện Thường Tín; Lễ hội du lịch Hà Nội năm 2022; Lễ hội ẩm thực và du lịch làng nghề Hà Nội; tái khởi động không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố - phố đi bộ Trịnh Công Sơn; Tuần văn hóa du lịch 6 tỉnh Việt Bắc và Hà Nội năm 2022…
Cùng với đó, nhiều sản phẩm du lịch cũng được triển khai để thu hút khách, như: Tour đêm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long; chương trình chợ phiên vùng cao phía Bắc của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; chuỗi hoạt động tại Công viên thiên đường Bảo Sơn; tour xe buýt 2 tầng “Hanoi City Tour” khám phá phố phường Hà Nội; tour đi bộ “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”…
“Các sự kiện quảng bá, xúc tiến tổ chức bài bản, chuyên nghiệp với sự tham gia của nhiều quận, huyện, thị xã, các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch, hãng hàng không đã tạo được ấn tượng cho người dân và du khách. Điều này cho thấy sức sống của du lịch Hà Nội trong việc thích ứng an toàn, hiệu quả với dịch Covid-19, cũng như nhiều sản phẩm mới đa dạng và hấp dẫn, tạo nên diện mạo mới cho du lịch Hà Nội sau dịch Covid-19”, bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội nhận xét.
Nhờ đó, du lịch Hà Nội đã được truyền thông quốc tế đánh giá cao. Chẳng hạn, chuyên trang du lịch TripAdvisor đã xếp thành phố Hà Nội đứng thứ 22 trong danh sách Top 25 điểm đến cho người mê ẩm thực trong năm 2022; trang tin chuyên về du lịch của Đức Travelbook.de đánh giá Hà Nội là một trong những điểm đến ưa thích nhất Đông Nam Á. Dữ liệu từ công cụ phân tích xu hướng du lịch Google Destination Insights cũng xếp hạng Hà Nội là một trong những thành phố được khách quốc tế tìm kiếm nhiều nhất.
Doanh nghiệp du lịch vẫn lo thất thu
Mặc dù du lịch Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng, song thực tế cho thấy, giá xăng liên tục tăng “sốc” dẫn tới chi phí đầu vào tất cả các dịch vụ tăng cao, khiến cho doanh nghiệp gặp khó và rơi vào tình cảnh kinh doanh không có lãi.
“Giá xăng dầu liên tục tăng đã khiến giá dịch vụ vận chuyển tăng tương ứng, hiện vé máy bay nội địa đã tăng khoảng 1 triệu đồng/chiều, dịch vụ vận chuyển đường bộ, đường sắt đều tăng từ 20% trở lên, khiến việc thu hút khách mua tour không hề dễ”, Phó Tổng giám đốc CTCP Lữ hành Fiditour Nguyễn Ngọc An thông tin.
Trên một số wesite của các hãng hàng không như Vietjet Air, Vietnam Airlines, Bamboo Airway…, giá vé rẻ nhất trên các chặng bay nội địa trong cao điểm hè 2022 đã lên mức 2,5 - 4 triệu đồng/khứ hồi, cao hơn khoảng 500.000 đồng mỗi vé so với thời điểm tháng 5/2022.
Chẳng hạn, chuyến bay khứ hồi Hà Nội - Phú Quốc của Vietjet thấp nhất 3,3 triệu đồng/vé khứ hồi; hay như Hà Nội - Đà Nẵng là 3,2 - 3,9 triệu đồng (Vietjet), 3,7 - 4,5 triệu đồng (Vietnam Airlines)…
Phó Chủ tịch Hiệp hội khách sạn Việt Nam Lê Mai Khanh cho biết, giá xăng dầu tăng cũng tác động tiêu cực đến khối dịch vụ lưu trú. Theo đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ giặt là đã tăng giá lên 15%, những mặt hàng dùng một lần trong khách sạn như bàn chải đánh răng, xà phòng, trà, cà phê, nước suối cũng tăng khoảng 10%...
“Việc dịch vụ tăng đã khiến hệ thống lưu trú, khách sạn buộc phải tăng giá thuê phòng từ 10 - 15%” - bà Khanh nói.
Giám đốc AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt chia sẻ, một số đơn vị vận chuyển ô tô bất ngờ thông báo tăng giá khiến doanh nghiệp không thể phụ thu với các tour trọn gói đã ký kết với khách hàng nên phải chịu lỗ. Trong khi đó, Giám đốc Công ty Du lịch Sun Smile Travel Dương Thanh Hằng lo lắng, giá một số dịch vụ khách sạn, nhà hàng, vận chuyển tăng cao theo giá xăng dầu nên doanh nghiệp khó có thể giữ nguyên giá tour.
Ngoài ra, trải qua dịch Covid-19, nhiều nhân viên du lịch vẫn chưa yên tâm quay trở lại làm việc, hoặc nhiều người trong số đó đã chuyển nghề, dẫn tới việc thiếu nhân viên diễn ra trầm trọng, ảnh hưởng tới chất lượng phục vụ, khi mà lượng khách tới du lịch Thủ đô ngày một tăng cao. Không chỉ thiếu về số lượng, các doanh nghiệp du lịch cũng khẳng định, kỹ năng của nhân lực trong ngành phần nào yếu đi sau 2 năm hoạt động cầm chừng.
Hơn nữa, ngành du lịch nói chung và du lịch Hà Nội nói riêng cũng đang lo thất thu vì nhiều khách đi tự túc.
Theo đại diện của Giám đốc Công ty Du lịch Sun Smile Travel, du lịch Hà Nội đang phục hồi vượt mong đợi của doanh nghiệp và những người làm du lịch khi lượng khách không ngừng tăng. Tuy nhiên, niềm vui cũng đi cùng với những nỗi lo.
Trước hết là nỗi lo thiếu hụt nhân sự sau gần 2 năm dịch bệnh kéo dài. Khi lượng khách tăng cao đã khiến điểm yếu này càng lộ rõ, thể hiện trong khâu dịch vụ, chăm sóc du khách.
Bên cạnh đó, việc du khách lựa chọn hình thức tự túc, thay vì tour trọn gói nên doanh thu của công ty du lịch không cao.
Như vậy, để có thể đạt được mục tiêu trong năm 2022 và phấn đấu đưa du lịch Thủ đô trở lại thời kỳ hoàng kim trước đó, doanh nghiệp du lịch phải khẩn trương xây dựng, thiết kế nhiều sản phẩm tour, tuyến trọn gói để hấp dẫn, thu hút khách đi tour.
Về vấn đề giải quyết bài toán nguồn nhân lực cho ngành du lịch, các chuyên gia cho rằng, ngoài sự kết hợp giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp, các ngành liên quan cần tăng cường chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tích cực phối hợp với các doanh nghiệp trong việc đào tạo, đào tạo lại và cung ứng nguồn nhân lực. Phối hợp xây dựng, điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp, sát với yêu cầu sử dụng lao động và văn hóa của doanh nghiệp.
Linh Đan