Có được kết quả trên không phải chỉ trong “một sớm, một chiều” mà là cả một quá trình nỗ lực của Thành phố và các ban, ngành, địa phương. Ngay trước thềm công bố PCI 2021, cuối tháng 3 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 95/KH-UBND về thông tin, tuyên truyền việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” và các nội dung của Đề án “Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông” trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022.
Quyết tâm đi đầu trong cơ chế một cửa
Là trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước, đặc biệt là nơi tập trung rất nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, đây là cơ hội lớn nhưng cũng là thách thức không nhỏ. Điều này cũng là động lực để Hà Nội luôn cải cách thủ tục hành chính với mục tiêu tạo điều kiện tốt nhất, thủ tục đơn giản nhất cho nhà đầu tư.
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà chia sẻ, ngay từ đầu năm 2022, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Kế hoạch Cải cách hành chính năm 2022, trong đó xác định rõ các nhiệm vụ, chỉ tiêu nhằm cải thiện, nâng cao các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền Thành phố năm 2022.
Thành phố Hà Nội tập trung đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, hạ tầng CNTT cho cấp xã, đặc biệt là Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả TTHC. |
Hà Nội phấn đấu Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) nằm trong tốp 10 đứng đầu cả nước, Chỉ số Đo lường sự hài lòng đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính (SIPAS) đạt tối thiểu 86%, Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tăng 05 bậc so với năm 2021. Để đạt được các chỉ tiêu này, Sở Nội vụ đã tham mưu Thành phố quyết định thành lập Tổ công tác Cải thiện, nâng cao Chỉ số PAR INDEX, Chỉ số Hài lòng (SIPAS) giai đoạn 2021-2025.
Với tinh thần đó, các sở, ngành và các quận, huyện trên địa bàn Thành phố đã thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách về cải thiện môi trường đầu tư. Đặc biệt khâu thủ tục hành chính luôn được lãnh đạo Thành phố và địa phương đặc biệt quan tâm.
Đơn cử, tại Quận Cầu Giấy, 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết được niêm yết công khai. Do thực hiện tốt việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính, năm 2021, UBND quận Cầu Giấy và UBND các phường thuộc quận đã giải quyết 100% hồ sơ đúng hẹn. Trong đó, tổng số hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận “một cửa” của UBND quận là 6.926 hồ sơ, của UBND các phường là 110.148 hồ sơ.
Thành phố cũng tập trung đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, hạ tầng CNTT cho cấp xã, đặc biệt là Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả TTHC; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác chỉ đạo, điều hành và phục vụ nhân dân, doanh nghiệp của các cơ quan hành chính Thành phố; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến và phần mềm một cửa dùng chung 3 cấp của Thành phố theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp trong giao dịch và giải quyết TTHC, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.
Vẫn còn nhiều việc phải làm
Theo báo cáo kết quả xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 của các sở, cơ quan ngang sở, UBND các quận, huyện, thị xã do Sở Nội vụ TP. Hà Nội công bố mới đây cho thấy, kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 của các sở, cơ quan tương đương sở, dẫn đầu là Sở Tài chính đạt 89,83%; 4 đơn vị tiếp theo là các sở: Lao động - Thương binh và Xã hội (89,71%); Nội vụ (88,76%); Tư pháp (87,92%); Giao thông Vận tải (87,78%). Đơn vị có chỉ số thấp nhất là Sở Tài nguyên và Môi trường, đạt 68,11%.
Đối với Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 UBND khối quận, huyện, thị xã, dẫn đầu là quận Cầu Giấy đạt 95,24%. 4 đơn vị tiếp theo là: Hoàn Kiếm (93,19%), Long Biên (93,01%), Đống Đa (92,65%), Tây Hồ (92,4%). Đơn vị có chỉ số thấp nhất khối quận, huyện, thị xã là huyện Thường Tín (87,16%).
Nhờ những nỗ lực đó, nhà đầu tư tiếp tục coi Hà Nội là một điểm đến quan trọng. Số liệu thống kê của Cục Thống kê TP. Hà Nội cho thấy, quý I/2022, Thành phố thu hút 513,1 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong đó, đăng ký cấp mới 62 dự án với số vốn đạt 24,9 triệu USD; 28 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 122,8 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 62 lượt, đạt 365,4 triệu USD.
Với quyết tâm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân, thời gian qua, nhiều cơ quan hành chính nhà nước của thành phố Hà Nội đã tiếp tục đẩy mạnh cải cách, triển khai những cách làm hay, mang tinh thần phục vụ. |
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam Nakagawa Tetsuyuki cho biết, tin tưởng vào chủ trương, chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ Việt Nam, cũng như của TP. Hà Nội, tập đoàn đã quyết định triển khai đầu tư 16 dự án tại Việt Nam từ nay đến năm 2025.
Trong số đó, tập đoàn sẽ tiếp tục đầu tư ba đến bốn dự án nữa tại Hà Nội. Doanh nghiệp này mong muốn, TP. Hà Nội tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình đầu tư sắp tới, nhất là công tác khảo sát địa điểm để triển khai dự án Aeon Mall tại quận Bắc Từ Liêm.
Với những vướng mắc của thủ tục hành chính trong đầu tư, lãnh đạo Thành phố luôn ưu tiên giải quyết để tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư. Đơn cử, trong tháng 5/2022, các cụm công nghiệp tại các huyện: Đan Phượng, Thạch Thất, Thường Tín đã được khởi công. Trước đó, dù những cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập từ giai đoạn 2019-2020, nhưng vì vướng mắc trong công tác lập quy hoạch, thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng... nên bị chậm tiến độ.
Để đảm bảo tiến độ của dự án, Thành phố đã giao lãnh đạo các sở, ban, ngành và chủ tịch UBND huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, đôn đốc, chịu trách nhiệm toàn diện trước thành phố về triển khai kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được giao; thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, rút ngắn tối thiểu 50% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định…, phấn đấu khởi công toàn bộ 41 cụm công nghiệp trong năm 2022.
Để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, thu hút nhà đầu tư, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu, thời gian tới, các quận, huyện, thị xã tập trung tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; coi công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị. Cùng đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Các sở, ngành cần chủ động nghiên cứu, tham mưu UBND thành phố các giải pháp cụ thể để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành trong lĩnh vực cải cách hành chính...
Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra việc thực hiện cải cách hành chính, xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm trách nhiệm thực thi công vụ, gây nhũng nhiễu, khó khăn, phiền hà cho tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân…
Trà My