Chiều 1/8, tại Hội nghị cung cấp thông tin và giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng chủ trì, ông Lê Anh Quân- Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Hải Phòng đã thông báo tóm tắt đến các cơ quan báo chí về kết quả 5 năm Hải Phòng thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ông Quân cho biết, ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, thành phố Hải Phòng đã tổ chức Hội nghị quán triệt Nghị quyết và ban hành Chương trình hành động số 76 triển khai đến các cấp, các ngành, địa phương. Đến nay, sau 05 năm triển khai thực hiện, phát triển kinh tế - xã hội Hải Phòng đạt nhiều kết quả ấn tượng, là điểm sáng trong bức tranh chung của cả nước; đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân thành phố tiếp tục được nâng cao.
"Những thành tựu mà thành phố Hải Phòng đạt được trong 5 năm qua đã khẳng định tính đúng đắn của các chủ trương, định hướng của Nghị quyết số 45 đang thực sự đi vào cuộc sống" – Ông Quân nói.
Ông Lê Anh Quân ( người đứng) thông tin kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị đến đại diện các cơ quan báo chí. |
Kinh tế Thành phố Hải Phòng liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao hai con số: GRDP từng năm trong giai đoạn 2019 - 2023 đạt 12,6%/năm, gấp 2,44 lần bình quân chung cả nước (5,16%/năm), gấp 1,74 lần giai đoạn 2014 - 2018. Năm 2023 là năm thứ 9 liên tiếp duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số.
Chất lượng tăng trưởng được nâng cao, Hải Phòng thuộc nhóm các địa phương có năng suất lao động cao nhất cả nước. Năm 2023, năng suất lao động thành phố đạt 392 triệu đồng/lao động, cao gấp gần 2 lần bình quân chung cả nước (199 triệu đồng/lao động), gấp hơn 2 lần so với năm 2018 (190 triệu đồng/lao động).
GRDP bình quân đầu người của thành phố Hải Phòng được cải thiện đáng kể. Giai đoạn 2019 - 2023 đạt 11,64%/năm, gấp 2,8 lần tăng trưởng bình quân đầu người của cả nước (4,11%/năm) và gấp 1,97 lần vùng đồng bằng sông Hồng (5,92%/năm). Riêng năm 2023 GRDP bình quân đầu người của thành phố đạt 191 triệu đồng/người, tương đương 7.826 Đô la Mỹ/người, gấp 1,8 lần năm 2018 và bằng 1,8 lần so với cả nước.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng đi kiểm tra một dự án giao thông kết nối trung tâm thành phố với huyện Thủy Nguyên. |
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại với ngành công nghiệp phát triển nhanh, là động lực chính trong phát triển kinh tế và thành phố từng bước khẳng định là trung tâm công nghiệp lớn của cả nước.
Khu vực nông nghiệp, nông thôn có những chuyển biến rõ rệt; xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh với nhiều cách làm mới, sáng tạo, mang tính thiết thực và hiệu quả. Khu vực dịch vụ tiếp tục được cơ cấu lại theo hướng nâng cao chất lượng, tập trung vào đầu tư cơ sở vật chất; các lĩnh vực thương mại, vận tải, du lịch tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong phát triển dịch vụ của Thành phố.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2019 - 2023 thực hiện hơn 480.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt 6,9%/năm, gấp 1,8 lần bình quân chung cả nước (3,71%/năm). Riêng năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố Hải Phòng đạt 103.688,59 tỷ đồng, gấp 1,4 lần năm 2018. Trong cả giai đoạn 2019 - 2023, tỷ trọng thu nội địa là 36,7%, tăng 9,15% so với giai đoạn 2014 - 2018 (27,62%).
Thành phố Hải Phòng đã chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương cụ thể hóa, xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển thành phố theo Nghị quyết số 45, nổi bật như: Nghị quyết số 35 ngày 13/11/2021 của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; Quyết định số 323 ngày 30/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1516 ngày 02/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thông cầu Bến Rừng kết nối Thủy Nguyên ( Hải Phòng) và Quảng Yên (Quảng Ninh). |
Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2019 - 2023 đạt 813.000 tỷ đồng, chiếm 5,42% vốn đầu tư cả nước, gấp 2,5 lần năm giai đoạn 2014 - 2018 (325.607 tỷ đồng); bình quân tăng trưởng 11,64%/năm. Thu hút FDI, Hải Phòng liên tục nằm trong danh sách các địa phương dẫn đầu toàn quốc, đã và đang trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới và các nhà đầu tư nước ngoài.
Nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong nước đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế trọng yếu của thành phố như công nghiệp, kết cấu hạ tầng giao thông, các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch, giáo dục đào tạo, y tế như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn. Sungroup, Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng, Công ty TNHH Cảng Container Quốc tế Hateco, Công ty TNHH MTV Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn,…
Kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư, tập trung huy động nguồn lực phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần thực hiện tốt vai trò là đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc. Như giai đoạn 2019 - 2023, thành phố Hải Phòng đã xây mới được 19,6 km đường quốc lộ, 28 km đường tỉnh lộ, 55 km huyện lộ và 137 km đường đô thị. Nhiều công trình giao thông có vai trò liên kết vùng, khu vực đã hoàn thành như: Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Hải Phòng - Hạ Long; Cầu Bến Rừng; Cải tạo nâng cấp QL10 đoạn Quán Toan - Cầu Nghìn và đoạn từ cầu Đá Bạc đến cầu Kiền nối Hải Phòng - Quảng Ninh.... Các bến Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện đang được đẩy nhanh mở rộng. Cảng biển Nam Đồ Sơn chuẩn bị đầu tư. Cảng hàng không quốc tế Cát Bi đang được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam triển khai các Dự án để mở rộng năng lực đón khách và bốc xếp hàng hóa.
Ngoài ra, hàng chục dự án nhà ở xã hội đã và đang hoàn thành, thời gian tới tiếp tục triển khai, bảo đảm nhà ở cho người dân. Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tại Nghị quyết số 45, thành phố Hải Phòng đang nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập Khu thương mại tự do tại Hải Phòng, dự kiến nằm trong khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng.
Vũ Trang