Chỉ đạo hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã đưa ra 10 giải pháp để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh trong mùa dịch bệnh.
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện phòng dịch, phục hồi sản xuất kinh doanh và hoạt động xã hội trong điều kiện bình thường mới. Cụ thể, sắp tới, các nước sẽ thoát ra khỏi dịch và chuyển sang trạng thái bình thường mới với thời gian và quy mô khác nhau. Do đó, Việt Nam cần mở cửa kinh tế, du lịch với từng nước và với điều kiện cụ thể, thời điểm khác nhau, từ tháng 5 đến tháng 12/2020.
Thứ 2, ngăn chặn nguy cơ phá sản của doanh nghiệp với các giải pháp: hỗ trợ thu nhập cho người lao động để doanh nghiệp không mất lao động (tháng 5 và 6/2020); hỗ trợ bảo đảm tính thanh khoản của doanh nghiệp; hỗ trợ phục hồi sản xuất, dịch vụ nhằm vào nhu cầu thị trường nội địa gần 100 triệu dân.
Thứ 3, hỗ trợ, khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, nhất là vật tư, thiết bị có lợi thế nguồn gốc địa phương và mở rộng chuỗi giá trị gia tăng trong nước, kể cả sản phẩm xuất khẩu.
Thứ 4, dự báo kịp thời, phối hợp với các nước đối tác chủ yếu về thương mại, đầu tư và du lịch để mở cửa hoạt động kinh tế, du lịch với từng nước vào thời điểm phù hợp. Áp dụng các tiêu chí phù hợp để đảm bảo an toàn khi mở cửa với các nước.
![]() |
10 giải pháp khôi phục kinh tế TP Hồ Chí Minh sau dịch bệnh COVID-19 (Ảnh minh họa/Internet) |
Thứ 5, thúc đẩy số hóa toàn bộ tài nguyên của doanh nghiệp. Lâu nay các sở, ban, ngành, đơn vị quản lý bằng giấy tờ, giờ cần thúc đẩy số hóa hình thành cơ sở dữ liệu số của các ngành kinh tế thành phố. Trên cơ sở đó, phát triển quản trị thông minh chung cả ngành kinh tế của thành phố. UBND TP Hồ Chí Minh cần có đề án trình bày việc tiến hành số hóa của từng ngành thành phố hiện nay và khảo sát xem các doanh nghiệp thực hiện đến đâu để hỗ trợ chuyển đổi số.
Thứ 6, cần đẩy mạnh mạnh đầu tư công, tiến đến tháng 10/2020, thành phố phải giải ngân được 80% vốn đầu tư công.
Thứ 7, đẩy mạnh xây dựng các khu công nghiệp mới, khu công nghệ cao giai đoạn 2; phê duyệt quy hoạch cục bộ và kêu gọi đầu tư khu đô thị sáng tạo tương tác cao TP Hồ Chí Minh, đẩy mạnh đầu tư ở khu đô thị mới Thủ Thiêm…
Thứ 8, tiếp tục hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, khôi phục thị trường bất động sản vượt qua giai đoạn khó khăn do tác động của dịch bệnh.
Thứ 9, tiếp tục thực hiện các chương trình khởi nghiệp, đổi mới công nghệ sáng tạo. Việc này vừa qua thành phố đã làm khá tốt, nhưng trong tình hình dịch bệnh nên chương trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo bị chậm lại.
Cuối cùng, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng cần chú trọng với giải pháp phát huy trí tuệ, nguồn nhân lực của TP Hồ Chí Minh, cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài để xây dựng các đề án, quy hoạch cụ thể của 3 chương trình đột phá của thành phố (đổi mới quản lý thành phố, phát triển hạ tầng thành phố, phát triển nhân lực và văn hóa thành phố) và chương trình trọng điểm (phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực thành phố) giai đoạn 2020-2025, định hướng 2030 để phát triển mạnh mẽ hơn trong năm 2021.
Vũ Trọng