Chip là “tài nguyên mới” đảm bảo cho công nghiệp điện tử và nền kinh tế số phát triển như: ứng dụng trí tuệ nhân tạo, xe điện thông minh, nhà máy thông minh, Internet vạn vật… |
Vi mạch bán dẫn, nền tảng của tính toán hiện đại, đóng vai trò quan trọng trong thời đại công nghệ mới. Trong bối cảnh thế giới chứng kiến sự bùng nổ của nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), và dữ liệu lớn (Big Data),... Việt Nam có triển vọng lớn để trở thành một trung tâm bán dẫn mới của thế giới.
Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này, việc phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn là không thể thiếu. Hiện nay, ngành công nghiệp bán dẫn cần khoảng 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng thực tế chỉ đáp ứng được chưa tới 20%. Để đạt được mục tiêu 50.000 kỹ sư đến năm 2030, sự hợp tác giữa Chính phủ, các doanh nghiệp, và các tổ chức đào tạo là cực kỳ quan trọng.
Tập đoàn Phenikaa, một trong những tập đoàn công nghệ - công nghiệp hàng đầu tại Việt Nam, đã chính thức tham gia vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Đặt mục tiêu đào tạo hơn 8.000 kỹ sư thiết kế vi mạch có chứng chỉ quốc tế đến năm 2030, Phenikaa đang đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành này.
Phenikaa đã thực hiện các bước đầu tiên trong hành trình này bằng việc thành lập Trung tâm Phenikaa Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn: Trung tâm này sẽ đào tạo nhân lực chất lượng cao và hướng tới việc nâng cao kỹ năng (upskill) cho các học viên. Với trang thiết bị hiện đại và đội ngũ giảng viên hàng đầu, Trung tâm Phenikaa cam kết đào tạo ra các kỹ sư thiết kế vi mạch có chứng chỉ quốc tế.
Ra mắt công ty spin-off hoạt động trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất vi mạch: Điều này giúp Phenikaa không chỉ tạo ra nguồn nhân lực mà còn tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất và ứng dụng công nghệ bán dẫn.
Tổng hợp nguồn: https://www.salaryexpert.com/ và quy đổi www.xe.com |
Ông Robert Li – Phó Chủ tịch phụ trách kinh doanh khu vực Đài Loan và Đông Nam Á – Synopsys đánh giá: “Trung tâm Phenikaa Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn hiện là trung tâm có cơ sở vật chất lớn, hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á, với các hệ thống ảo hóa chip ZeBu 4, ZeBu 5, HAPS, server kèm theo và các phần mềm thiết kế Chip tiên tiến nhất”.
Ông Lê Anh Sơn – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Phenikaa cho biết, trong công nghệ, phần mềm và phần cứng luôn gắn liền cùng với nhau trong mọi thiết bị để tạo ra một giải pháp hoàn chỉnh. Vì vậy, việc có thêm phần thiết kế vi mạch giúp hoàn thiện Hệ sinh thái Phenikaa vững mạnh hơn. Thêm vào đó, ngoài việc liên quan đến thiết kế như mô phỏng (simulation), giả lập (emulation), Phenikaa còn liên kết với các công ty hàng đầu thế giới về vi mạch để thực hiện việc sản xuất thử (tape-out). Chương trình đào tạo sẽ được các công ty vi mạch cũng như các trường đại học đào tạo về vi mạch hàng đầu thế giới hỗ trợ đồng hành để những học viên có đủ năng lực và có thể được tuyển dụng đi làm trong hoặc sau khi hoàn thành khoá đào tạo.
Đưa chuyên ngành thiết kế vi mạch vào chương trình đào tạo đại học chính quy tại Trường Đại học Phenikaa: Từ năm 2024-2025, sinh viên sẽ có cơ hội học tập và phát triển kỹ năng trong lĩnh vực này từ các chương trình đào tạo chính quy.
Việc đầu tư của Phenikaa không chỉ giúp đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện của ngành công nghiệp công nghệ tại Việt Nam. Sự kiện quốc tế “Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu” do Phenikaa tổ chức cũng hứa hẹn là một diễn đàn quan trọng, nơi các chuyên gia và đại diện của ngành công nghiệp có thể chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và tạo ra các cơ hội hợp tác mới.
Phenikaa đã và đang chứng minh vai trò lãnh đạo của mình không chỉ trong lĩnh vực kinh doanh mà còn trong việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp quan trọng này.
Hội thảo quốc tế “Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu”
Vào sáng ngày 04/05/2024 tại Trường Đại học Phenikaa (Yên Nghĩa - Hà Đông, Hà Nội), Tập đoàn Phenikaa cùng các tổ chức uy tín quốc tế sẽ tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu”. Sự kiện dự kiến sẽ có sự tham gia của Lãnh đạo các Cơ quan nhà nước, Bộ/Ban ngành(Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư…), đại diện lãnh đạo các tỉnh/thành phố, đại diện các Viện - Trường cùng với các chuyên gia của Việt Nam và thế giới trong lĩnh vực bán dẫn. Sự kiện cũng thu hút sự quan tâm và tham gia của các Tổ chức quốc tế, các Tập đoàn/doanh nghiệp hàng đầu trong nước và quốc tế trong lĩnh vực bán dẫn: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam; Ngân hàng Thế giới (World Bank); Synopsys, SiCADA; Arizona State University, TSRI; Qualcomm Việt Nam, CoAsia, Qorvo…
Trường Đại học Phenikaa Yên Nghĩa - địa điểm tổ chức hội thảo quốc tế về nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. |
Tại hội thảo, các đại biểu và các chuyên gia sẽ chia sẻ thông tin, cùng nhau thảo luận bức tranh nguồn nhân lực bán dẫn trên thế giới, nhu cầu nhân lực bán dẫn trên toàn cầu, cũng như nhu cầu nhân lực để góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Bên cạnh đó, tọa đàm giải đáp sẽ được tổ chức để khách tham dự có thể trao đổi trực tiếp với các diễn giả, từ đó chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và giải đáp những thắc mắc, hướng đến sự phát triển nguồn nhân lực bền vững của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam và thế giới.
Sự kiện còn đánh dấu sự hợp tác giữa Trung tâm Phenikaa Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn và các Tập đoàn/doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, thống nhất kế hoạch hành động, đầu tư với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ nhu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam và quốc tế; đồng thời, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo để hợp tác hiệu quả với doanh nghiệp bán dẫn trong chuỗi giá trị chip bán dẫn toàn cầu.
N.B