Kinh tế Internet của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trên tất cả lĩnh vực, mạnh nhất là vận tải và thực phẩm. Theo đó, thị trường gọi xe, giao hàng và gọi đồ ăn năm nay đạt giá trị 1,6 tỷ USD, tăng đến 50% so với năm trước.
Quy mô của thị trường thương mại điện tử cũng tăng nóng với mức 46%, từ quy mô 5 tỷ USD lên 7 tỷ USD năm nay. Trong khi đó, truyền thông trực tuyến tăng trưởng 18%, đạt giá trị 3,3 tỷ USD. Riêng du lịch trực tuyến, do bị ảnh hưởng nặng bởi Covid-19 nên quy mô thị trường thu hẹp đến 28%.
Đại dịch cũng là yếu tố tác động và góp phần định hình lại nền kinh tế Internet của Việt Nam trong thời gian tới. Báo cáo ghi nhận nhiều người đã dùng thử các dịch vụ kỹ thuật số mới. Theo đó, trong tổng số người sử dụng dịch vụ kỹ thuật số, người dùng mới chiếm 41%, cao hơn so với mức trung bình của khu vực. Ngoài ra, 94% số người dùng mới này định tiếp tục sử dụng các dịch vụ đó kể cả sau đại dịch.
Nền kinh tế Internet Việt Nam đạt quy mô 14 tỷ USD (Ảnh Int) |
Do vậy, dự kiến vào năm 2025, toàn bộ nền kinh tế Internet Việt Nam có khả năng đạt giá trị 52 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng bình quân từ nay đến đó là 29%. Trong báo cáo năm 2019, nhóm nghiên cứu đã xác định 6 rào cản chính đối với sự tăng trưởng bao gồm: tiếp cận Internet, tài trợ vốn, niềm tin của người tiêu dùng, thanh toán, hậu cần và nhân tài.
"Các yếu tố này trong năm nay đều đã cải thiện đáng kể, đặc biệt là yếu tố thanh toán và niềm tin người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhân tài vẫn là một rào cản chính mà các bên cần tiếp tục nỗ lực cải thiện để đảm bảo duy trì đà tăng trưởng đạt được trong năm nay", báo cáo nhận định về thị trường Việt Nam.
Báo cáo năm nay cũng ghi nhận dòng chảy vốn vào nền kinh tế Internet Việt Nam. Năm 2019, tổng cộng có 151 thương vụ rót vốn trị giá 935 triệu USD vào các lĩnh vực Internet. Riêng quý I/2020, có 327 triệu USD chảy vào 73 thương vụ.
Theo Google, Temasek và Brain & Company, tâm lý lạc quan nhưng thận trọng đang bao trùm khu vực Đông Nam Á. Nhà đầu tư giao dịch ít hơn, ở mức định giá hấp dẫn hơn với hy vọng thu được lợi nhuận cao hơn trong dài hạn. "Nếu trước đây, mục tiêu của các nhà đầu tư luôn là 'tăng trưởng thần tốc', thì giờ họ chỉ muốn đạt mức tăng trưởng bền vững, có lợi nhuận", báo cáo viết.
Tại Việt Nam, sau khi đạt đến đỉnh điểm vào năm 2018, hoạt động tài trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong các ngành như thương mại điện tử, vận tải và thực phẩm, du lịch và truyền thông đã chậm lại.
Dịch vụ tài chính kỹ thuật số (DFS) mới nổi là một trong số ít các lĩnh vực có nhiều nhà cung cấp dịch vụ lớn cạnh tranh với nhau. Đại dịch khiến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa và giáo dục trực tuyến có nhiều cơ hội phát triển. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng 2 lĩnh vực này vẫn còn mới mẻ, với nhiều thách thức cần giải quyết để có khả năng thương mại hóa quy mô lớn.
Công Huyền (Theo VnE)