Ngành công nghiệp game tại Việt Nam đang có sự tăng trưởng vượt bậc, trở thành một trong những lĩnh vực công nghệ thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo báo cáo từ Newzoo, Việt Nam nằm trong top 5 về phát hành game trên thế giới với 4,2 tỷ lượt tải. Dự kiến năm 2026, doanh thu từ game và ứng dụng tại Việt Nam sẽ đạt 2,7 tỷ USD.
Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam đạt quy mô dân số 100 triệu dân, trở thành 1 trong 15 quốc gia có dân số lớn nhất thế giới, đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia và Philippines. Cơ cấu dân số của Việt Nam đóng góp đáng kể vào tiềm năng trở thành thị trường trò chơi Việt phát triển mạnh.
Trong bối cảnh công nghệ phát triển không ngừng, điện thoại thông minh (smartphone) đã trở thành nền tảng quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành game tại Việt Nam. Theo số liệu của Newzoo, doanh thu từ thị trường game Việt Nam dự kiến sẽ đạt 655 triệu USD vào cuối năm 2024, với 54,6 triệu người chơi. Đặc biệt, các trò chơi trên nền tảng di động đang chiếm ưu thế, đóng góp đáng kể vào tổng doanh thu ngành công nghiệp này.
Dự kiến năm 2026, doanh thu từ game và ứng dụng tại Việt Nam sẽ đạt 2,7 tỷ USD. |
Một số doanh nghiệp game Việt đã thành công trong việc tạo dựng tên tuổi trong khu vực và toàn cầu như VNG, Gamota, và Funtap. Những công ty này đã cho ra mắt các sản phẩm không chỉ phù hợp với người chơi trong nước mà còn hấp dẫn game thủ ở nhiều quốc gia khác. Chẳng hạn, tựa game ZingSpeed Mobile của VNG đã đạt được sự ủng hộ nhiệt tình từ cộng đồng game thủ ở Đông Nam Á, nhờ vào cách tiếp cận hợp lý và chiến lược marketing hiệu quả.
Dù vậy, sự cạnh tranh trong nước cũng rất khốc liệt. Các nhà phát triển game Việt không chỉ đối mặt với áp lực từ những đối thủ quốc tế mà còn phải tự nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ chân người chơi. Việc đổi mới liên tục, cập nhật các tính năng mới, và xây dựng cộng đồng game thủ là những yếu tố quan trọng giúp các nhà phát triển duy trì vị thế trong thị trường đang ngày càng đông đúc.
Thị trường game Việt Nam không chỉ hấp dẫn các nhà phát triển nội địa mà còn thu hút sự quan tâm lớn từ các công ty game hàng đầu thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Bắc Mỹ. Tuy nhiên, việc thâm nhập vào thị trường này không hề dễ dàng. Các nhà phát hành quốc tế phải đối mặt với nhiều rào cản, từ yếu tố pháp lý, văn hóa, thói quen người chơi đến sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ trong nước.
Bởi người chơi Việt Nam có sở thích và phong cách chơi game khác biệt, đặc biệt là đối với các trò chơi có yếu tố tương tác xã hội như game MOBA hay MMORPG. Các công ty nước ngoài cần phải điều chỉnh sản phẩm sao cho phù hợp với nhu cầu của người dùng trong nước, đồng thời xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng game thủ Việt Nam.
Ngoài ra, các rào cản pháp lý cũng là yếu tố khiến nhiều công ty game quốc tế chùn bước. Việc cấp phép cho các trò chơi, yêu cầu tuân thủ quy định về nội dung, và cơ chế quản lý các giao dịch trong game đòi hỏi các nhà phát hành phải có sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác địa phương. Điều này không chỉ giúp họ nắm bắt được đặc điểm thị trường mà còn đảm bảo tuân thủ các quy định về pháp luật, từ đó giảm thiểu rủi ro kinh doanh.
Dù gặp nhiều khó khăn, giới chuyên gia cho rằng, cơ hội dành cho các công ty quốc tế tại thị trường game Việt Nam vẫn rất lớn. Dự kiến năm 2026, doanh thu từ game và ứng dụng tại Việt Nam sẽ đạt 2,7 tỷ USD, đặc biệt khi Việt Nam tiếp tục là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển ngành công nghiệp game cao top thế giới.
Bà Emily Nguyễn - Giám đốc Kinh doanh Google Ads, Gaming và Apps tại thị trường Việt Nam nhận định, game Việt đạt Top 5 lượt tải toàn thế giới, là quốc gia lập trình xếp thứ hạng cao trên thế giới, có hơn 35.000 nhà lập trình game, xấp xỉ các quốc gia lớn như Trung Quốc. Đội ngũ lập trình game tại Việt Nam trẻ, khả năng kỹ thuật cao, có trình độ cao trong các bộ môn như phân tích toán học, lập trình...Tận dụng được những lợi thế này, ngành game Việt sẽ tăng tốc rất nhanh trong thời gian tới.
Lê Hồng