Theo Apple, bộ phận văn phòng và trung tâm dữ liệu trên toàn cầu của hãng đã trung hòa carbon, nhưng “táo khuyết” sẽ mở rộng nỗ lực này tới hàng ngàn nhà cung cấp góp phần vào việc tạo ra các sản phẩm xanh.
Apple đang nhắm đến việc đạt được 75% mục tiêu bằng cách giảm lượng khí thải, 25% còn lại đạt được bằng các dự án loại bỏ carbon hoặc bù đắp như trồng cây và phục hồi môi trường sống.
Đối với chuỗi cung cứng, Apple sẽ giải quyết những đầu mối phát thải có nguồn gốc gián tiếp, ở đây chủ yếu là hãng chế tạo linh kiện điện tử và máy tính Foxconn.
Cũng theo Apple, 74% lượng khí thải carbon được tạo ra từ khâu sản xuất. Và Apple sẽ hỗ trợ thiết lập một quỹ có giá trị 100 triệu USD để cấp vốn đầu tư vào các dự án tiết kiệm năng lượng cho các nhà cung ứng.
Apple sẽ loại bỏ khí thải carbon khỏi sản phẩm và chuỗi cung ứng từ nay đến năm 2030 (Ảnh Internet) |
Apple cũng đã nỗ lực khuyến khích các nhà cung ứng giảm lượng khí thải bằng cách sử dụng vật liệu tái chế, đồng thời cho biết, trong iPhone đang dùng đất hiếm tái chế ở bộ phận mang tên “máy taptic”.
Việc khai thác đất hiếm tốn rất nhiều công sức nhưng lượng sử dụng lại quá nhỏ, dẫn đến khâu tái chế không đạt hiệu quả về mặt kinh tế. Apple đã tạo ra một robot để thu hồi lại các vật liệu như đất hiếm từ các thiết bị của mình.
Apple cũng cho biết, hãng còn lập một quỹ khác nhằm hỗ trợ các dự án khôi phục hệ rừng sinh thái ngập mặn ở Colombia và rừng savanna ở Kenya, nhưng từ chối tiết lộ số tiền.
Chiến lược loại bỏ carbon dựa vào tự nhiên của Apple trái ngược với Microsoft, “đại gia” này đã tuyên bố sẽ đầu tư 1 tỷ USD trong bốn năm tới vào công nghệ loại bỏ carbon dựa trên các yếu tố kỹ thuật.
Theo báo cáo môi trường gần đây nhất của Apple, bao gồm cả năm tài khóa 2018, lượng khí thải carbon được đặt ở mức 25,2 triệu tấn.
Công Huyền