Các nhà mạng như Vodafone Group, Telecom Italia hay Telefonica SA cho biết họ sẵn sàng chia sẻ khai thác các cột thu phát sóng, hệ thống thiết bị và dung lượng mạng của mình với nhau để tránh đầu tư trùng lặp và tiêu tốn không cần thiết nguồn lực vốn đã khan hiếm.
Vừa hợp tình vừa hợp lý
Trong bối cảnh hầu hết các doanh nghiệp viễn thông đang căng mình chuẩn bị cho cuộc đua 5G khốc liệt trong năm nay, Giám đốc điều hành Vodafone Nick Read bất ngờ hé lộ với các đối tác tham dự Hội chợ Di động Toàn cầu (MWC) 2019 - sự kiện thường niên lớn nhất của ngành công nghiệp di động đang diễn ra ở Barcelona (Tây Ban Nha) - rằng các doanh nghiệp đầu ngành vẫn có suy nghĩ về việc cần phải “bảo vệ lẫn nhau”.
Ông Read cho hay “trong tương lai, Vodafone có thể chia sẻ nhiều hơn với các công ty viễn thông khác. Lĩnh vực này hiện nay đang thiếu sự hợp tác và cần phải giành lại niềm tin từ khách hàng”.
Vodafone có trụ sở tại Anh, thể hiện thái độ sẵn sàng đồng hành cùng các đối thủ khi bắt tay với Telecom Italia cách đây vài ngày để nghiên cứu giải pháp sớm đưa công nghệ 5G ra thị trường với chi phí thấp hơn. Trước đó, CEO Read tuyên bố mở rộng thỏa thuận chia sẻ khai thác tháp viễn thông Vodafone ở Anh với Telefonica.
Trả lời phỏng vấn Bloomberg TV hôm 25/02, Giám đốc điều hành Telefonica, ông Jose Maria Alvarez - Pallete, cho biết ông cảm thấy thoải mái với việc xuất hiện thêm liên minh giữa các doanh nghiệp trên thị trường, bởi như thế sẽ tiết kiệm chi phí cho tất cả và cũng rất hợp tình hợp lý.
Nguồn tin của Bloomberg cho biết nhiều thỏa thuận tương tự đang được triển khai khi nhu cầu về 5G đang ở rất gần để có thể xử lý khối lượng dữ liệu mạng ngày một gia tăng và đủ khả năng kết nối các nhà máy, ô tô, thiết bị gia dụng… trong môi trường Vạn vật kết nối (Internet of Things).
Mặc dù lâu nay các công ty điện thoại vẫn thường chung nhau các dự án đầu tư hạ tầng mạng, song ý định hợp tác chuẩn bị đón 5G cho thấy một hướng đi tương đối mới cho một ngành công nghiệp mà tốc độ mạng và mức độ phủ sóng được xem là lợi thế thương mại quan trọng của mỗi doanh nghiệp.
Nếu cứ áp dụng cách thức truyền thống là “thân ai nấy lo” bằng cách tạo ra nhiều mạng lưới chồng chéo và phụ thuộc lẫn nhau, bản thân từng doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với khó khăn tìm ra điểm khác biệt nổi trội cho dịch vụ của mình.
Với 5G, không nên “thân ai nấy lo” |
Giảm lãng phí, chồng chéo
Chi phí càng ngày càng trở thành một yếu tố quan trọng, trong bối cảnh thị trường châu Âu tương đối bết bát doanh thu và giá cổ phiếu ngành viễn thông cứ cắm đầu giảm suốt 4 năm qua vì cuộc chiến khốc liệt giành giật thị phần.
Các nhà mạng trên toàn thế giới cần phải hợp tác nhiều hơn nữa về các công nghệ như 5G và bảo mật dữ liệu, thành viên hội đồng quản trị Deutsche Telekom, Claudia Nemat, trả lời phóng viên ở Barcelona.
Trong khi đó, ông Read cho hay Vodafone cũng có thể phối hợp với đối tác phát triển sợi cáp kết nối các tháp viễn thông và xây dựng các thiết bị vô tuyến bên ngoài khu vực đô thị.
Không khí thiện chí hợp tác ở Barcelona không chỉ dừng lại ở lĩnh vực viễn thông. Telefonica và Microsoft quyết định song hành phát triển các dịch vụ sử dụng nền tảng trí tuệ nhân tạo Azure của Microsoft.
Đại diện các doanh nghiệp tham gia MWC cũng dành ít thời gian hơn bình thường để chỉ trích chính phủ một số nước vì thu phí cao và ngăn cản các vụ mua bán, sáp nhập có thể giúp làm giảm tình trạng cạnh tranh căng thẳng.
Với việc vài quốc gia dọa sẽ cấm một trong những nhà cung cấp thiết bị lớn trên thế giới, Huawei Technologies, do lo ngại về rủi ro an ninh, đây có lẽ không phải thời điểm thích hợp để “nói xấu” giới hoạch định chính sách.
Giám đốc điều hành Orange SA Stephane Richard thì “tự giác” phê bình chính ngành công nghiệp này vì thiếu những công nghệ đột phá sáng tạo. Vị này cho rằng lĩnh vực viễn thông có vẻ như đã quen phục vụ lợi ích của cổ đông hơn là khách hàng; tuy nhiên, thực tế đó đang dần có những thay đổi tích cực.
Hải Châu