Tại Hội nghị Quốc tế về Trí tuệ Nhân tạo (AI) và Bán dẫn 2025 đang diễn ra tại Hà Nội, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đã đánh giá cao về tiềm năng cũng như những nỗ lực của Việt Nam trong hai lĩnh vực này.
Mọi yếu tố thuận lợi đang hội tụ cho Việt Nam?
Phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những nền kinh tế kỹ thuật số phát triển nhanh nhất của khu vực Đông Nam Á. Việt Nam được hưởng lợi từ vị trí chiến lược, lực lượng lao động có kỹ năng tay nghề cao và hạ tầng đang được công nghiệp hóa và hiện đại hóa, cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ và môi trường đầu tư cởi mở. Ông cho biết NIC mong muốn có thể biến Việt Nam thành một “cứ điểm” cho hợp tác công nghệ trên toàn thế giới.
![]() |
Sự kiện tầm cỡ quốc tế về AI và bán dẫn giúp doanh nghiệp trong nước định hướng chiến lược phát triển, mở rộng kết nối quốc tế, tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong ngành công nghệ cao. Ảnh: VGP |
Trong khi đó, TS. Christopher Nguyễn, nhà sáng lập Aitomatic đánh giá những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển AI và bán dẫn đang cho thấy hướng đi đúng đắn, phù hợp với xu thế dịch chuyển của chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu.
Nói về tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực này, ông Christopher Nguyễn cho rằng Việt Nam sở hữu vị thế có một không hai để trở thành cầu nối trong hệ sinh thái AI và bán dẫn. Bằng chứng là rất nhiều “cường quốc công nghệ” như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) đều muốn đầu tư vào Việt Nam.
Vị chuyên gia phân tích, diễn biến địa chính trị hiện tại có nhiều thuận lợi cho Việt Nam, khi sự xáo trộn và tái định hình trong chuỗi cung ứng đang giúp Việt Nam thu hút được nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hơn.
Ông khẳng định hiện nay, tất cả mọi yếu tố thuận lợi đang hội tụ cho Việt Nam để trở thành một điểm đầu tư hấp dẫn về AI, và Việt Nam cần phải khai phá những cơ hội này.
Đồng quan điểm, ông Jonathan London, cố vấn kinh tế cấp cao của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) trong phỏng vấn với báo chí cũng đưa ra nhận định, Việt Nam thực sự có nhiều cơ hội để tạo nên sự đột phá trong lĩnh vực AI và thiết kế, đóng gói chip. Theo ông, trong bối cảnh công nghệ và địa chính trị biến động mạnh mẽ, Việt Nam cần xác định những lĩnh vực có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Cần tập trung vào ba trụ cột
Thời gian qua Việt Nam đã ghi dấu ấn khi thu hút nhiều tập đoàn lớn như Samsung với nhà máy sản xuất chip tại Bắc Ninh và Thái Nguyên, Intel với cơ sở lắp ráp và kiểm tra chip tại TP.HCM, cùng NVIDIA hợp tác với FPT để phát triển trung tâm AI. Những khoản đầu tư này không chỉ mang lại nguồn vốn mà còn khẳng định tiềm năng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng công nghệ cao.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Phạm Công Hiệp, Phó trưởng khoa phụ trách Nghiên cứu và Đổi mới, khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam, để thu hút thêm FDI vào hai lĩnh vực AI và bán dẫn, vượt qua các đối thủ như Ấn Độ, Malaysia hay Thái Lan, Việt Nam cần hành động quyết liệt hơn.
Trao đổi với Vnbusiness, PGS.TS Phạm Công Hiệp cho rằng trước hết cần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, bằng cách đẩy mạnh đào tạo chuyên sâu thông qua hợp tác quốc tế như mở rộng mô hình của FPT với NVIDIA hoặc Samsung để đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn và 10.000 chuyên gia AI từ nay đến 2030. Đồng thời, cần đưa chương trình học về AI và bán dẫn vào các trường đại học lớn như ĐH Quốc gia, Bách Khoa, khuyến khích thực tập tại các tập đoàn FDI và tạo chính sách ưu đãi để giữ chân nhân tài, tránh “chảy máu chất xám”.
Song song đó, Việt Nam cần xây dựng hạ tầng công nghệ tiên tiến, chẳng hạn đầu tư vào trung tâm dữ liệu nội địa hợp tác với Viettel hay FPT để phát triển “AI Factory” như dự án với NVIDIA, phát triển các khu công nghiệp chuyên biệt cho bán dẫn tại Bắc Ninh, Thái Nguyên hoặc Đà Nẵng với hệ thống điện, nước và 5G tối ưu, đồng thời đảm bảo chi phí năng lượng cạnh tranh bằng năng lượng tái tạo để vừa thu hút nhà đầu tư vừa đáp ứng tiêu chuẩn bền vững.
Về chính sách, ông Hiệp cho rằng cần hoàn thiện khung pháp lý bằng cách ban hành Luật Công nghiệp Công nghệ Số với các điều khoản rõ ràng về bảo vệ dữ liệu, sở hữu trí tuệ và cơ chế “sandbox” thử nghiệm công nghệ mới, tăng cường ưu đãi tài chính như miễn thuế nhập khẩu thiết bị sản xuất chip, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 5 - 7% cho các dự án lớn, hỗ trợ vốn vay ưu đãi và đơn giản hóa thủ tục hành chính qua “cơ chế một cửa” để các nhà đầu tư như NVIDIA hay Intel triển khai nhanh chóng.
Ngoài ra, Việt Nam nên tăng cường hợp tác quốc tế và quảng bá hình ảnh bằng cách đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, tận dụng 17 hiệp định FTA để ký kết thỏa thuận hợp tác song phương về AI và bán dẫn với Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, tổ chức hội nghị quốc tế như AI-Semiconductor Conference, và xây dựng thương hiệu “Vietnam – AI Semiconductor Hub” qua chiến dịch truyền thông toàn cầu, nhấn mạnh lợi thế về chi phí, nhân lực và ổn định chính trị.
Cuối cùng, cần khuyến khích liên kết giữa doanh nghiệp FDI và nội địa bằng cách tạo cơ chế thúc đẩy hợp tác với các công ty như FPT hay Viettel Solutions trong sản xuất linh kiện, phần mềm AI, hỗ trợ doanh nghiệp nội tham gia chuỗi giá trị bán dẫn như sản xuất wafer hay đóng gói chip qua quỹ đầu tư công - tư và chương trình chuyển giao công nghệ, đồng thời xây dựng các cụm công nghiệp liên kết tại TP.HCM hoặc Hà Nội để tối ưu hóa chuỗi cung ứng.
“Để biến tiềm năng thành hiện thực, Việt Nam cần tập trung vào ba trụ cột: con người với nhân lực chất lượng cao, cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại, và chính sách hấp dẫn. Nếu hành động nhanh và phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế, Việt Nam không chỉ thu hút thêm FDI mà còn có thể trở thành trung tâm AI và bán dẫn của Đông Nam Á trong thập kỷ tới”, chuyên gia nhấn mạnh.
Đỗ Kiều