Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE) đã chính thức công bố kết quả thị phần quý IV/2021 và cả năm 2021.
Trỗi dậy mạnh mẽ
Theo HoSE, trong quý IV, vị trí dẫn đầu thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có đảm bảo tiếp tục thuộc về VPS với thị phần 17,12%. Theo sau là SSI với thị phần 10,28%. Vị trí thứ ba thuộc về VNDirect với thị phần 7,67% và vị trí thứ tư là của HSC với thị phần 5,66%. Các công ty chứng khoán (CTCK) xếp lần lượt ở các vị trí tiếp theo gồm TCBS, MAS, MBS, VCSC, FPTS, KIS.
Top 10 CTCK có thị phần môi giới lớn nhất quý IV/2021. (Ảnh: Int) |
Cả năm 2021, “ngôi vua” thị phần môi giới cổ phiếu là Chứng khoán VPS với thị phần 16,14%. Theo sau là SSI (11,05%), VNDirect (7,46%), HSC (6,71%) và VCSC (4,87%). So với năm 2020, SSI và VCSC cùng tụt một bậc, còn HSC tụt hai bậc. Top 5 công ty chứng khoán xếp sau đó lần lượt là TCBS, MAS, MBS, FPTS, KIS.
Có thể nói, trong ngành chứng khoán, thị phần môi giới cổ phiếu là một trong những thước đo “tầm cỡ” của một công ty chứng khoán. Nếu như những năm gần đây, các “ông lớn” như SSI, VCSC, HSC hay VNDirect đã khẳng định được vị thế của mình, luôn duy trì được vị trí trong top đầu, thì nay, “thời thế thay đổi”, sự trỗi dậy mạnh mẽ của VPS đã thay đổi cuộc chơi.
Theo thống kê của HoSE trong 4 năm gần đây, năm 2018, vị trí của VPS còn khá “lu mờ”, nhưng từ năm 2019 đến nay liên tục có những bước nhảy vọt.
Cụ thể, năm 2019 là bước ngoặt của VPS khi lần đầu tiên lọt vào danh sách Top 10 của sàn HoSE với vị trí thứ 7, thị phần đạt 3,94%. Sang đến năm 2020, thị phần của VPS đã nâng lên thành 8,22%, ở vị trí thứ 3. Kết thúc 9 tháng đầu năm 2021, VPS vươn lên vị trí dẫn đầu với thị phần đạt 16,5%.
Còn trên sàn HNX, năm 2018, với thị phần 3,48%, VPS đứng ở vị trí thứ 10. Năm 2019, VPS lọt Top 10 bảng xếp hạng của HNX với 5,64% thị phần. Năm 2020, VPS vươn lên vị trí số 1 với thị phần 8,94% và 9 tháng đầu năm 2021 tiếp tục giữ vũng vị trí số 1 với thị phần 17,02% - gần gấp đôi so với công ty ở vị trí liền sau.
Trên UPCoM, VPS đã chạm tới vị trí số 1 trong năm 2020 và giữ vững trong 9 tháng đầu năm 2021 với thị phần đạt 24% - gấp 2,5 lần so với công ty đứng ở vị trí thứ 2, trong khi năm 2018 chỉ đứng ở vị trí thứ 10 với thị phần gần 4%.
Đáng chú ý nhất phải kể đến là mảng môi giới chứng khoán phái sinh của VPS. Từ vị trí thứ 5 với thị phần 13,61% trong năm 2018, VPS đã áp đảo các công ty khác về thị phần trong các năm tiếp theo. Năm 2021, thị phần của VPS đạt 55,54%, chiếm hơn 1/2 thị phần ở mảng này.
“Đốt tiền” lấy thị phần?
Theo VPS, có được sự tăng trưởng vượt bậc về thị phần là nhờ sở hữu hệ sinh thái mạnh được thừa hưởng từ ngân hàng mẹ VPBank, đóng vai trò là nguồn cung cấp tài chính. Theo đó, những năm gần đây, công ty đã đầu tư mạnh mẽ cho việc phát triển cả bề rộng và chiều sâu cho nguồn nhân lực, đặc biệt cho những chuyên gia tư vấn đầu tư (môi giới), bao gồm cả việc đưa ra chế độ đãi ngộ hấp dẫn nhất thị trường cho đội ngũ này.
Dựa trên các nghiên cứu liên tục và chuyên sâu để am hiểu khách hàng, hướng tới đáp ứng tối ưu các nhu cầu đa dạng khác nhau của khách hàng, VPS đã liên tục đưa ra những chính sách ưu đãi về phí, các sản phẩm dịch vụ mới và các tiện ích đa chức năng trên nền tảng VPS SmartOne.
VPS “đánh đổi” khá lớn cho việc mở rộng thị phần. (Ảnh: Int) |
Tuy nhiên, điều gì cũng có 2 mặt, khi mà chính những chi phí trên quá lớn làm cho phần phí giao dịch còn lại để đóng góp vào lợi nhuận của VPS không còn là bao. Chưa kể đến những chương trình marketing đình đám "có 1 không 2" trên thị trường đã "ngốn" quá nhiều chi phí cũng khiến hiệu quả kinh doanh của VPS thấp hơn đáng kể so với những “ông lớn” khác trong Top 10 thị phần môi giới.
Thực tế, nếu so sánh với 4 công ty thuộc Top 10 thị phần môi giới là SSI, VNDirect, VCSC và HSC, 9 tháng năm 2021, mặc dù VPS đạt lợi nhuận trước thuế 751 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng mức lợi nhuận này chỉ bằng gần 1/3 so với SSI và bằng nửa so với VNDirect.
Trong khi đó, doanh thu hoạt động đạt 6.648 tỷ đồng, gấp gần 9 lần lợi nhuận trước thuế. Với tỷ suất lợi nhuận/doanh thu chỉ ở mức 11% cho thấy biên lợi nhuận rất “mỏng”, hay có thể nói VPS “đánh đổi” khá lớn cho việc mở rộng thị phần.
Xét về bản chất, VPS đi theo mô hình của VPBank, nghĩa là trong quá trình giao dịch sẽ phát sinh rất nhiều chi phí, và những chi phí đó sẽ bù đắp lại những gì công ty bị thiệt. Việc này được so sánh giống như trong ngành thương mại điện tử, “đốt tiền” để giành lấy thị phần.
Song, đến một lúc nào đó, việc “đốt tiền” này sẽ đến lúc phải dừng, nhất là lúc chính sách hoa hồng cho môi giới và chính sách “high margin” sẽ làm cho công ty “không thể chịu nổi”. Khi thị trường lên, high margin không có rủi ro nhưng khi thị trường xuống, chắc chắn sẽ có vấn đề xảy ra. Do đó, đến giai đoạn thoái trào, có thể VPS sẽ thắt chặt cơ chế chính sách.
Nhìn chung, các CTCK tên tuổi lớn hiện nay như SSI, HSC hay VCSC đều tập trung vào việc thu hút và giữ chân những khách hàng lớn để mang lại hiệu quả kinh doanh cao, không hy sinh lợi ích của cổ đông bằng việc chi hoa hồng ở mức cao cho nhân viên môi giới, thì cổ đông của VPS lại đang phải hy sinh lợi ích kinh tế của mình vì chiến lược mở rộng thị phần của lãnh đạo công ty. Đây có lẽ là “bài toán” mà VPS vẫn phải tìm cách giải để giữ vững "ngôi vương" về thị phần của mình.
Hải Giang