![]() |
“Vua sá xị” Chương Dương lao đao vì Covid-19 |
CTCP Nước giải khát Chương Dương (Sá xị Chương Dương, mã: SCD) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2020 với kết quả kinh doanh sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ. Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, nguyên nhân chính làm giảm lợi nhuận là do giảm doanh thu bán hàng đã chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Cụ thể, doanh thu thuần quý IV/2020 chưa tới 59 tỷ đồng, giảm 24% so cùng kỳ.Thêm vào đó, khoản chi phí tài chính chênh lệch tăng tới gần 2,4 tỷ đồng (cùng kỳ là 5 triệu đồng). Điều này do chi phí được ghi nhận theo chuẩn mực kế toán số 6 có liên quan đến nguyên giá tài sản tài chính tăng trong quý IV/2020.
Việc này khiến nước giải khát Chương Dương chỉ thu về chưa tới 412 triệu đồng lãi ròng trong quý cuối năm, giảm 83% so cùng kỳ năm 2019. Đây là kết quả thấp nhất của doanh nghiệp trong 11 quý gần đây (kể từ quý II/2018).
Tính cả năm 2020, công ty ghi nhận 176 tỷ đồng doanh thu, giảm 37%. Giá vốn hàng bán chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu doanh thu cùng việc phải chi hàng chục tỷ đồng cho các hoạt động bán hàng và quản lý doanh nghiệp khiến lợi nhuận trước và sau thuế cả năm của công ty giảm mạnh.
Trong đó, doanh nghiệp chỉ thu về hơn 3,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 3,4 tỷ lợi nhuận sau thuế trong cả năm kinh doanh vừa qua, cùng giảm 80%.
Được biết, nước giải khát Chương Dương tiền thân là nhà máy Usine Belgique thuộc Tập đoàn B.G.I (Pháp). Đây là nhà máy sản xuất nước giải khát lớn nhất miền Nam giai đoạn trước năm 1975 với nhãn hiệu “sá xị con cọp”.
Sau này, Tập đoàn này sau đó chuyển nhượng quyền sở hữu và bàn giao toàn bộ nhà máy cho Nhà nước. Theo đó, Sá xị Chương Dương trở thành công ty con của Sabeco với 62% vốn thuộc sở hữu của doanh nghiệp bia lớn nhất Việt Nam.
Tuy nhiên, khi bước vào thập kỷ 2010, công ty liên tiếp gặp khó khăn do công nghệ cũ từ năm 2000 nên không thể sản xuất các sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Điển hình như hồi 2016, công ty tung ra thị trường sản phẩm mới nhưng do máy móc thiết bị chưa đáp ứng nên phải thuê gia công bên ngoài khiến giá vốn bán hàng và giá thành sản phẩm tăng cao, khó cạnh tranh với các dòng sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Không thể giữ thị phần trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, Sá xị Chương Dương lún sâu vào khủng hoảng khi liên tiếp lỗ sâu trong năm 2017. Cổ phiếu của doanh nghiệp này vì thế cũng rơi vào diện cảnh báo.
Hoạt động của “vua sá xị” chỉ tích cực trở lại khi tập đoàn đồ uống Thaibev chính thức tiếp quản vào giữa năm 2018 và thực hiện đợt cải tổ lớn. Đây là khoảng nửa năm sau khi tập đoàn này “thâu tóm” thành công Sabeco.
Những tưởng đà phục hồi tích cực này sẽ được duy trì dưới sự điều hành của người Thái, nhưng chỉ sau một năm chịu tác động bởi Covid-19 tình hình kinh doanh của Sá xị Chương Dương đã nhanh chóng sụt giảm.
L.L