Quá trình cổ phần hoá (CPH) các đơn vị, doanh nghiệp thuộc đài truyền hình quốc gia đã được chuẩn bị từ vài năm trước. Do quy mô, giá trị lớn, có vị trí đặc biệt quan trọng nên tiến trình CPH, thoái vốn được nghiên cứu kỹ lưỡng, đưa ra phương án đảm bảo tối ưu lợi ích nhà nước.
Nhà nước sở hữu 51% vốn
Ba đơn vị thành viên này sẽ được cổ phần hoá (CPH), thoái vốn theo Đề án sắp xếp, tái cơ cấu các doanh nghiệp trực thuộc VTV. Trong quý 1/2016 này, VTV sẽ thực hiện CPH công ty TNHH Một thành viên VTVCab với sở hữu vốn nhà nước nắm 51% vốn điều lệ.
Hồi tháng 9/2015, ông Trần Bình Minh, Tổng giám đốc VTV, chia sẻ: “VTVCab sẽ được thực hiện CPH vào cuối năm 2015 cùng với việc thoái vốn tại hai đơn vị là SCTC và K+. Mục tiêu đặt ra là sau thoái vốn, CPH, các doanh nghiệp này sẽ hoạt động hiệu quả hơn, mang lại lợi ích nhiều hơn cho các cổ đông góp vốn”.
Khi doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, có lợi nhuận tốt hơn thì sẽ góp phần thúc đẩy các hoạt động của VTV phát triển. Sau thoái vốn, VTV chỉ nắm quyền quản lý tại VTVCab, SCTV, K+ về mặt nội dung theo quy định của pháp luật, còn lại hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính.
Được biết, VTVCab thành lập vào ngày 20/9/1995 do VTV sở hữu 100% vốn và chuyên phát triển mảng kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền. Hiện, VTVCab có số lượng thuê bao lớn nhất Việt Nam với phạm vi ở 60 tỉnh thành phố. VTVCab hiện đang phát sóng 200 kênh truyền hình (gồm 50 kênh truyền hình HD, 20 kênh truyền hình chuyên biệt do VTVcab đầu tư hợp tác sản xuất).
Vài năm gần đây, VTVCab tập trung triển khai tích hợp dịch vụ trên một hạ tầng truyền hình gồm: truyền hình cáp, truyền hình số, IPTV, truyền hình theo yêu cầu, Internet trên mạng truyền hình cáp… nhờ đó tăng mạnh doanh thu, lợi nhuận.
Ngoài thực hiện giảm sở hữu nhà nước, Thủ tướng cũng chỉ đạo VTVCab tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn góp của VTV tại công ty CP Truyền thông quảng cáo Đa phương tiện (SmartMedia) và ghi tăng vốn nhà nước cho VTVcab.
Tại công ty TNHH Dịch vụ truyền hình Viễn thông Việt Nam (VTVbroadcom) sau CPH, Nhà nước chỉ nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ hoặc không nắm giữ cổ phần. Riêng công ty TNHH Truyền hình Cáp SaigonTourist (SCTV) sẽ thực hiện bán bớt phần vốn nhà nước và chuyển sang mô hình công ty cổ phần hoạt động theo Luật doanh nghiệp. Ngoài ra, VTV tiếp tục duy trì phần vốn nhà nước tại công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV).
VTV sẽ phải thực hiện sắp xếp các doanh nghiệp này, xây dựng lộ trình niêm yết cổ phiếu lên sàn, tiếp tục thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp CPH mà Nhà nước không giữ cổ phần chi phối. Đồng thời, VTV tiếp tục làm đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư.
![]() |
Thủ tướng đã thông qua chủ trương cho phép VTV hợp tác đầu tư xây dựng Tháp truyền hình cao tới 636m.
Sẽ có vốn xây Tháp truyền hình
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, VTV phải chuyển tiền thu từ CPH, thoái vốn về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo đúng quy định hiện hành. Khi có phương án đầu tư, kế hoạch nguồn vốn và kế hoạch triển khai dự án Tháp Truyền hình Việt Nam, VTV báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc đầu tư vốn từ số tiền này.
Được biết, Thủ tướng đã thông qua chủ trương cho phép VTV hợp tác đầu tư xây dựng Tháp truyền hình cao tới 636m và khi hoàn thành, sẽ trở thành Tháp truyền hình cao nhất thế giới.
VTV phối hợp với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) lập công ty cổ phần để tham gia đầu tư dự án Tháp truyền hình sau khi đã làm rõ hiệu quả của dự án.
Ngoài ra, VTV lựa chọn thêm đối tác là doanh nghiệp tư nhân có năng lực về tài chính và kinh doanh góp vốn tham gia công ty cổ phần để khai thác kinh doanh dịch vụ khi dự án đi vào hoạt động.
Để có vốn đầu tư công trình biểu tượng này và vốn đầu tư lớn này, VTV cũng tính phương án đi vay nợ nước ngoài. Tuy nhiên, VTV cần đảm bảo một phần vốn nhất định cho công ty cổ phần lập ra để có thể thực hiện huy động vốn ngân hàng, vốn nước ngoài…
Năm 2015, đã có một đối tác là Tập đoàn BRG (chuyên về lĩnh vực sân golf và tài chính – ngân hàng) đã ký thỏa thuận hợp tác với VTV, SCIC để tham gia đầu tư xây dựng Tháp truyền hình. Các bên sẽ góp vốn thành lập một công ty cổ phần để tiến hành nghiên cứu, lập dự án, chọn nhà thầu thi công, huy động vốn, quản lý vận hành…
Đến thời điểm này, các bên liên quan vẫn chưa tiết lộ cơ cấu vốn góp tại công ty cổ phần này, trong đó, tỷ lệ sở hữu cụ thể của VTV, SCIC và BRG.
Một khả năng khác là thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào pháp nhân này, nhằm huy động nguồn lực tài chính mạnh cùng kinh nghiệm quản lý, vận hành dự án hiệu quả sau khi hoàn thành.
Trong tương lai, Tháp Truyền hình Việt Nam cao 636m sẽ cao hơn tháp Sky Tree ở Tokyo – Nhật Bản (634m) và tháp truyền hình Quảng Châu – Trung Quốc (600m), nhờ đó sẽ là điểm đến hấp dẫn du khách quốc tế và tạo nguồn lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư.
Hải Hà