![]() |
Tổng số lỗ lũy kế của Vinaship đã vượt quá vốn điều lệ thực góp tính đến ngày 31/12/2016 là 200 tỷ đồng
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế năm 2016 của VNA âm 98,61 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là âm 205,47 tỷ đồng. Tổng số lỗ lũy kế của Công ty đã vượt quá vốn điều lệ thực góp tính đến ngày 31/12/2016 là 200 tỷ đồng.
Căn cứ theo điểm đ Khoản 1 Điều 60 Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ban hành ngày 20/02/2012 cho biết,”Chứng khoán bị hủy bỏ niêm yết khi kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét”. Do đó, VNA có nguy cơ bị hủy niêm yết do lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ thực góp.
Giải thích sự sụt giảm lợi nhuận trong năm nay, VNA cho biết, trong quý IV vừa qua tình hình thị trường tàu hàng khô thế giới tiếp tục diễn biến xấu, tình trạng nhiều tàu cạnh tranh một đơn hàng vẫn rất phổ biến. Năm 2016, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ra thị trường thế giới giảm so với cùng kỳ 2015; đặc biệt lượng gạo xuất khẩu đi các nước trong khu vực Đông Nam Á, thị trường truyền thống của đội tàu công ty giảm rất mạnh.
Tại thị trường nội địa, nguồn cung tàu quá lớn so với nhu cầu vận chuyển, tạo ra sự cạnh tranh giảm giá cước. Bên cạnh đó, do số lượng tàu tham gia chở hàng nội địa tăng lên nhiều nên đã dẫn đến tình trạng ùn ứ, chờ đợi tại cảng xếp, dỡ hàng làm giảm hiệu quả kinh doanh đội tàu.
Giá nhiên liệu sau thời gian duy trì mức thấp đã tăng mạnh trở lại, giá dầu FO cuối năm tăng 65,87%, giá dầu DO tăng 91,10% so với đầu năm 2016 nên chi phí cho đội tàu tăng cao. Trong quý IV, công ty có 02 tàu lên đà sửa chữa lớn là tàu Mỹ Hưng và Vinaship Diamond, dù đã cố gắng trong việc kiểm soát hạng mục, tiến độ nhưng thời gian sửa chữa vẫn kéo dài do năng lực hạn chế của nhà máy.
Tỷ giá ngoại tệ (đồng đô la Mỹ) đột ngột biến động vào thời điểm cuối năm khiến phát sinh đáng kể khoản chênh lệch tỷ giá.
N.L