Vinafood II vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 với kết quả ảm đạm, kéo dài số quý liên tiếp thua lỗ lên 9 quý, nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn tăng 30,8%.
Lỗ 9 quý liên tiếp
Theo báo cáo, doanh thu thuần của công ty đạt 4.102 tỷ đồng, tăng 13,6%; doanh thu tài chính tăng 60%. Giá vốn chiếm 3.877 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp ở mức gần 225 tỷ đồng, vẫn tăng nhẹ 4%. Tương ứng tỷ suất lãi gộp biên giảm về mức 5,4% so mức 5,9% của cùng kỳ.
Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2021 của Vinafood II (Ảnh chụp BCTC của Vinafood II) |
Tuy nhiên, do chi phí tài chính lại tăng mạnh 173%, chi phí bán hàng tăng gần 82% cộng thêm khoản lỗ gần 3,3 tỷ đồng từ công ty liên kết, nên dù có thêm 37 tỷ đồng từ thu nhập khác, sau thuế công ty đành “ngậm ngùi” báo lỗ ròng 87,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ lỗ 36 tỷ đồng, tương ứng mức lỗ tăng 141,7% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, Vinafood II đã có 9 quý liên tiếp thua lỗ, kéo dài kể từ quý IV/2019.
Lũy kế cả năm 2021, Vinafood II đạt doanh thu thuần 16.563 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ, song lợi nhuận gộp giảm so với năm 2020 do giá vốn tăng cao. Sau khi trừ chi phí, công ty ghi nhận lỗ ròng 326 tỷ đồng, tăng 36,5% so với năm trước. Như vậy, kết thúc năm 2021, Vinafood II đã có tổng số lỗ lũy kế lên 2.677 tỷ đồng, ghi nhận 9 năm thua lỗ liên tiếp từ 2013.
Theo Vinafood II, do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 nên tình hình xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn, chi phí phát sinh lớn. Trong năm qua, tồn kho của công ty lên tới 1.412 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản hợp nhất của công ty là 6.520 tỷ đồng, giảm 3,6%, trong khi nợ phải trả lại tăng 1,8% lên 3.965 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn tăng vọt 30,8% lên 1.898 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, công ty vẫn còn tới 1.282 tỷ đồng nợ xấu tại một loạt doanh nghiệp, giá trị có thể thu hồi chỉ còn 6,5 tỷ đồng. Hiện, công ty đã trích lập dự phòng đầy đủ cho khoản nợ xấu này.
Đồng thời, giá trị hao mòn tài sản lũy kế các tài sản cố định hữu hình của Vinafood II đã vượt quá 2/3 giá trị ban đầu của tài sản đó. Như vậy, các máy móc, thiết bị, nhà xưởng của công ty đều đã lạc hậu, cũ kỹ...
Ngoài ra, công ty chỉ có 282 tỷ đồng tiền mặt. Do thiếu vốn lưu động nên hoạt động kinh doanh phụ thuộc hoàn toàn vào vốn vay tín dụng, trong khi việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng còn hạn chế.
Trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong năm 2021 của công ty âm 597 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VSF liên tục bị đưa vào danh sách cổ phiếu bị hạn chế giao dịch. Thêm vào đó, do ảnh hưởng của tình hình kinh doanh bi đát nên giá cổ phiếu VSF cũng không mấy khả quan khi phần lớn không ghi nhận giao dịch và luôn giao dịch dưới mệnh giá (dưới 10.100 đồng/cp).
Chốt phiên 5/3, cổ phiếu VSF “đột ngột” tăng trần lên mức 8.200 đồng/cp với khối lượng giao dịch tăng vọt 80.500 đơn vị. Tuy nhiên, tính từ thời điểm lên sàn, thị giá cổ phiếu VSF ghi nhận mức giảm hơn 23%.
Như vậy, với khoảng 114,8 triệu cổ phiếu, giá trị cổ phiếu VSF theo thị giá hiện tại chỉ còn hơn 940 tỷ đồng.
Khó chồng khó
Từng là nhà sản xuất gạo lớn nhất cả nước với 22 công ty con và công ty liên kết, Vinafood II cũng là doanh nghiệp được hưởng nhiều chính sách ưu đãi. Tuy nhiên, kể từ năm 2013, doanh nghiệp này đã liên tục chìm trong thua lỗ kéo dài.
Vinafood II dường như đang tự bỏ mình lại phía sau trong cuộc đua tăng trưởng của doanh nghiệp ngành gạo. (Ảnh: Int) |
Với nguồn vốn góp chủ sở hữu tới 5.000 tỷ đồng nên Vinafood II chỉ vay nợ tài chính hơn 1.900 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp Nhà nước chiếm 51,43%, Tập đoàn T&T sở hữu 25%, còn lại là các cổ đông khác.
Tập đoàn T&T đã chi hơn 1.200 tỷ đồng để nắm 25% vốn của Vinafood II năm 2018 đồng thời sau đó đã đưa người vào HĐQT và được kỳ vọng sẽ giúp công ty cải thiện tình hình hoạt động.
Những tưởng cổ phần hóa và có cổ đông chiến lược là tập đoàn tư nhân sẽ giúp Vinafood II cải thiện về quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động, nhưng thực tế lại khác xa kỳ vọng khi hàng loạt những bất cập khiến cho những kỳ vọng khi xây dựng phương án cổ phần hóa đến nay vẫn chưa thể thực hiện được và công ty liên tục chìm trong thua lỗ kéo dài.
Mặc dù Tập đoàn T&T đã từng bước hỗ trợ, tham gia vào công tác quản trị, điều hành các hoạt động chung của Vinafood II và đưa ra các đề xuất nhằm cải thiện tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo vệ lợi ích của Tổng công ty, song nhiều kiến nghị đề xuất không được thông qua do cơ cấu thành viên HĐQT cổ đông Nhà nước chiếm tỷ lệ 3/5.
Cùng với đó, nhiều vấn đề cố hữu khiến Vinafood II gặp khó từ nhiều năm trước như bộ máy cồng kềnh, bộ máy kinh doanh thiếu và yếu, mất khách hàng truyền thống… vẫn chưa có phương án giải quyết triệt để, trong khi rủi ro mất thanh khoản do ngân hàng dừng giải ngân luôn cận kề.
Có thể nói, trong hai năm 2020 và 2021, tình hình kinh doanh của Vinafood II đã khó lại càng thêm khó do ảnh hưởng dịch Covid-19. Điều đáng nói, nhiều doanh nghiệp cùng ngành vẫn báo lãi tốt.
Chẳng hạn, năm 2021, doanh thu CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG) đạt 10.224 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ, ghi nhận mức doanh thu cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty; lợi nhuận sau thuế cao vượt trội so với các doanh nghiệp trong ngành, đạt 422 tỷ đồng, tăng 14,4% so với năm 2020. Trong đó, sự tăng trưởng lớn nhất là mặt hàng lương thực.
Tương tự, Vinaseed (NSC) đạt 1.931 tỷ đồng doanh thu, tăng 18% so với cùng kỳ; CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TAR) đạt 3.120 tỷ đồng doanh thu, tăng 15% so với năm 2020.
Như vậy, dù có bề dày hoạt động, quy mô lớn và lợi thế riêng của tổng công ty nhà nước, nhưng Vinafood II dường như đang tự bỏ mình lại phía sau trong cuộc đua tăng trưởng của doanh nghiệp ngành gạo.
Không chỉ thua lỗ nhiều năm, Vinafood II còn liên tục vướng vào nhiều lùm xùm pháp lý trong việc quản lý, sử dụng sai quy định và gây thất thoát tài sản Nhà nước với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Hiện tại, công ty đang thực hiện các biện pháp tái cơ cấu, sắp xếp các đơn vị, tạo dòng tiền mới cho hoạt động kinh doanh với kỳ vọng năm 2022 khắc phục lỗ và có lãi trở lại.
Hải Giang