Vinaconex khóa room ngoại về 0% |
Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài sẽ không thể tham gia mua cổ phần tại cả hai thương vụ thoái vốn của SCIC và Viettel tại Vinaconex vào ngày 22/11 tới.
Theo kế hoạch mới được công bố, SCIC và Viettel sẽ cùng đấu giá trọn lô 79% cổ phần của Vinaconex với giá 21.300 đồng/cp, tương ứng tổng giá trị tối thiểu hơn 7.400 tỷ đồng. Trước đó, vào cuối năm 2017, phiên đấu giá cổ phần VCG của SCIC đã diễn ra không thành công khi nhà đầu tư chỉ mua lượng 5,5% lượng chào bán.
Được biết đến là một trong những tổng công ty hàng đầu của ngành xây dựng trong lĩnh vực xây lắp và kinh doanh bất động sản với quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa 49%, nhưng trong đăng ký kinh doanh của Vinaconex còn có tới 5 ngành nghề thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện khác không cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu cổ phần. 5 ngành nghề đó bao gồm: xuất khẩu lao động; xây dựng và vận hành các nhà máy điện lớn; kinh doanh điện thương phẩm; mua bán rượu bia thuốc lá; kinh doanh xăng dầu.
Theo quy định tại Điều 2a Nghị định 60/2015/NĐ-CP và khoản 2 Điều 11 Thông tư 123/2015/TT-BTC, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại một doanh nghiệp đa ngành nghề như Vinaconex tối đa sẽ là 0%.
Mặt khác, lãnh đạo Vinaconex cũng khẳng định là không thể loại bỏ các ngành nghề kinh doanh có điều kiện nói trên để nới room lên 100% được, bởi đây là một phần quan trọng tạo nên giá trị doanh nghiệp Vinaconex trong 30 năm qua.
Hiện tại, khối ngoại đang nắm giữ khoảng 11% cổ phần Vinaconex, tương ứng hơn 48 triệu cổ phiếu. Trong đó, Pyn Elite Fund là cổ đông ngoại lớn nhất nắm giữ hơn 31 triệu cổ phiếu VCG (7,1%), ngoài ra, VNM ETF cũng nắm giữ khoảng 7,5 triệu cổ phiếu VCG.
Với việc room ngoại được đưa về 0% thì giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài chỉ có thể bán ra cổ phiếu VCG, có thể gây ảnh hưởng tới thị giá của cổ phiếu VCG trên sàn chứng khoán.
L.L