Sau thời gian dài có phần “im hơi lặng tiếng”, cùng với nhóm cổ phiếu “họ Viettel”, cổ phiếu VGI bất ngờ tăng mạnh trong phiên 9/10. Tuy nhiên, với mức giá chốt phiên ở mức 66.200 đồng/cp, cổ phiếu này vẫn còn thấp hơn 40% so với đỉnh đạt được vào giai đoạn tháng 6-7 năm nay.
Đà tăng mạnh mẽ này đã giúp vốn hóa Viettel Global trở lại mốc trên 200.000 tỷ vốn hoá, qua đó đưa doanh nghiệp nằm trong top 4 các doanh nghiệp giá trị nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ sau Vietcombank, BIDV và ACV.
Viettel Global trở lại mốc trên 200.000 tỷ vốn hoá. |
Trước đó, trong giai đoạn cuối tháng 6, thị giá VGI đã tăng hơn 300% từ đầu năm, lên mức 111.000 đồng/cp (chốt phiên 20/6), cao nhất kể từ khi lên sàn tháng 9/2018. Qua đó, vốn hóa Viettel Global lên mức kỷ lục hơn 326.000 tỷ đồng (hơn 13 tỷ USD), tăng hơn 250.000 tỷ sau chưa đầy nửa năm. Cú tăng tốc đưa Viettel Global vượt qua hàng loạt các tên tuổi “sừng sỏ” như Vingroup, Vinhomes, Hòa Phát, FPT, Vinamilk cùng hàng loạt ngân hàng như BIDV, VietinBank, Techcombank, VPBank trong danh sách những cái tên giá trị nhất sàn chứng khoán, chỉ kém duy nhất Vietcombank.
Việc thị giá cổ phiếu VGI tăng không ngừng được cho là thúc đẩy bởi kết quả kinh doanh tích cực. Theo báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất soát xét bán niên 2024, doanh thu thuần của Viettel Global đạt 16.593 tỷ đồng, tăng 24,7% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 4.739 tỷ đồng, tương ứng tăng gấp 24,3 lần. Khấu trừ thuế phí, Viettel Global báo lãi sau thuế hơn 2.855 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2023 lỗ 625,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thực tế Viettel Global vẫn cần giải quyết các vấn đề bị kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ trên BCTC. Đây cũng là lý do khiến việc đưa cổ phiếu VGI lên niêm yết trên sàn HoSE nhiều năm chưa thể thực hiện được.
Trên BCTC kiểm toán năm 2023, các khoản nợ xấu của Viettel Global tại ngày cuối năm 2023 đã tăng mạnh lên gần 18.200 tỷ đồng vào cuối năm 2023, tăng hơn 4.000 tỷ sau một năm. Trong khi đó, giá trị có thể thu hồi chỉ chưa đến 4.300 tỷ đồng.
Vì thế, Viettel Global phải dự phòng đến hơn 13.900 tỷ đồng đối với các khoản nợ này, tăng mạnh hơn 4.500 tỷ đồng (tương đương gần 48%) so với đầu năm. Cùng chiều với dự phòng, lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp này cũng tăng lên hơn 2.600 tỷ đồng nhưng tỷ trọng không lớn trong tổng tài sản.
Đơn vị kiểm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với các khoản phải thu liên quan đến Công ty Viettel Cameroon S.A.R.L (VCR) với tổng số tiền gần 8.700 tỷ đồng. Trong năm 2023, tổng công ty đã trích lập dự phòng phải thu khó đòi cho các khoản phải thu VCR vào Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất với số tiền là 1.918 tỷ đồng, theo đó, toàn bộ số dư các khoản phải thu VCR tại ngày 31/12 đã được trích lập dự phòng.
Tuy nhiên, tại ngày lập BCTC, đơn vị kiểm toán không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp liên quan đến việc đánh giá giá trị có thể thu hồi làm cơ sở để ghi nhận chi phí dự phòng còn lại này vào Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2023.
Việc BCTC nhiều năm bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ khiến cổ phiếu VGI bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 10/4/2023. Điều này sẽ là rào cản nếu Viettel Global muốn niêm yết để gia tăng giá trị doanh nghiệp, đảm bảo quyền và lợi ích cho cổ đông trong tương lai bởi đây là một nút thắt không dễ giải quyết.
Theo các chuyên gia, mục tiêu xoá lỗ luỹ kế sẽ là câu chuyện đầu tư xuyên suốt trong năm nay của cổ phiếu VGI. Đây được xem là bước đệm để tổng công ty triển khai các kế hoạch cổ tức trong tương lai.
Châu Giang