Sau năm thua lỗ kỷ lục, Vietjet Air đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất 50.178 tỷ đồng, tăng 25% so với năm ngoái. Trong đó, riêng công ty mẹ dự kiến đạt 41.347 tỷ đồng doanh thu.
Vietjet sẽ phát hành thêm 108,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 20%. (Ảnh: Int) |
Vietjet kỳ vọng doanh thu sẽ cải thiện nhờ vào việc thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại từ ngày 15/3/2023, hãng bắt đầu khai thác các chặng bay đến Australia từ tháng 4 này. Dự báo doanh thu tăng từ khách du lịch quốc tế, chi phí nhiên liệu bay đang giảm 30% so với năm 2022. Với doanh thu này, Vietjet Air kỳ vọng lợi nhuận sau thuế đạt 1.000 tỷ đồng.
Về phương án phân phối lợi nhuận, HĐQT trình cổ đông phê duyệt phương án chia cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20% từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế từ báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2022.
Vietjet hiện có 541,61 triệu cổ phiếu phổ thông VJC đang lưu hành, không có cổ phiếu quỹ. Để trả cổ tức theo tỷ lệ 20%, Vietjet sẽ cần phát hành thêm 108,3 triệu đơn vị VJC, tương ứng với giá trị 1.083 tỷ đồng theo mệnh giá. Số lượng cổ phiếu sau khi chia cổ tức sẽ tăng lên thành 649,93 triệu đơn vị, ứng với vốn điều lệ xấp xỉ 6.500 tỷ đồng.
Một nội dung đáng chú ý khác là HĐQT trình cổ đông thông qua phương án chào bán cổ phần với 2 hình thức là cổ phần phổ thông và/hoặc cổ phần ưu đãi cổ tức.
Cụ thể, với phương án chào bán cổ phần ưu đãi cổ tức, dự kiến thực hiện trong năm 2023 đến trước ĐHĐCĐ 2024. Giá bán không thấp hơn giá giao dịch trung bình 20 ngày trước thời điểm phát hành. Đối tượng chào bán không quá 5 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Số lượng chào bán tối đa không quá 10% số lượng đang lưu hành tại thời điểm chào bán.
Mức cổ tức cố định của cổ phần ưu đãi cổ tức sẽ do HĐQT quyết định, thời hạn hưởng cổ phần ưu đãi không quá 5 năm. Cổ phần ưu đãi được phép chuyển đổi sang cổ phần phổ thông sau 2 năm kết từ thời điểm hoàn tất đợt chào bán.
Phương án chào bán cổ phần phổ thông cũng có thời gian thực hiện, số lượng dự kiến chào bán tương tự. Giá chào bán không thấp hơn giá trị sổ sách trên mỗi cổ phần theo báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất gần nhất của công ty.
Đối tượng chào bán là nhà đầu tư chiến lược là tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có tiềm lực tài chính; nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Cổ phần phổ thông mới phát hành bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm với nhà đầu tư chiến lược và 1 năm với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Như vậy, nếu hoàn thành kế hoạch trả cổ tức và 2 phương án chào bán cổ phần, Vietjet Air sẽ phát hành thêm hàng trăm triệu cổ phiếu mới. Ngoài phương án huy động vốn theo phương án phát hành cổ phiếu, Vietjet cũng trình cổ đông kế hoạch phát hành trái phiếu năm 2023.
Nghị quyết ĐHĐCĐ Vietjet Air năm 2022 đã thông qua phương án phát hành trái phiếu quốc tế. HĐQT cho biết, trong năm 2022, công ty đã tiến hành triển khai các hạng mục công việc chi tiết để thực hiện các tài liệu chào bán, tiếp cận và trao đổi thông tin với các nhà đầu tư tiềm năng. Tuy nhiên, do các điều kiện thị trường chưa thuận lợi và chưa đảm bảo quyền lợi cao nhất cho cổ đông, HĐQT đã tạm hoãn triển khai.
HĐQT đề xuất ĐHĐCĐ 2023 thông qua phương án phát hành trái phiếu và giao cho HĐQT quyết định với nội dung cơ bản như sau: Phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi này là cơ sở cho việc phát hành trái phiếu riêng lẻ hoặc phát hành trái phiếu đại chúng; trái phiếu có thể bao gồm điều khoản về việc thực hiện quyền chọn nhận cổ phiếu của công ty đang niêm yết.
Cụ thể, hình thức phát hành là trái phiếu riêng lẻ đi kèm chứng quyền hoặc trái phiếu chuyển đổi. Tổng giá trị phát hành 7.098 tỷ đồng (300 triệu USD), được phát hành thành một hoặc nhiều đợt. Thời điểm phát hành cụ thể sẽ được quyết định bởi HĐQT và phụ thuộc vào điều kiện thị trường và chấp thuận của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Trên sàn chứng khoán, chốt phiên 26/4, cổ phiếu VJC đang dừng ở mức 95.200 đồng/cp.
Châu Anh