Theo đề án cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước, trong năm 2015 Vinamotor đã thực hiện bán đấu giá cổ phần theo lô cho các nhà đầu tư ngoài. Có phiên bán đấu giá thu hút sự chú ý vì giá trị cổ phần thu về lên tới cả nghìn tỷ đồng, song cũng có thương vụ bán vốn lặng lẽ, âm thầm với mức giá… 0 đồng.
Từ nghìn tỷ đến… 0 đồng
Tiến độ thoái vốn nhà nước, tái cấu trúc đơn vị thành viên của Tổng công ty Vinamotor đang diễn ra khá khẩn trương, thu về nguồn tiền đáng kể cho nhà nước.
Sau khi đấu giá thất bại hồi năm 2014, đến tháng 1/2016, Vinamotor mới tái khởi động bán đấu giá theo lô 85,58 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ 97,7% vốn điều lệ. Phiên đấu giá này chỉ có hai nhà đầu tư đủ điều kiện tham gia là Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam (Vinamco) và Công ty CP Phát triển TN, dù cuộc đua “thâu tóm” Vinamotor diễn ra rất gay cấn trước đó.
Cuộc đua ồn ào, gay cấn này đã kết thúc với phần thắng thuộc về Vinamco- nhà đầu tư trả mức giá 1.250,515 tỷ đồng (chỉ nhỉnh hơn 2 triệu đồng so với đối thủ) để ôm hết 97,7% cổ phần thoái vốn nhà nước. Không ít nhà đầu tư đã đặt nghi vấn về khả năng tài chính và toan tính của Vinamco khi quyết định chi nghìn tỷ đồng để sở hữu Vinamotor- doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ lớn.
![]() |
Vinamotor lần lượt bán cổ phần nhà nước thoái vốn, bán công ty trong nỗ lực tái cơ cấu doanh nghiệp
Không ồn ào như thương vụ bán cổ phần nghìn tỷ này, để tái cấu trúc doanh nghiệp, cuối năm 2015, Vinamotor đã lặng lẽ chuyển nhượng Chi nhánh – nhà máy cơ khí công trình cho Tổng cục Hậu Cần – Kỹ Thuật – Bộ Công An. Được biết, nhà máy này có trụ sở tại khu đất 199 Minh Khai (Hà Nội) với quỹ đất rộng hơn 2,3 ha ngay gần trung tâm thủ đô.
Hợp đồng chuyển nhượng đã được ký kết ngày 31/12/2015 và hoàn tất mọi thủ tục bán giao ngày 5/1/2016. Đáng ngạc nhiên, Vinamotor bán lại nhà máy, chuyển giao toàn bộ tài sản, người lao động, công nợ… với giá chỉ… 0 đồng. Đổi lại, theo hợp đồng, Tổng cục chấp nhận thanh toán công nợ của chi nhánh cho Vinamotor với giá trị 62,16 tỷ đồng.
Thế nhưng, đến ngày 6/3/2016 khi Vinamotor công bố Báo tài chính năm 2015 của Công ty mẹ (đã được kiểm toán) thì thương vụ bán doanh nghiệp 0 đồng này mới được tiết lộ. Cũng trong năm 2015, Vinamotor còn bán toàn bộ 56,65% cổ phần tại Công ty CP Cơ khí Ô tô 3/2 cho Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật Bộ Công an, song chi tiết thương vụ này không được công bố.
Nợ xấu, nợ khó đòi
Theo thông tin từ Vinamotor, Nhà máy cơ khí công trình hiện còn nhiều khoản công nợ chưa được xử lý. Đơn cử, ngày 25/5/2015, Chi cục thuế Hai Bà Trưng đã có Thông báo số 4952/CCT-TBTK yêu cầu nhà máy phải nộp tiền thuê đất bổ sung hơn 7 tỷ đồng (năm 2010 là 1,64 tỷ đồng và 2011 nộp gần 5,4 tỷ đồng). Tại thời điểm 31/12/2015, sổ sách của Vinamotor vẫn ghi nhận khoản nghĩa vụ nợ tiền thuê đất hơn 7 tỷ đồng này chưa xử lý.
Tổng công ty Vinamotor đã có công văn gửi Bộ GTVT đề nghị giải quyết khoản tiền đất phát sinh năm 2010-2011 của chi nhánh này và đang chờ ý kiến chỉ đạo của Bộ để có hướng xử lý. Do đó, Nhà máy cơ khí công trình chưa ghi nhận chi phí thuê bổ sung trên vào trong năm do số tiền thuê đất bổ sung này có trước giai đoạn cổ phần hoá. Nhưng sau khi bán nhà máy này, bên nhận chuyển nhượng sẽ phải chịu trách nhiệm xử lý công nợ, nộp thuế thay cho Vinamotor.
Vì bản thân Vinamotor cũng đang “ngập” trong nợ nần, phải xử lý nợ tiền thuế và các khoản phải nộp, phải thu nhà nước lên tới 194,2 tỷ đồng, bao gồm: thuế đất, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế TNDN, thuế bảo vệ môi trường… Tại 31/12/2015, công ty mới nộp được 183,77 tỷ đồng, còn nợ hơn 16,88 tỷ đồng, mà hơn một nửa là nợ tiền thuê đất của Nhà máy cơ khí công trình.
Theo báo cáo tài chính, Vinamotor vẫn đang khổ sở vì khối nợ xấu gần 30 tỷ đồng từ các khoản thu, cho vay quá hạn thanh toán, nợ khó đòi (quá hạn hơn 90 ngày) tại nhiều công ty thành viên. Đơn cử, Công ty CP cơ khí và xây dựng công trình (nợ 8,24 tỷ đồng), Công ty CP công nghiệp ôtô Trường Sơn (nợ 2,5 tỷ đồng), các đối tượng khác nợ gần 15 tỷ đồng… Nợ xấu có nguy cơ khó thu hồi, mất vốn này khiến Vinamotor phải trích dự phòng rủi ro tới 14,4 tỷ đồng.
Trong khi đó, Vinamotor còn phải xử lý trả nợ vay hàng trăm tỷ đồng tại nhiều ngân hàng như Eximbank, Agribank, Vietcombank, Sacombank… Tại thời điểm 31/12/2015, tổng nợ vay ngắn hạn của Vinamotor đã giảm còn hơn 89,5 tỷ đồng (chỉ còn dư nợ tại Agribank).
Vài năm gần đây, hoạt động kinh doanh của Vinamotor liên tục sa sút, ghi nhận lỗ luỹ kế hơn 236 tỷ đồng (tính đến 30/6/2013). Đến năm 2014, công ty đã cả thiện doanh thu đạt gần 1.710 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông Công ty mẹ đạt hơn 155 tỷ đồng. Năm 2015, Vinamotor đạt 787 tỷ đồng doanh thu và báo lãi sau thuế đạt 75,5 tỷ đồng.
Tuy vậy, với việc bán dần đi các công ty, đơn vị, tài sản giá trị thì ông chủ mới của Vinamotor sẽ làm thế nào để vực dậy doanh nghiệp này?
Thu Hằng