Đáng chú ý, Dabaco kinh doanh dưới giá vốn, điều này khiến doanh nghiệp lỗ gộp hơn 70 tỷ đồng, sụt giảm mạnh so với cùng kỳ lãi hơn 254 tỷ đồng.
Dabaco có thêm một quý kinh doanh "bết bát", con số lỗ 321 trở thành mức thua lỗ kỷ lục kể từ khi doanh nghiệp đi vào hoạt động.
Trong cơ cấu doanh thu, bán thành phẩm sản xuất vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất 94% tổng doanh thu, theo sau là doanh thu thương mại, siêu thị, khách sạn, nhà hàng. Tuy nhiên, Dabaco không còn ghi nhận nguồn thu từ kinh doanh bất động sản, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn đạt gần 19 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính gia tăng nhẹ lên mức 8 tỷ đồng, song chi phí tài chính lại bật tăng mạnh hơn, ghi nhận giá trị tới 70 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay (69 tỷ).
Khấu trừ các chi phí khác, Dabaco báo lỗ sau thuế 321 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 9 tỷ đồng. Như vậy, Dabaco có thêm một quý kinh doanh "bết bát", con số lỗ 321 trở thành mức thua lỗ kỷ lục kể từ khi doanh nghiệp đi vào hoạt động.
Theo Dabaco, kinh tế quý 1/2023 bị ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực của giai đoạn hậu Covid-19 và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Ngành nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh trên đàn gia súc, đặc biệt dịch tả lợn Châu Phi vẫn liên tục tái phát.
Ngoài ra, chi phí chăn nuôi tăng cao trong khi sức mua giảm, giá bán các sản phẩm trên thị trường ở mức thấp trong thời gian dài, dẫn đến kết quả chăn nuôi của các công ty con giảm mạnh so với cùng kỳ.
Năm 2023, DBC công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh với mục tiêu doanh số lên đến 1 tỷ USD (cụ thể là 24.562 tỷ đồng doanh thu) và 569 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Sau quý đầu năm, doanh nghiệp hoàn thành chưa đầy 10% mục tiêu doanh thu và còn cách rất xa mục tiêu lợi nhuận.
Tại thời điểm 31/03/2023, tổng tài sản của Dabaco đạt 12.137 tỷ đồng, giảm hơn 6% so với đầu năm, bao gồm 150 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền. Hàng tồn kho chiếm tỷ trọng cao nhất với 39% tổng tài sản, giá trị ghi nhận 4.739 tỷ đồng.
Về phía nguồn vốn, tổng nợ phải trả giảm 6% xuống còn 7.816 tỷ đồng, hơn 85% trong số đó là nợ ngắn hạn. Doanh nghiệp đang vay nợ ngắn hạn 4.290 tỷ đồng và vay nợ dài hạn hơn 910 tỷ đồng. Lỗ lũy kế cuối quý 1 đạt gần 313 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị DBC– ông Nguyễn Như So, năm 2023 là một năm quá khó khăn, “chưa bao giờ tôi chứng kiến trong 27 năm điều hành doanh nghiệp”, lãnh đạo Dabaco nói,
Cụ thể, hậu quả nặng nề của đại dịch, bất ổn địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát… đã khiến kinh tế toàn cầu khó khăn và tác động mạnh đến doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Dabaco.
“Chủ yếu do kinh tế chung khó khăn, việc làm thiếu, Quý I/2023, Bắc Ninh lần đầu tiên “đội sổ” về tăng trưởng do GRDP âm 11,85%, dù trước đó luôn đứng thứ tư cả nước. Tình trạng khó khăn này có khả năng còn kéo dài đến hết quý II/2023”, Chủ tịch Dabaco nhận định.
Trên sàn chứng khoán, chốt phiên ngày 28/4, cổ phiếu DBC đi ngược thị trường, giảm về mức 14.650 đồng/cp (-5,2%) với tổng khối lượng hơn 12 triệu đơn vị.
Châu Anh