Thời gian qua, nhiều thông tin hỗ trợ liên quan đến xuất khẩu thủy sản cùng với kết quả kinh doanh tốt đã đưa thị giá cổ phiếu VHC của CTCP Vĩnh Hoàn tăng mạnh từ mức giá 70.700 đồng/ cp hồi đầu tháng 8 lên 99.000 đồng/cp như hiện tại, tương đương mức tăng đạt 40% chỉ sau hơn hai tháng.
Kinh doanh đột biến
Mới đây, Vĩnh Hoàn đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý III/2018 với doanh thu thuần đạt 2.5256 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ; giá vốn hàng bán tăng nhẹ 2% lên 1.771 tỷ đồng.
Biên lãi gộp Vĩnh Hoàn quý III tương ứng 30%, cao hơn đáng kể so với mức 14,3% trong quý III/2017.
Trong quý III, doanh thu tài chính của công ty tăng gấp 3 lần lên 60 tỷ đồng, chủ yếu do lãi tiền gửi và lãi tỷ giá; chi phí tài chính tăng 58% lên 33,9 tỷ đồng (bao gồm 10,2 tỷ đồng chi phí lãi vay, còn lại chủ yếu lỗ tỷ giá).
Ngoài ra, hoạt động liên doanh, liên kết cũng mang về cho Vĩnh Hoàn gần 35 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ không ghi nhận giá trị tại khoản mục này. Khoản thu đột biến này có thể đến từ việc Vĩnh Hoàn đã giảm tỷ lệ sở hữu tại Vạn Đức Tiền Giang xuống còn 35%.
“Thiên thời, địa lợi” giúp lợi nhuận ròng quý III/2018 của Vĩnh Hoàn đạt 609 tỷ đồng, gấp 3,6 lần kết quả đạt được trong cùng kỳ năm 2017.
Lũy kế 9 tháng năm 2018, doanh thu thuần công ty đạt 6.569 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 1.036 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 9,6% và 153% so với cùng kỳ năm trước. Với những kết quả này, Vĩnh Hoàn đã thực hiện được 70,6% kế hoạch doanh thu và hoàn thành 167% chỉ tiêu lãi ròng năm 2018.
Lợi nhuận đột biến mà Vĩnh Hoàn đạt được là nhờ sự tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu, đặc biệt là trong tháng 7 và tháng 8 với kim ngạch xuất khẩu lần lượt đạt 41 triệu USD và 37 triệu USD.
Tính đến thời điểm 30/9/2018, tổng tài sản của Vĩnh Hoàn đạt 5.997,6 tỷ đồng; trong đó tài sản ngắn hạn đạt 4.316 tỷ đồng, chiếm 72% tổng tài sản; nợ vay của công ty đạt 1.365 tỷ đồng, tăng 35,5% so với đầu năm.
Từ những con số khả quan mà doanh nghiệp đạt được vừa qua, CTCK ACB (ACBS) đã đưa ra dự báo, trong năm 2018, doanh thu của Vĩnh Hoàn có thể đạt 9.304 tỷ đồng, biên lãi gộp đạt 19,5%.
Cũng theo ACBS, năm 2019 sẽ tiếp tục là một năm tốt đối với ngành thủy sản, đặc biệt là khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực sẽ giúp đẩy mạnh xuất khẩu vào EU với mức thuế giảm từ 14% xuống 0%.
Điều này đặc biệt quan trọng với Vĩnh Hoàn khi EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của công ty, chiếm 11% kim ngạch xuất khẩu.
Trên thị trường chứng khoán, với kết quả kinh doanh tốt, vị thế số 1 trong ngành xuất khẩu cá tra, có quy trình kinh doanh khép kín và năng lực tài chính tốt, cổ phiếu VHC của Vĩnh Hoàn đã có một đợt tăng giá khá ấn tượng.
Dấu hỏi với “siêu cổ phiếu”
Sau khoảng thời gian dài loanh quanh tại mức giá 60.000 đồng/cp, cổ phiếu VHC bắt đầu đà tăng từ tháng 8 trước những diễn biến thuận lợi trong kết quả kinh doanh.
VHC lần lượt chinh phục mức giá 7x, 8x, rồi 9x, đỉnh điểm là phiên giao dịch ngày 23/10, đóng cửa phiên giao dịch ghi nhận mức giá 101.000 đồng/cp, là mức giá đóng cửa cao nhất của cổ phiếu này tính đến thời điểm hiện tại,
Giới đầu tư cho rằng VHC đang là một “siêu cổ phiếu” khi một mạch tăng giá bất chấp diễn biến điều chỉnh chung của thị trường.
Thậm chí với những tiềm năng có sẵn, CTCK ACBS còn đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu VHC với giá mục tiêu là 127.800 đồng/cp.
Thực tế, nhìn vào tất cả những gì đang có của VHC đều cho thấy đây là một cổ phiếu đáng để đầu tư. Tuy nhiên, trước khi giải ngân, các nhà đầu tư cần lưu ý một vài điểm tránh dẫn đến tình trạng “khóc ròng”.
Về phía thị trường chung, hơn 90% các “siêu cổ phiếu” đã sớm thoát ra khỏi nền giá và thiết lập đỉnh cao mới trong khi thị trường chung vẫn còn nhiều biến động, thiếu tính ổn định, VHC là một trong số đó.
Chốt phiên giao dịch ngày 6/11, cổ phiếu VHC giao dịch tại mức giá 99.000 đồng/cp, cao gấp gần 3 lần so với giá trị sổ sách (34.390 đồng/cp). Trong những phiên giao dịch gần đây, VHC đang có dấu hiệu bị bán ra do thanh khoản tăng cao so với trước đó.
Trước đó, trong 4 tháng đầu năm 2018, VHC cũng đã có một đợt tăng giá mạnh từ mức 53.000 đồng/ cp lên mức giá cao nhất thời điểm đó là 78.000 đồng/cp tại phiên giao dịch ngày 20/4. Tuy nhiên, ngay sau đó đã “rơi” mạnh về vùng 55.000 đồng/cp hồi tháng 5.
Đáng chú ý, hiện Vĩnh Hoàn đang vấp phải nhiều dấu hỏi liên quan đến năng lực và đạo đức quản trị của ban lãnh đạo vẫn chưa có lời giải đáp.
Sự kiện giảm tỷ lệ sở hữu từ 100% về 35% tại công ty Vạn Đức Tiền Giang trong quý I/2018 là một trong những điểm nóng của sự nghi ngờ đó.
Trước khi chuyển Vạn Đức Tiền Giang thành công ty liên kết, Vĩnh Hoàn đã quyết định tăng vốn điều lệ tại đây từ hơn 305 tỷ đồng lên hơn 872,6 tỷ đồng bằng hình thức góp vốn tiền mặt.
Đi kèm với kế hoạch tăng vốn này, Vạn Đức Tiền Giang lên phương án chia cổ tức để Vĩnh Hoàn thu hồi toàn bộ thặng dư. Khoản đầu tư vào công ty liên kết Vạn Đức Tiền Giang có giá vốn là 305 tỷ đồng, đúng bằng phần vốn điều lệ trước đó của công ty.
Trong quý I, ngoài ghi nhận doanh thu tài chính từ cổ tức, Vĩnh Hoàn không có khoản hạch toán chênh lệch định giá lại tài sản góp vốn vào công ty liên doanh, liên kết, hay nói cách khác là Vĩnh Hoàn đã “bán rẻ” Vạn Đức Tiền Giang.
Vì sao phải thoái vốn trong khi Vạn Đức Tiền Giang là một doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả nhất và nắm giữ vị trí quan trọng trong bức tranh kinh doanh của Vĩnh Hoàn khi đóng góp tới gần 30% về doanh thu và lợi nhuận cho công ty mẹ? Nhiều nhà đầu tư hiện vẫn thắc mắc về vấn đề này.
Linh Đan