Ngày giao dịch đầu tiên trên thị trường UPCoM là thứ Hai ngày 2/7/2018. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 27.600 đồng/cp.
Với 1.328.800.000 cổ phiếu đăng ký giao dịch, giá trị vốn hóa ngay khi lên sàn của VEAM lên đến 36.652 tỷ đồng (tương đương 1,6 tỷ USD).
Ảnh minh họa |
Trong kịch bản lạc quan nhất, cổ phiếu VEA có thể tăng tới 40% chỉ trong ngày giao dịch đầu tiên, giá trị vốn hóa của VEAM theo đó có thể tăng lên 51.312 tỷ đồng (tương đương 2,2 tỷ USD).
Theo cơ cấu cổ đông, Bộ Công Thương hiện đang sở hữu 1.175.582.966 cổ phiếu VEA, chiếm 88,47% vốn điều lệ VEAM. Một cổ đông lớn khác là Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Hòa An, sở hữu 79.728.000 cổ phiếu, chiếm 6%.
VEAM hiện đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực như: động cơ và máy nông nghiệp; ô tô-xe máy; công nghiệp hỗ trợ. Cùng với đó, Tổng công ty còn tham gia vào các ngành nghề kinh doanh khác như vận chuyển hàng hóa, khai thác và chế biến quặng sắt, mua bán vật tư, thiết bị, phụ tùng cơ khí...
Tuy nhiên, các hoạt động kinh doanh được coi là chính này đem về lợi nhuận rất khiêm tốn. Lợi nhuận sau thuế của VEAM những năm qua chủ yếu đến từ các công ty liên doanh, liên kết. Hiện nay, VEAM đang tham gia liên doanh và sở hữu 20% vốn điều lệ tại Công ty Honda Việt Nam, 30% vốn điều lệ tại Công ty Toyota Việt Nam và 25% Công ty TNHH Ford Việt Nam.
Công Trí