Ngày 9/1 vừa qua, CTCP Vàng Lào Cai đã chính thức đưa 10,5 triệu cổ phiếu GLC giao dịch trên thị trường UPCoM và trở thành công ty đào vàng đầu tiên của Việt Nam lên sàn chứng khoán.
Hoạt động chính của Vàng Lào Cai là đầu tư Dự án khai thác, tuyển và luyện vàng gốc mỏ vàng Minh Lương, Văn Bàn, Lào Cai.
Cổ đông lớn tạo sóng
Trước thềm niêm yết, Vàng Lào Cai có tất cả 5 cổ đông lớn gồm 4 cổ đông tổ chức là Tổng công ty Khoáng sản TKV – CTCP (46,14%), CTCP Khoáng sản 3 Vimico (21,71%), công ty TNHH MTV khoáng sản BITEXCO (6,43%), CTCP Khoáng sản Đông Dương (6,33%) và một cổ đông cá nhân là ông Uông Huy Giang (8,65%).
Sau khi chính thức niêm yết trên sàn UPCoM, cổ phiếu GLC gần như "im hơi, lặng tiếng" trong khoảng hơn 10 phiên giao dịch đầu tiên, giữ nguyên mức giá tham chiếu 10.000 đồng/cp.
Tuy nhiên, cuối tháng 1 vừa qua, GLC lại gây bất ngờ khi giao dịch khá sôi động trước hoạt động mua bán của các cổ đông lớn.
Cụ thể, ngày 31/1, cổ đông lớn nhất Tổng công ty khoáng sản TKV – CTCP (Vimico) đã có thông báo bán xong toàn bộ gần 4,85 triệu cổ phiếu GLC, tương đương 46,14% vốn giảm sở hữu tại Vàng Lào Cai xuống còn 0%, không còn là cổ đông lớn của công ty.
Đồng thời, Khoáng sản 3 – Vimico cũng đã thực hiện xong việc thoái toàn bộ 2,28 triệu cổ phiếu GLC, tương đương lượng sở hữu 21,71% và cũng không còn là cổ đông lớn của Vàng Lào Cai.
Tại ngày 31/1, cổ phiếu GLC đã tăng trần lên 11.700 đồng/cp và khớp lệnh 7,125 triệu đơn vị – đúng bằng lượng cổ phiếu mà các cổ đông lớn bán ra.
Tạm tính tại mức giá này, Vimico đã thu về khoảng hơn 56,7 tỷ đồng; Khoáng sản 3 – Vimico thu về khoảng 26,7 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 29/1, cổ đông lớn Khoáng sản Đông Dương cũng đã bán xong toàn bộ 665.000 cổ phiếu GLC, tỷ lệ 6,22% .
Các cổ đông khác cũng góp phần tạo sóng cho GLC. Công ty TMHH MTV 86 cũng đã thực hiện bán toàn bộ 450.000 cổ phiếu GLC, ứng tỷ lệ 4,29% trong thời gian từ 08/01 đến 25/01/2019; Ủy viên HĐQT, ông Phạm Hồng Thịnh cũng thoái hết 300.000 cổ phiếu GLC (tỷ lệ 2,86%).
Như vậy, toàn bộ cổ đông lớn nhất và người có liên quan đã thoái toàn bộ vốn tại Vàng Lào Cai . Đáng chú ý, bên mua vào lượng lớn cổ phiếu này lại là những cổ đông cá nhân.
Trong đó, ông Cao Trường Sơn đã mua gần 2,45 triệu cổ phiếu GLC, nâng tỷ lệ sở hữu tại Vàng Lào Cai từ 0% lên gần 23,3%; ông Chu Quang Tú cũng đã mua thành công 2,4 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 22,86%; ông Phạm Anh Tuấn mua 965.000 cổ phiếu, nâng sở hữu tại Vàng Lào Cai từ 4,29% lên 13,48%.
Cổ đông lớn Uông Huy Giang cũng "tranh thủ" mua vào tăng tỷ lệ sở hữu tại Vàng Lào Cai lên 22, 94%, tương đương 2,4 triệu cổ phiếu GLC.
![]() |
Sắp hết hạn khai thác
Sau những giao dịch nói trên, danh sách cổ đông lớn của Vàng Lào Cai đã có sự thay đổi lớn chỉ còn 4 cá nhân với tổng tỷ lệ sở hữu là 64,56% và không có cổ đông tổ chức nào.
Sau khi có sự chuyển biến về cơ cấu cổ đông, hiện cổ phiếu GLC vẫn đang giữ nguyên mức giá 11.700 đồng/cp, tăng 17% kể từ khi chào sàn và tiếp tục rơi vào trạng thái không có giao dịch.
Nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh việc vì sao các cổ đông lớn lại vội vàng thoái vốn khi GLC chỉ vừa mới lên sàn, thậm chí còn chưa kịp được sự quan tâm của giới đầu tư?
Kể từ khi thành lập tới nay, nhiệm vụ chủ yếu của Vàng Lào Cai là thực hiện dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng vàng gốc mỏ vàng Minh Lương, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai.
Mỏ vàng này có diện tích lên tới 112 ha với trữ lượng trên 92.670 tấn quặng vàng, ước tính lượng vàng kim loại có thể quy đổi từ tinh quặng tại đây lên tới hàng nghìn kg.
Sản phẩm của dự án là tinh quặng vàng hàm lượng quy đổi 82 gam Au/tấn. Sản lượng thiết kế (max) 7.450 tấn/ năm, tương đương sản lượng khai thác khoảng 100.000 tấn quặng nguyên khai/năm.
Quặng vàng được khai thác bằng phương pháp hầm lò, sản lượng quy đổi ra vàng tối đa 500 kg vàng/năm.
Toàn bộ sản phẩm của Vàng Lào Cai được tiêu thụ tại Vimico để doanh nghiệp này sản xuất vàng kim loại tiêu thụ trên thị trường. Năm 2016 và 2017, doanh thu của công ty lần lượt xấp xỉ 100 tỷ đồng và 98 tỷ đồng nhờ tiêu thụ tổng cộng 261 tấn vàng kim loại.
Kết thúc quý III/2018, Vàng Lào Cai ghi nhận gần 90 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại đạt gần 17 tỷ đồng, tăng gấp ba lần so với năm 2017(hơn 5 tỷ đồng).
Ban lãnh đạo công ty cho hay lợi nhuận tăng cao như vậy là do công ty đã đi vào sản xuất kinh doanh ổn định, nâng cao được năng suất cũng như chất lượng tinh quặng vàng. Đặc biệt, công ty đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí so với những năm trước.
Trong năm 2018, Vàng Lào Cai đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 108 tỷ đồng và 12 tỷ đồng dựa trên việc có thể được mở rộng quyền khai thác vàng.
Năm 2019, công ty dự kiến khai thác 11.702 tấn vàng. Thế nhưng, thời hạn giấy phép khai thác của mỏ chỉ đến ngày 26/4/2019, có lẽ đây là nguyên nhân chính khiến cho cổ đông lớn công ty đồng loạt thoái vốn.
Linh Đan