Cùng với sự hồi phục của VN-Index, hàng loạt cổ phiếu công nghệ cùng “dắt nhau” vươn lên mạnh mẽ. Từ những trụ cột lớn trong ngành cho đến hàng loạt mã cổ phiếu của doanh nghiệp nhỏ hơn đều lên “đỉnh”.
Đua nhau lên vùng đỉnh lịch sử
Nổi bật nhất là “cỗ máy tăng trưởng” FPT của CTCP FPT. Với mức giá chốt phiên ngày 7/6 ở mức142.000 đồng/cp, cổ phiếu FPT tiếp tục chinh phục mức đỉnh mới.
Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu FPT đã hơn 25 phá đỉnh, ghi nhận mức tăng khoảng 40%. Còn nếu tính trong khoảng 1 năm qua, thị giá cổ phiếu FPT đã lên gấp đôi. Thị giá cổ phiếu đi lên đẩy vốn hóa thị trường của FPT lập kỷ lục mới gần 176.700 tỷ đồng (7,3 tỷ USD), tăng 54.600 tỷ so với đầu năm và trở thành doanh nghiệp có vốn hoá lớn thứ 5 trên thị trường.
Nhóm cổ phiếu công nghệ đang là tâm điểm trên sàn chứng khoán. |
Không kém cạnh, cổ phiếu CMG của Tập đoàn Công nghệ CMC cũng là “ngôi sao sáng” khi liên tục chinh phục mức đỉnh mới tại mức giá 67.400 đồng/cp (phiên 7/6). Vốn hóa thị trường của CMC cũng theo đó lập kỷ lục, đạt khoảng 13.046 tỷ đồng, tăng hơn 71% so với thời điểm một năm trước và gấp 5 lần thời điểm mới lên sàn.
Không riêng FPT và CMG, hàng loạt cổ phiếu công nghệ khác, như các mã thuộc “họ FPT” và "họ Viettel" cũng giao dịch tích cực không kém và đang ở vùng giá cao nhất từ trước đến nay.
Cụ thể, một cổ phiếu trong "họ FPT" là FOX của CTCP Viễn thông FPT (FPT Telecom) đã tăng khoảng 85% giá trị so với thời điểm giữa tháng 4/2024. Ở mức giá hiện tại 106.900 đồng/cp, vốn hoá của FPT Telecom đạt hơn 52.600 tỷ đồng. Đây là cổ phiếu tiếp theo trong nhóm FPT gia nhập “câu lạc bộ ba chữ số” trên sàn chứng khoán, sau FPT và FRT của FPT Retail.
Tương tự, một cổ phiếu "họ Viettel" là VGI của Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) cũng đang giao dịch tại vùng đỉnh lịch sử quanh 90.000 đồng/cp. So với hồi cuối tháng 4, thị giá VGI đã tăng 40%, và tăng khoảng 220% sau 3 tháng.
Vốn hóa thị trường của Viettel Global cũng theo đó tăng lên mức 275.465 tỷ đồng (hơn 11 tỷ USD), cao hơn đáng kể so với hồi đầu năm 2024 là 192.400 tỷ đồng (7,9 tỷ USD). Với hơn 11 tỷ USD vốn hóa, Viettel Global vượt qua hàng loạt "tên tuổi" như Vingroup, Vinhomes, Hòa Phát, Vinamilk, FPT, PV Gas cùng nhiều ngân hàng, để "chễm chệ" tại vị trí thứ 3 trong danh sách các công ty lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Giá trị của Viettel Global hiện chỉ kém Vietcombank và BIDV.
Không riêng gì cổ phiếu của các công ty công nghệ lớn, dòng tiền đã lan toả khá rộng tới các cổ phiếu vừa và nhỏ thuộc nhóm này. Chẳng hạn, cổ phiếu TTN của CTCP Công nghệ và Truyền thông Việt Nam (VNTT, mã: TTN) vừa có chuỗi các phiên tăng giá, trong đó có 2 phiên tăng trần liên tiếp lên mức 19.500 đổng/cp.
Đà tăng ấn tượng của TTN bắt đầu từ tháng 3, mức tăng ghi nhận hơn 100% chỉ sau 3 tháng. Tuy giá đã tăng nóng nhưng cổ phiếu này vẫn "cháy hàng" với dư mua giá trần lên đến gần 900 nghìn đơn vị trong phiên 5/6.
Đáng chú ý, dù quy mô VNTT vẫn rất khiêm tốn so với các "ông lớn" cùng ngành, song đà tăng bốc của cổ phiếu cũng đưa vốn hoá thị trường của doanh nghiệp tăng gấp đôi chỉ sau vài tháng, lên mức 613 tỷ đồng.
Dư địa tăng còn dài?
Nhìn chung, cổ phiếu công nghệ đang là tâm điểm đầu tư trên thị trường chứng khoán toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Do đó, dù không có nhiều lựa chọn nhưng đa số các cổ phiếu công nghệ trên thị trường chứng khoán Việt Nam đều rất đáng chú ý, nhất là khi nhóm này đang được hỗ trợ bởi nhiều câu chuyện tích cực.
Thực tế, bộ đôi cổ phiếu công nghệ FPT và CMG đang được hưởng lợi từ chủ đề "hot" trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt sau cái bắt tay với "gã khổng lồ" NVIDIA hay các mảng kinh doanh truyền thống như xuất khẩu phần mềm, chuyển đổi số... Trong khi FOX lại được hưởng lợi từ xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ. Còn VNTT đang trong giai đoạn phát triển và triển khai các giải pháp quản lý thông minh trong các khu công nghiệp do Becamex đầu tư trên khắp cả nước, điển hình là phần mềm quản lý Trung tâm điều hành thông minh IOC Bình Dương, IOC Becamex,…
Theo báo cáo tháng 6 của Chứng khoán VNDirect, cổ phiếu công nghệ, tiêu biểu là FPT dự báo sẽ tiếp tục "dẫn sóng" nhờ sự tăng trưởng vững chắc của hoạt động kinh doanh cốt lõi và triển vọng chất bán dẫn.
Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, hiện đang có 14 dự án FDI đầu tư trong các lĩnh vực như công nghiệp bán dẫn, công nghệ tương lai, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, dự án hợp tác Mỹ - Hàn Quốc - Việt Nam về khai thác, chế biến đất hiếm đang được thương thảo, trong đó một số dự án được thực hiện trong năm 2024.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VPS cho biết, nhóm dịch vụ công nghệ thông tin - viễn thông là nhóm đặc thù. Trong nhóm này, các cổ phiếu như FPT, CMG giai đoạn vừa qua tăng rất mạnh. Đặc biệt, nếu nhìn vào báo cáo kết quả kinh doanh và các báo cáo dự phóng trong năm ngoái, FPT là một trong những trường hợp ngoại lệ, bởi mức độ tăng trưởng lợi nhuận rất ấn tượng, duy trì 25 - 30% qua các năm.
Tất nhiên, việc đầu tư còn phụ thuộc vào NAV/giá trị tài sản đầu tư của nhà đầu tư. Với nhà đầu tư cá nhân, có thể không mua cổ phiếu bluechip mà chọn một vài midcap, small cap (vốn hoá vừa và nhỏ).
“Nhóm cổ phiếu tăng trưởng như công nghệ thông tin viễn thông có thể tăng tiếp. Nhưng trong nhóm công nghệ thông tin này, hãy xem xét kỹ, sẽ có các cổ phiếu midcap vẫn có dư địa tăng trưởng, phù hợp túi tiền và đó có thể là cổ phiếu triển vọng”, ông Khánh nhấn mạnh.
Xét về định giá cổ phiếu, theo ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch HĐQT CTCP AZfin Việt Nam, định giá cổ phiếu FPT hiện không rẻ, nhưng không “quá ảo”, bởi doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt, hiệu quả sinh lời cao.
Với cổ phiếu CMG, chất lượng tài sản ở mức trung tính, ROE quanh ngưỡng 12%-13% cho thấy mức sinh lời khá tốt; tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 12%, GPM duy trì 18% - 19%. Định giá P/E hiện là 34,1 lần, P/B bằng 4,2 lần, đều là mức đỉnh trong lịch sử.
Theo ông Phục, định giá cổ phiếu CMG là khá đắt, phản ánh trước kết quả kinh doanh 2 năm nếu thuận lợi. Đầu tư cổ phiếu này, rủi ro nhỉnh hơn cơ hội, nhưng chưa thể gọi là "bong bóng". “Nếu giá cổ phiếu CMG có giảm thì giảm nhiều hơn so với FPT nhưng không thể “vỡ” nặng”, ông Phục nói.
Về cổ phiếu VGI, tài sản doanh nghiệp ở mức trung tính, nguồn vốn rất an toàn vì có nhiều tiền, nợ vay không có… Tuy nhiên, ROE khoảng 5% - là mức thấp vì doanh nghiệp phải chịu chi phí lớn. Các thị trường nước ngoài gần như bão hòa nên tăng trưởng doanh thu gần như không có; lợi nhuận sau thuế thì năm lãi năm lỗ, phụ thuộc nhiều vào tỷ giá. Trong khi đó, doanh nghiệp đang có khoản lỗ lũy kế gần 3,4 nghìn tỷ đồng nên không chi trả cổ tức được.
“Viettel Global là doanh nghiệp lớn, nhiều tiền nhưng hiệu quả kinh doanh thấp, triển vọng tăng trưởng kém. Song, định giá cổ phiếu VGI lại quá cao, với P/E là 157 lần và P/B lên đến 7 lần. Vì vậy, giá cổ phiếu này là quá đắt, nhà đầu tư dài hạn, đầu tư giá trị nên cân nhắc mua vào thời điểm này”, ông Phục lưu ý.
Hải Giang