Nợ đến hạn “phình to” hơn 2.000 tỷ đồng
Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land; mã chứng khoán: SCR) vừa công bố thông tin bất thường đính chính Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2024. Theo đó, TTC Land điều chỉnh khoản mục phải trả khác và nghiệp vụ với các bên liên quan, chủ yếu là các doanh nghiệp trong hệ sinh thái TTC Group.
Các khoản vay ngắn hạn và dài hạn của TTC Land tại thời điểm 31/12/2023 đến 31/03/2024. |
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 và quý 1/2024, nợ phải trả của TTC Land vào thời điểm 31/03/2024 ghi nhận hơn 5.534 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn hơn 3.705 tỷ đồng và nợ dài hạn hơn 1.829 tỷ đồng.
Báo cáo cũng cho thấy các khoản vay dài hạn của TTC Land tăng mạnh. Cụ thể, tại thời điểm 31/03/2024, tổng các khoản vay là hơn 1.428 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với khoản vay đầu năm 2023 là 837 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/03/2024, TTC Land hiện đang vay dài hạn tại các ngân hàng gồm: Ngân hàng TMCP Phương Đông là 1.316,8 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Nam Á là 396,2 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP An Bình là 110 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam là 97,6 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng với khoản vay là 28,1 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trong năm 2023, TTC Land có 525 tỷ đồng trong khoản nợ vay dài hạn được phân loại là nợ vay dài hạn đến hạn trả và con số này tiếp tục duy trì là 520 tỷ đồng vào cuối quý 1/2024.
Đáng chú ý, báo cáo quý 1/2024 cho thấy, TTC Land đang có khoản nợ hơn 302,7 tỷ đồng, vay ngắn hạn từ các ngân hàng và phải trả nợ trong năm nay, gồm: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam hơn 220 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam hơn 43,8 tỷ, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM hơn 29,6 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Nam Á hơn 9,1 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/03/2024, tổng số tiền TTC Land vay từ các cá nhân và tổ chức là 863 tỷ đồng. |
Ngoài ra, TTC Land còn vay tổ chức và cá nhân với số tiền khoảng 863 tỷ đồng. Các khoản vay này chủ yếu được thực hiện với các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của TTC Group (công ty mẹ của TTC Land).
Theo thống kê, ước tính lãi suất bình quân các khoản vay ngắn hạn và dài hạn của TTC Land rơi vào khoảng 11%/năm, tương ứng với số tiền công ty trả lãi vay trong năm nay là hơn 330 tỷ đồng/năm.
Như vậy, có thể thấy, tổng số tiền mà TTC Land phải thanh toán cho các cá nhân, tổ chức và ngân hàng trong năm 2024 lên tới hơn 2.000 tỷ đồng, bao gồm: hơn 302,7 tỷ vay nợ ngân hàng, 863 tỷ đồng vay tổ chức và cá nhân, 520 tỷ đồng nợ vay dài hạn đến hạn thanh toán và hơn 330 tỷ đồng tiền lãi vay (ước tính).
Trong bối cảnh áp lực trả nợ lớn nhưng doanh thu quý 1/2024 chỉ đạt khoảng 69,5 tỷ đồng, chưa bằng 10% kế hoạch năm 2024 là 705 tỷ đồng, TTC Land đang phải đối mặt với bài toán tài chính nan giải. Lượng tiền mặt của công ty hiện chỉ còn khoảng 81 tỷ đồng, khá khiêm tốn so với quy mô của một doanh nghiệp lớn.
Các dự án bất động sản của TTC Land đang triển khai cũng không khả quan, phần lớn gặp phải tình trạng đình trệ do vướng mắc pháp lý hoặc không đáp ứng nhu cầu thị trường. Điều này đặt ra câu hỏi liệu mục tiêu doanh thu năm 2024 có khả thi.
Các khoản phải thu cho vay ngắn hạn của TTC Land ghi nhận hơn 1.200 tỷ đồng nhưng chủ yếu là thu cho vay từ các công ty con, công ty liên kết; trong đó có hơn 944 tỷ đồng đang cho Công ty Cổ phần May Tiến Phát vay để phát triển các dự án bất động sản.
Trong năm 2024, TTC Land phải chuẩn bị dòng tiền tương đối lớn để giải quyết các khoản vay từ ngân hàng gồm: trả lãi vay ngân hàng, ước tính khoảng 230 tỷ đồng; nợ vay dài hạn đến hạn trả 520 tỷ đồng của các ngân hàng. |
Bên cạnh đó, khoản phải thu khác hơn 1.000 tỷ đồng chủ yếu là thu lãi tiền cho vay và thu góp vốn hợp tác kinh doanh từ các công ty con, công ty liên kết. Trong khi đó, các công ty con, công ty liên kết chưa có dòng thu từ bán hàng do các dự án chậm thủ tục pháp lý hoặc chưa đủ điều kiện bán hàng và thu tiền.
Doanh thu èo uột, áp lực trả nợ lớn
Với tình hình kinh doanh hiện tại và các khó khăn chung của nền kinh tế, TTC Land đang đối mặt với một thách thức lớn. Ban lãnh đạo TTC Land sẽ phải tìm ra giải pháp để xử lý khoản nợ hơn 2.000 tỷ đồng trong năm 2024.
Từ nay đến cuối năm, công ty cần chuẩn bị gần 1.050 tỷ đồng để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn. Cụ thể, họ phải trả khoảng 230 tỷ đồng tiền lãi vay, hơn 302,7 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 520 tỷ đồng nợ vay dài hạn đến hạn phải trả cho các ngân hàng.
Dòng tiền từ việc bán hàng và thu ngắn hạn không đủ để TTC Land trả các khoản nợ đến hạn. Do đó, TTC Land có thể sẽ phải cơ cấu lại các khoản nợ và bán bớt một số tài sản để tạo ra đủ tiền trả nợ, giống như cách mà một số doanh nghiệp khác đã làm.
Trước đó, ngày 22/05/2024, Hội đồng quản trị TTC Land đã thông qua phương án phát hành cổ phần để hoán đổi khoản nợ 349,3 tỷ đồng, chủ yếu của Công ty Cổ phần Đầu tư TTC và Công ty Cổ phần KCN TTC. Điều này nhằm giảm bớt áp lực trả nợ cho các cá nhân và tổ chức.
Các dự án bất động sản của TTC Land đang vướng mắc pháp lý như: Dự án khu liên hợp Nhà ở - Văn phòng - Thương mại Tản Đà - Hàm Tử tại quận 5, TP.HCM; Dự án Charmington Iris tại quận 4, TP.HCM; Dự án Charmington Golf & Life tại 18B Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh, TPHCM… |
Các doanh nghiệp trong hệ sinh thái TTC Group có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tạo dòng tiền cho TTC Land thông qua các giao dịch liên quan như cho vay, đặt cọc, ứng trước tiền mua sản phẩm. Tuy nhiên, việc hoán đổi nợ phải trả cho các công ty liên quan thành cổ phần của TTC Land sẽ khiến các công ty trong hệ sinh thái khó có khả năng tiếp tục duy trì dòng tiền hỗ trợ TTC Land nếu không được các ngân hàng tài trợ thêm vốn.
Việc bán các dự án để tạo dòng tiền trả nợ không hề dễ dàng vì thị trường bất động sản vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Với rủi ro hiện tại của ngành bất động sản và tình hình tài chính khó khăn của TTC Land, các kế hoạch táo bạo của các ngân hàng trong việc cơ cấu nợ cho công ty có thể gặp nhiều thách thức. Tuy nhiên, đây có thể là phương án khả thi nhất để TTC Land xử lý các khoản nợ đến hạn và duy trì sự tồn tại, phát triển trong tương lai.
Trúc Anh