Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang trải qua giai đoạn có nhiều biến động về mặt thông tin khi các chính sách vĩ mô từ các nền kinh tế lớn có tác động không nhỏ đến kinh tế thế giới nói chung, kinh tế Việt Nam nói riêng.
Thêm câu chuyện hỗ trợ
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thị trường đang bắt đầu bước vào giai đoạn tích cực khi có thêm nhiều những yếu tố mới “tiếp sức”.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán được cho là đang trong giai đoạn thích hợp để “nhập hàng”. |
Trước hết, Ngân hàng Nhà nước vừa qua đã có động thái cắt giảm lãi suất OMO và lãi suất tín phiếu trong bối cảnh áp lực tỷ giá đang giảm dần.
Không chỉ vậy, Bộ Tài chính còn dự kiến trình giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Động thái này mặc dù không ảnh hưởng nhiều đến TTCK nhưng là tín hiệu cho thấy Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng đưa ra các chính sách hỗ trợ kinh tế thị trường khi điều kiện cho phép.
Điểm tích cực thứ hai là kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm hạ lãi suất vào cuối năm nay đã kích hoạt dòng vốn chảy sang các TTCK mới nổi. Theo quan sát của các chuyên gia, trong tuần qua, không chỉ Việt Nam mà các TTCK khác trong khu vực Đông Nam Á cùng bắt đầu ghi nhận dòng vốn ngoại vào ròng.
Ngoài ra, còn một số yếu tố hỗ trợ khác mang tính dài hạn hơn như định giá thị trường hấp dẫn, triển vọng nâng hạng TTCK...
Đặc biệt, mới đây, Bộ Tài chính cho biết sẽ đề xuất trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 dự kiến diễn ra vào tháng 10/2024 sửa đổi bổ sung Luật Chứng khoán với một số điểm mới liên quan đến nâng hạng TTCK.
Trong đó, thành viên bù trừ bao gồm công ty chứng khoán (CTCK), ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thể thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch trên thị trường cơ sở và phái sinh.
Ngoài ra, điều luật mới cũng sẽ cho phép Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) được thành lập pháp nhân riêng để triển khai cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP), qua đó giảm thiểu rủi ro cho VSDC.
Đây được coi là những bước đi quan trọng để giải quyết một cách căn bản, dài hạn vấn đề ký quỹ trước giao dịch (prefunding) trên cơ sở tổ chức và triển khai thành công hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán theo cơ chế CCP, qua đó tiến gần tới mục tiêu nâng hạng TTCK từ cận biên lên mới nổi.
"Hàng tỷ USD của các quỹ đầu tư trên toàn cầu sẽ được rót vào các thị trường vốn nếu Việt Nam được nâng cấp thành thị trường mới nổi", ông Ketut Ariadi Kusuma, chuyên gia cao cấp về khu vực tài chính của WB nói.
Kỳ vọng tăng tốc mạnh hơn
Giới phân tích đánh giá, quá trình nâng hạng sẽ giúp cải thiện nhiều điều kiện về môi trường đầu tư, đưa TTCK Việt Nam phát triển cả về chất và lượng, tiến gần hơn tới chuẩn quốc tế, về lâu dài sẽ có lợi cho các nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp niêm yết nói chung và cổ phiếu ngành chứng khoán nói riêng.
Thực tế, kết quả kinh doanh quý II của nhóm công ty chứng khoán cũng như các doanh nghiệp niêm yết trên TTCK là tín hiệu tích cực phản ánh đà phục hồi của nền kinh tế. Mặc dù có sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm ngành và sự phân hóa này có thể tiếp tục trong quý III và cả giai đoạn nửa cuối năm 2024 nhưng với một thị trường đang trong quá trình hồi phục từ đáy, trong khi hoạt động chung thị trường đang mở rộng liên tục là một yếu tố lợi thế với ngành chứng khoán.
Mức định giá P/B của các cổ phiếu nhóm chứng khoán đang nằm trong khoảng trung bình 10 năm cộng 1 độ lệch chuẩn - mức hấp dẫn với những phân tích ở trên. Cụ thể, P/B ngành này đang ở mức 1,5 - 1,8 lần, trong khi mức P/B ở giai đoạn đỉnh của nhóm cổ phiếu chứng khoán có thể đạt tới 3,7 lần.
Theo quan sát, trước khi có vài phiên hồi phục trong thời gian gần đây, nhóm cổ phiếu chứng khoán có diễn biến kém tích cực khi hầu hết các mã trong nhóm này đều sụt giảm khoảng 20 - 30% từ đỉnh, là mức giảm lớn hơn nhiều so với mức giảm chung của toàn thị trường. Điều này được lý giải bởi TTCK kém tích cực và thanh khoản bình quân trong quý II/2024 đã sụt giảm khoảng 20% so với quý trước, và cổ phiếu chứng khoán luôn là nhóm nhạy cảm nhất với xu hướng thị trường.
“P/B của nhóm chứng khoán về mức 1,5 lần, mức đáy vào tháng 10/2023, đồng thời prefunding cũng là câu chuyện hỗ trợ cho nhóm này. Bên cạnh đó, rủi ro ngắn hạn của nhóm cổ phiếu này tiếp tục giảm dần, nên đây là giai đoạn thích hợp để xem xét tích lũy”, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Chứng khoán Yuanta Việt Nam khuyến nghị.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Trưởng phòng Phân tích, Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho rằng, ngoài câu chuyện về nâng hạng thị trường, sự cải thiện trong thanh khoản thị trường cũng giúp cho nhóm chứng khoán có triển vọng lợi nhuận khả quan, và một số công ty sẽ có sự nổi trội hơn.
Tương tự, ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS) nêu quan điểm, trong các nhóm ngành trên thị trường thì nhóm ngành chứng khoán vẫn duy trì sức bền tốt nhất, tuy nhiên lợi nhuận nhóm ngành này không ổn định mà sẽ biến động theo các đợt tăng giảm của thị trường.
“Với thanh khoản chung của thị trường đang ngày càng gia tăng và lộ trình nâng hạng lên thị trường mới nổi cũng là một yếu tố cộng thêm giúp cho ngành chứng khoán có thêm nhiều sự kỳ vọng tăng tốc mạnh mẽ hơn. Các doanh nghiệp có vốn lớn, thị phần ổn định và các khoản đầu tư dài hạn vững chắc sẽ là các công ty cần ưu tiên lưu ý hơn so với nhóm còn lại”, chuyên gia VIS cho hay.
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Chứng khoán DSC nhấn mạnh, nếu nhà đầu tư tin tưởng vào xu hướng đầu tư theo câu chuyện nâng hạng, bám theo khả năng cho phép “prefunding” trong thời gian sắp tới, thì lựa chọn tối ưu sẽ là cổ phiếu của các công ty chứng khoán như Chứng khoán TP HCM (HCM), Chứng khoán Vietcap (VCI)…
Hải Giang