Sau thương vụ chuyển nhượng siêu thị Metro Cash & Carry hơn một năm trước, “ông lớn” BigC Việt Nam có thể là thương vụ “khủng” trong ngành bán lẻ vào năm tới. Khó khăn từ suy thoái kinh tế khiến Casino_Group dự tính chuyển nhượng các khoản đầu tư tại hệ thống siêu thị BigC Việt Nam để cơ cấu danh mục tài sản, giảm áp lực nợ vay hơn 2 tỷ USD của tập đoàn. Casino Group muốn tập trung vào các thị trường chủ chốt là Pháp, châu Mỹ latinh và châu Á.
![]() |
Cuộc “tháo chạy” của DN sở hữu Metro Cash & Carry, BigC đang làm dấy lên hoài nghi, lo ngại về hoạt động chuyển giá, gây thất thu thuế.
Bán vì “kẹt vốn”?
Có mặt tại Việt Nam từ năm 1998, Casino Group đã đầu tư phát triển hệ thống 32 đại siêu thị bán lẻ- trung tâm thương mại mang thương hiệu BigC trên toàn quốc. Ngoài ra, còn mở thêm 10 cửa hàng tiện ích.
Thương hiệu siêu thị BigC đã liên tục xuất hiện tại các khu vực trung tâm sầm uất, đông dân cư, như 8 siêu thị tại Tp.HCM và 2 siêu thị tại Hà Nội. Nhờ đó, giúp công ty đầu tư không ngừng tăng trưởng doanh thu cao hơn.
Sau 17 năm hoạt động, đến nay siêu thị BigC đã vươn lên trở thành nhà bán lẻ nước ngoài lớn thứ hai tại Việt Nam, xếp sau hệ thống Co.op Mart (thuộc Sài Gòn Co.op). Chuỗi siêu thị BigC luôn có nhiều chương trình hấp dẫn để cạnh tranh, thu hút khách hàng, tăng mạnh doanh thu.
Nếu giao dịch bán BigC thành công, thương vụ này ước tính có thể đem về cho Casino Group khoảng 750 triệu Euro (tương đương 19.500 tỷ đồng). Ngoài ra, tập đoàn này còn dự tính chuyển nhượng các siêu thị tại thị trường khác, dự kiến thu về khoảng 550 triệu euro tại Thái Lan và 200 triệu euro tại Columbia.
Đây là số tiền không hề nhỏ trong bối cảnh Casino Group đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế tại Brazil, cổ phiếu sụt giảm, hụt doanh thu… Đặc biệt là chịu áp lực phải giảm khoản nợ hơn 2 tỷ Euro trong năm 2016. Do đó, việc rao bán BigC Việt Nam nằm trong kế hoạch tái cấu trúc danh mục đầu tư ở nước ngoài mà Casino đang xúc tiến.
Tuy nhiên, phía BigC Việt Nam cho hay, động thái rao bán khoản đầu tư này chưa ảnh hưởng đến các hoạt động đầu tư của BigC tại Việt Nam và các dự án vẫn tiếp tục.
Trong hàng chục năm hoạt động tại Việt Nam, điều công chúng nhìn thấy là sự tăng trưởng rất nhanh về quy mô và số lượng siêu thị BigC được mở thêm. Tuy nhiên, hệ thống BigC đã thu được doanh số, lợi nhuận lớn cỡ nào, đóng thuế thu nhập doanh nghiệp bao nhiêu… thì đến giờ vẫn là điều bí ẩn.
Năm 2010- 2014, các công ty của hệ thống BigC liên tục được cơ quan thuế vinh danh trong nhóm 1000 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam. Cụ thể, BigC Thăng Long, BigC An Lạc, BigC Đồng Nai.
Trong nhóm ngành bán lẻ, siêu thị, cả 3 công ty sở hữu quản lý 3 siêu thị này đều xếp vị trí đứng đầu Top 10 nộp thuế lớn nhất gồm: công ty TNHH TMQT và DV Siêu thị BigC Thăng Long, công ty TNHH TM và DV Siêu thị Big C An Lạc và công ty TNHH TM và DVQT Big C Đồng Nai.
Nghi vấn chuyển giá
Thời gian qua, một số tập toàn đa ngành nước ngoài có động thái thoái vốn, chuyển nhượng lại khoản đầu tư vào các doanh nghiệp có vốn nước ngoài tại Việt Nam.
Đơn cử, hồi tháng 5/2015, công ty Keangnam Interprises (Hàn Quốc) cũng rao bán toà nhà cao nhất Việt Nam – Keangnam Landmark 72 Hà Nội. Giá trị tài sản này được định giá lên tới 800 triệu USD. Công ty này đã phải rao bán toà nhà trong nỗ lực xử lý các khoản nợ theo phán quyết của toà án Hàn Quốc.
Cùng ngành bán lẻ, thương vụ chuyển nhượng ồn áo nhất là năm 2014, Tập đoàn bán lẻ Metro Cash & Carry (Đức) đã bán lại Metro Cash & Carry Việt Nam cho Tập đoàn BJC của Thái Lan, với giá trị 655 triệu EUR (tương đương 879 triệu USD). Song hai bên vẫn chưa hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng.
Metro Cash & Carry từng bị cơ quan thuế đưa vào tầm ngắm nghi vấn hoạt động chuyển giá do liên tục báo lỗ lớn, số thuế nộp không “nhằm nhò” gì so với doanh thu khủng hàng năm…
Khi cơ quan thuế vẫn chưa thể chứng minh, kết luận doanh nghiệp này có chuyển giá, trốn thuế hay không thì chủ đầu tư đã nhanh chóng tìm được đối tác “sang tay” siêu thị Metro trong thông điệp chung là “tái cơ cấu khoản đầu tư và tập trung vào thị trường trọng điểm ở châu Á”.
Từ năm 2012, cơ quan thuế đã nghi vấn hoạt động chuyển giá, trốn thuế khi ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài liên tục báo lỗ lớn mà vẫn tăng trưởng doanh thu, mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Một số doanh nghiệp sở hữu các thương hiệu lớn như Coca Cola, Metro Cash & Carry, BigC, Keangnam… bị đưa vào tầm ngắm nghi vấn chuyển giá.
Do đó, cuộc “tháo chạy” của doanh nghiệp sở hữu Metro Cash & Carry, BigC đang làm dấy lên hoài nghi, lo ngại về hoạt động chuyển giá, gây thất thu thuế của các tập đoàn đa quốc gia. Đặc biệt là số liệu doanh thu, lợi nhuận thực bị che giấu của các nhà bán lẻ nước ngoài này trong hàng chục năm qua.
Hải Hà