Cùng với lợi nhuận ngân hàng 9 tháng đầu năm và dự kiến cả năm vẫn rất khả quan, thời gian gần đây, cổ phiếu ngân hàng luôn được nhiều thông tin hỗ trợ dồn dập.
Vẫn còn “chướng ngại vật”
Trước hết, đó là những thông tin về các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) như VPBank (VPB) đang đàm phán bán 15% cổ phần cho đối tác ngoại. Bên cạnh đó, Oricombank (OCB), LienVietPostBank (LPB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB)… cũng đang ráo riết tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài để bán vốn…
Bên cạnh đó, làn sóng chia cổ tức tăng vốn vẫn sôi nổi diễn ra. Gần đây nhất là Vietcombank (VCB) và BIDV (BID) sắp phát hành 2 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức. Một số ngân hàng TMCP khác cũng dự định phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn.
Cụ thể, ABBank (ABB) sẽ phát hành hơn 11,4 triệu cổ phiếu ESOP với mức giá 13.000 đồng/cp, thấp hơn 40% giá trị hiện tại. Tương tự, LienVietPostBank cũng dự kiến phát 35 triệu cổ phiếu ESOP với giá không thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng/cp. Ngoài ra, HDBank (HDB) cũng chuẩn bị phát hành 20 triệu cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng/cp cho cán bộ nhân viên ngân hàng, tăng vốn điều lệ thêm 200 tỷ đồng.
Biểu đồ mức tăng giá của cổ phiếu ngân hàng thời gian qua. |
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngân hàng vẫn đi ngang, thậm chí còn giảm sâu. Tính trong vòng 3 tuần gần đây, xu hướng giảm điểm vẫn chủ đạo, tiêu biểu là SHB (-6,3%), VPB (-4,6%) và TCB (-4,8%); các cổ phiếu khác có mức giảm hơn 1% là: LPB, SHB, MBB, OCB… Chỉ có một số cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh là TPB và HDB.
Theo ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc Khối phát triển khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán SSI, nhà đầu tư (NĐT) cá nhân đang “chiếm sóng” chính trên thị trường còn NĐT tổ chức, NĐT nước ngoài, tức NĐT chuyên nghiệp lại dần lu mờ. Trong khi đó, NĐT cá nhân giao dịch rất nhanh, kỳ vọng sinh lời nhanh và thích cổ phiếu vừa và nhỏ chứ không thích cổ phiếu lớn, như ngân hàng. Điều này làm cho cổ phiếu ngân hàng thời gian qua không được ưa thích như trước đây.
Ngoài ra, sau quá trình dịch, nhiều NĐT sẽ băn khoăn liệu nợ xấu ngân hàng có tăng lên hay không. Đồng thời, sau quá trình tăng giá khá dài, định giá của ngân hàng đã không còn rẻ.
Từ đầu năm đến nay, ngoại trừ BID giảm giá và 5 cổ phiếu ngân hàng khác đứng giá, còn lại 21 cổ phiếu ngân hàng khác đều tăng mạnh từ 25% đến 180% do 6 tháng đầu năm nhóm cổ phiếu này đã có mức tăng trưởng quá mạnh.
Có thể nói, nguy cơ nợ xấu lớn và định giá đã ở mức cao được coi là “chướng ngại vật” của nhóm cổ phiếu này ở thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, việc ồ ạt đưa hàng tỷ cổ phiếu vào lưu hành cũng khiến nhóm ngân hàng đối mặt với áp lực pha loãng giá làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
Tuy nhiên, do bị “đè nén” khá lâu, cùng với triển vọng kinh doanh được nhận định là tích cực thời gian tới, nhiều chuyên gia cho rằng, cổ phiếu ngân hàng đã “dò đáy” và sẽ sớm quay trở lại.
“Cổ phiếu ngân hàng có thể phải tích lũy thời gian, để những yếu tố đó qua đi, xuất hiện những câu chuyện mới như lợi nhuận cao, phục hồi sau dịch, nợ xấu thấp,…để kéo nhóm cổ phiếu này tăng trưởng tốt hơn”, ông Đức nhận xét.
Dư địa tăng còn rất lớn
Các chuyên gia dự báo, năm 2022, GDP Việt Nam sẽ tăng từ 4,5-6,5%. Đồng thời, nếu gói hỗ trợ tăng trưởng kinh tế khoảng 800 nghìn tỷ được thông qua thì ngân hàng được hưởng lợi gián tiếp vì gói kích thích kinh tế sẽ tạo ra công ăn việc làm, doanh nghiệp có dòng tiền, từ đó giảm tiềm ẩn rủi ro nợ xấu.
Thống kê của chứng khoán Agribank (Agriseco) 5 năm gần nhất cho thấy, cổ phiếu ngân hàng thường tăng giá dịp cuối năm (khoảng từ 15/12 năm trước đến 15/01 năm sau) với tỷ suất trung bình 10,2%. Theo đó, Agriseco cho rằng trong giai đoạn cuối năm cũng có nhiều yếu tố hỗ trợ thuận lợi đà tăng giá của nhóm ngân hàng.
Cổ phiếu ngân hàng vẫn còn dư địa tăng trưởng lớn. (Ảnh: Int) |
Trước hết, tăng trưởng tín dụng kỳ vọng phục hồi trong quý IV và năm 2022 nhờ các hoạt động kinh tế dần lại bình thường.
Bên cạnh đó, nợ xấu có thể tiếp tục gia tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Mặc dù nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) của các ngân hàng tăng trong quý III vừa qua có thể gây áp lực tăng nợ xấu trong tương lai song các ngân hàng đã chủ động đẩy mạnh trích lập dự phòng lên mức cao kỷ lục.
Mặt khác, việc tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ hoặc phát hành cho cổ đông hiện hữu sẽ giúp các ngân hàng gia tăng vốn chủ sở hữu, từ đó cải thiện hệ số an toàn vốn CAR và tăng trưởng kinh doanh trong dài hạn.
Ngoài ra, cuối tháng 12, nhiều ngân hàng xin thêm room tín dụng và đây sẽ là động lực lợi nhuận cho ngân hàng, đặc biệt là tín dụng mảng bán lẻ.
Đáng chú ý, quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, nhiều ngân hàng đang dần hình thành hệ sinh thái ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm với các sản phẩm tài chính công nghệ 4.0 giúp gia tăng giá trị thặng dư.
“Tiềm năng tăng trưởng của ngành ngân hàng vẫn còn rất hấp dẫn nhờ vào tăng trưởng tín dụng ở mức cao, đặc biệt ở phân khúc bán lẻ, nhất là khi nền kinh tế quay trở lại ổn định sau giãn cách xã hội. Hơn nữa nguồn thu nhập của ngân hàng ngày càng trở nên đa dạng hơn, phù hợp với nhiều nhu cầu khác nhau của nhóm khách hàng bán lẻ”, bà Phạm Thùy Dương, Phó Giám đốc Bộ phận phân tích, Dragon Capital nêu quan điểm.
Hiện tại, so với mức định giá ngành ngân hàng các nước trong khu vực châu Á, định giá ngành ngân hàng Việt Nam đang ở mức khá cao. Cụ thể, chỉ số P/B của ngân hàng Việt Nam tại thời điểm này là 2,26 lần, trong khi ở Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia đều dưới 1 lần. Tuy nhiên, định giá ngành ngân hàng Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với đỉnh lịch sử (P/B tháng 4/2018 là 3,42 lần).
“Dư địa tăng còn rất lớn, đặc biệt khi VN-Index tiếp tục tiến tới những đỉnh cao mới và vốn hóa ngành này vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất thị trường”, công ty chứng khoán MBS nhận định.
Hải Giang