Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã chính thức xác nhận không hạn chế tỷ lệ đầu tư nước ngoài tại Tổng CTCP Bia – Rượu – NGK Sài Gòn (Sabeco). Theo đó, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại Sabeco tối đa là 100%.
Sau khi nhận được thông báo về việc không giới hạn tỷ lệ đầu tư nước ngoài tại Sabeco, Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) sẽ cập nhật lại tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của doanh nghiệp (DN) này trên hệ thống theo đúng quy định.
Động thái mới
Trước đó, ngày 12/11, HĐQT Sabeco đã thông qua Nghị quyết số 111A/2018/NQ-HĐQT về việc không hạn chế tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài tại Sabeco.
Động thái nới room ngoại được đưa ra sau khi Sabeco thay đổi ngành nghề kinh doanh theo hướng loại bỏ những ngành nghề có điều kiện hạn chế sở hữu nước ngoài, như ngành kinh doanh quảng cáo thương mại; kinh doanh du lịch lữ hành nội địa, quốc tế và điều chỉnh một số ngành kinh doanh khác.
Theo giới phân tích, động thái nới room của Sabeco có thể không làm tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại nhưng sẽ giúp Thaibev dễ dàng tham gia sâu vào điều hành Sabeco.
Trước đó, để mua được 53,39% cổ phần của Sabeco với trị giá gần 5 tỷ USD nhưng do vướng quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài chỉ có 49%, Thaibev đã phải thông qua một pháp nhân là công ty TNHH Vietnam Beverage (Vietbev) để "lách luật" tham gia đấu giá cổ phần Sabeco.
Đáng chú ý, Vietbev mới chỉ được thành lập trước phiên đấu giá cổ phần của Bộ Công Thương hai tháng, có vốn điều lệ 682 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông của Vietbev có sự góp mặt của BeerCo Limited (BeerCo) – một thành viên của Tập đoàn Thaibev với tỷ lệ sở hữu 49% vốn điều lệ.
Hiện, cơ cấu sở hữu của Sabeco khá cô đặc khi công ty có hai cổ đông lớn sở hữu gần 90% vốn điều lệ là Vietbev và Bộ Công Thương với tỷ lệ sở hữu lần lượt đạt 53,59% và 36% vốn điều lệ.
Trong khi đó, theo luật sư Trần Viết Hưng, Trưởng Văn phòng Luật sư Công Lý Hà Nội, khi không có sự đồng thuận của cổ đông nắm giữ 36% cổ phần, Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) sẽ không thể thông qua bất kỳ một quyết định nào nằm trong thẩm quyền của ĐHCĐ.
Theo đó, với việc vẫn nắm giữ 36% cổ phần tại Sabeco, Bộ Công Thương vẫn có quyền phủ quyết một số vấn đề quan trọng (theo điều lệ) tại DN. Điều này có thể gây bất lợi cho tỷ phú Thái Lan trong nhiều quyết định.
Để toàn quyền quyết định mọi vấn đề có trong nội bộ DN, Thaibev cần phải sở hữu ít nhất 65% cổ phần tại Sabeco. Tuy nhiên, việc tỷ lệ nắm giữ quá lớn sẽ khiến cơ cấu cổ đông của Sabeco ngày càng cô đặc, ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
Bằng chứng là từ khi về tay người Thái, cổ phiếu SAB đã giảm khá sâu từ mức giá 330.000 đồng/cp (giá chưa điều chỉnh) về mức 247.000 đồng/cp như hiện nay, tương đương mức giảm khoảng hơn 25%. Thậm chí có thời điểm, cổ phiếu SAB còn giao dịch dưới mức giá 200.000 đồng/cp.
Sabeco được kỳ vọng sẽ là động lực quan trọng để Thaibev thực hiện các mục tiêu trong chiến lược phát triển đến năm 2020 |
Trông vào quỹ ngoại
Một chuyên gia chứng khoán phân tích, sau khi về tay người Thái theo hình thức gián tiếp, cổ phiếu SAB đã không còn hấp dẫn như trước, bởi với việc sở hữu hơn 50% vốn khiến Sabeco có thể trở thành công ty con của tỷ phú Thái và hoạt động dựa trên cơ sở lợi ích của tập đoàn mẹ.
Khi đó, giá cổ phiếu SAB sẽ không có nhiều biến động và có thể đứng im. Để vấn đề này không xảy ra mà vẫn có thể toàn quyền kiểm soát tại Sabeco, Thaibev chỉ có thể sử dụng lại "chiêu" cũ là "đứng tên hộ" bởi một quỹ ngoại nào đó.
Tuy nhiên, hiện nay, lượng cổ phiếu tự do của Sabeco chỉ còn lại khoảng 10,6% tổng số cổ phiếu đang lưu hành, mà tính tới cuối năm 2017, lượng sở hữu của cổ đông ngoại đã chiếm 9,64%.
Trong khi đó, Bộ Công Thương vẫn chưa có bất kỳ động thái nào cho thấy muốn bán nốt phần vốn của mình.
Trên thực tế, ngay cả khi nới room ngoại lên 100% hay vẫn giữ nguyên 49% thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Sabeco không quá thay đổi bởi cũng không thể vượt quá 10% lượng sở hữu.
Theo đó, việc nới room ngoại lên 100% chỉ là động thái giúp Thaibev chuyển giao phần vốn của mình từ Vietbev về công ty mẹ để giảm bớt tỷ lệ sở hữu chồng chéo tại các công ty con, đồng thời làm giảm bớt áp lực nợ vay tại Vietbev.
Mặc dù vậy, quá trình tái cơ cấu lại tại Sabeco cũng sẽ đòi hỏi cần phải có thời gian.
Còn nhớ, hơn một năm trước, tại thời điểm Bộ Công Thương chuẩn bị thoái bớt vốn tại Sabeco, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đã tiết lộ sau khi tổ chức các buổi roadshow giới thiệu việc thoái vốn Sabeco diễn ra ở Singapore và Anh, rất nhiều nhà đầu tư, các quỹ, hãng lớn đã quan tâm. Một quỹ đầu tư với số vốn hơn 1.000 tỷ USD cũng tham gia vào thương vụ lớn này.
Giả sử Thaibev muốn nắm giữ lượng cổ phiếu lớn hơn nữa tại Sabeco mà không ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của cổ phiếu SAB trên thị trường, thì câu chuyện có một quỹ đầu tư mới có "xuất thân" từ Thái Lan tham gia vào Sabeco với những thương vụ "trao tay" lượng lớn cổ phiếu SAB giữa những quỹ ngoại với nhau là điều hoàn toàn có thể.
Điển hình như trường hợp cổ phiếu VNM của Vinamilk, dù vẫn nằm trong danh mục của nhiều quỹ ngoại nhưng từ cuối năm 2017 đến nay chỉ còn là cuộc đua gom cổ phần của hai "đại gia" F&N và Platinum Victory.
Đáng chú ý, F&N Group chính là TCC Holdings, tập đoàn thuộc sở hữu của tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi – ông chủ của Thaibev.
Trên thị trường, Sabeco đang là DN dẫn đầu thị trường tiêu thụ bia trong cả nước với hơn 42% thị phần, gấp đôi hãng xếp thứ hai là Heineken với 22% thị phần.
Hơn nữa, Sabeco cũng được kỳ vọng sẽ là động lực quan trọng để Thaibev thực hiện các mục tiêu trong chiến lược phát triển đến năm 2020, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường Thái Lan và một số nước khác đã có dấu hiệu chững lại.
Linh Đan