Nếu như các doanh nghiệp cảng biển và sân bay được ví như “miếng bánh ngon”, hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước thì các đơn vị đường sắt lại như “khúc xương khó nhằn”. Liệu có cơ hội nào để cổ phần doanh nghiệp đường sắt có thể “hấp dẫn” hơn trong mắt nhà đầu tư?
Sự tương phản đáng buồn
Tháng 12 này, Công ty TNHH MTV vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty TNHH MTV vận tải đường sắt Sài Gòn cùng tiến hành bán đấu giá lần đầu (IPO). Đều là doanh nghiệp lớn, sở hữu số lượng toa tàu nhiều, sản lượng vận chuyển lớn nhất… nhưng cổ phần lại kém hấp dẫn, giá bán thấp.
Ngày 7/12, Đường sắt Sài Gòn đã chào bán 7,21 triệu cổ phần, thu hút 20 nhà đầu tư cá nhân đăng ký mua. Do có nhiều lệnh đặt mua ở trên vùng giá khởi điểm 10.000 đồng/CP nhưng khối lượng mua rất thấp, chỉ khoảng vài ngàn cổ phần. Có một cá nhân đặt mua 1.000 cổ phần ở mức giá cao nhất là 18.000 đồng/CP. Do đó, một lệnh đặt mua 7,21 triệu cổ phần ở mức giá thấp nhất 10.000 đồng/CP đã trúng đấu giá.
Sau phiên này, Đường sắt Sài Gòn đã bán thành công 100% khối lượng chào bán ra công chúng với mức giá bình quân 10.016 đồng/CP, thu về giá trị gần 72,2 tỷ đồng.
Trái ngược với cảnh “đắt hàng” này, cổ phần Đường sắt Hà Nội lại ế ẩm ngay từ lúc chào bán. Khối lượng chào bán đấu giá 11,4 triệu cổ phần nhưng chỉ có 10 nhà đầu tư đăng ký mua tổng cộng 247.000 cổ phần, chiếm tỷ lệ vỏn vẹn… 2% kế hoạch. Như vậy, có thể thấy trước kết quả ế ẩm của phiên đấu giá IPO vào ngày 10/12 tới đây của Đường sắt Hà Nội.
Sau hơn chục năm hoạt động, hai doanh nghiệp “đầu đàn” của ngành đường sắt Việt Nam hiện có vốn điều lệ khá khiêm tốn, trong đó, Đường sắt Sài Gòn có vốn điều lệ 503 tỷ đồng, Đường sắt Hà Nội là gần 801 tỷ đồng.
Dù vốn điều lệ thấp hơn, nhưng Đường sắt Sài Gòn lại có giá trị doanh nghiệp lớn hơn, lên tới 1.509 tỷ đồng trong khi Đường sắt Hà Nội là 1.198 tỷ đồng. Về quy mô hoạt động, Đường Sắt Sài Gòn chỉ bằng 1/3 lần Đường sắt Hà Nội, đơn cử: có 453 toa xe khách, 1.303 toa xe hàng với đội ngũ nhân viên 591 người…
Bộ GTVT hiện đang phải chạy đua để kịp hoàn thành mục tiêu cổ phần hoá các công ty vận tải của Tổng công ty đường sắt Việt Nam vào cuối năm 2015. Việc tiến hành IPO hai công ty Đường sắt Hà Nội và Sài Gòn là bước đi rốt ráo, thể hiện quyết tâm đổi mới của ngành.
Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT, từng nhấn mạnh: “Hai công ty này là lĩnh vực được tập trung thu hút sự quan tâm từ bên ngoài để xoá độc quyền, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng tính cạnh tranh cho ngành đường sắt”.
Sức hấp dẫn có lẽ đến từ khối tài sản đất đai mà hai công ty này sở hữu, quản lý khai thác.
Bài toán lợi nhuận
Trong 3 năm qua, hai công ty đã có nhiều nỗ lực đầu tư, cải thiện hạ tầng cơ sở, ứng dụng công nghệ hiện đại trong việc vận hành, khai thác đường sắt để tăng doanh thu, lợi nhuận.
Thực tế, Đường sắt Sài Gòn đã tăng trưởng chậm về lượt hành khách vận chuyển và bị sụt giảm mạnh về sản lượng hàng hoá. Cụ thể, năm 2012, hàng hoá đạt 17,4 nghìn tấn và 3,7 triệu lượt khách, đến năm 2014 chỉ còn 10 nghìn tấn hàng hoá và 3,9 triệu lượt khách. Dự kiến năm 2015, sẽ vận chuyển được 1,06 triệu tấn hàng hoá và 4,24 triệu lượt khách.
Doanh thu thuần đã tăng từ 1.463 tỷ đồng (năm 2012) lên mức 1.523 tỷ đồng (cuối năm 2014) và dự kiến sẽ đạt 1.984 tỷ đồng năm 2015. Tuy nhiên, lợi nhuận liên tục sụt giảm từ mức 102 tỷ đồng (năm 2012) xuống lỗ 7 tỷ đồng vào năm 2014.
Tại Đường sắt Hà Nội, năm 2012, lượng hàng hoá đạt 17,1 nghìn tấn nhưng tăng đột biến lên 4,4 triệu tấn năm 2014 và dự kiến năm nay đạt 6,15 triệu tấn. Nhưng lượng hành khách lại có xu hướng giảm từ 8,5 triệu lượt khách (năm 2012) xuống còn 7,13 triệu lượt trong năm nay.
Doanh thu của Đường sắt Hà Nội tăng trưởng khả quan trong 3 năm qua, đã khắc phục được thua lỗ suốt năm 2012-2013. Đến cuối năm 2014, công ty đạt 2.936 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế 165 tỷ đồng.
Theo phương án cổ phần hoá, sau khi IPO, hai công ty vẫn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức và sự cạnh tranh gay gắt với loại hình vận tải khác. Dù vậy, mục tiêu đặt ra là phấn đấu doanh thu tăng trưởng ở mức từ 3,5-7,5% mỗi năm.
Về lợi nhuận, Đường sắt Hà Nội sẽ không có lợi nhuận trong 2 năm 2015-2015, từ năm 2017 mới có lãi 5,6 tỷ đồng. Còn Đường sắt Sài Gòn dự kiến sẽ báo lỗ 206 tỷ đồng trong năm nay, song năm sau sẽ có lãi 18,4 tỷ đồng.
Có thể thấy, kết quả kinh doanh của hai công ty này vẫn còn khá ảm đạm, chưa có đột biến lợi nhuận trong vòng 3 năm sau IPO. Thế nhưng, sức hấp dẫn có lẽ đến từ khối tài sản đất đai mà hai công ty này sở hữu, quản lý khai thác.
Đường sắt Hà Nội đang quản lý 92 khu đất với tổng diện tích gần 140.000m2 ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ. Còn Đường sắt Sài Gòn sở hữu 37 khu đất có tổng diện tích 331.000 m2 tại khu vực miền Nam, Nam Trung Bộ.
Những khu đất này nằm ở vị trí trung tâm đô thị, quy mô lớn, có thể sẽ được chuyển đổi thành những dự án kinh doanh thương mại và trở thành “gà đẻ trứng vàng” cho nhà đầu tư.
Hải Hà