Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên (10/7), cổ phiếu SOV đã giảm 1,1% xuống 90.000 đồng/cp và chỉ có 500 đơn vị được khớp lệnh. Tại mức giá này, vốn hóa thị trường của Mắt kính Sài Gòn đạt 171 tỷ đồng.
Saigon Optic tiền thân là Xí Nghiệp mắt kính Sài Gòn, thành lập tháng 5/1979. Đến năm 1999, Xí nghiệp được cổ phần hóa và chuyển đổi thành CTCP Mắt kính Sài Gòn với vốn điều lệ ban đầu hơn 9,97 tỷ đồng. Hiện, công ty có vốn điều lệ gần 19,15 tỷ đồng, tương ứng hơn 1,91 triệu cổ phiếu đăng ký giao dịch.
Ngành kinh doanh đặc thù
Theo bản cáo bạch niêm yết, hoạt động chính của công ty là sản xuất, kinh doanh mắt kính và dụng cụ quang học về mắt; ngoài ra còn có kinh doanh cho thuê mặt bằng. Saigon Optic chỉ có 3 địa điểm kinh doanh nhưng chiếm đến 65% thị phần tại Tp.HCM, vượt trội cả về thị phần và máy móc thiết bị so với các công ty cùng ngành.
Về hoạt động kinh doanh, năm 2018, công ty ghi nhận doanh thu thuần tăng nhẹ lên 46 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm gần 16% xuống 4,6 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này luôn được công ty duy trì trong những năm gần đây.
Thực tế, thị trường mắt kính đang phát triển rất nhanh chóng, theo các chuyên gia ước tính, mức tăng trưởng 200 – 300%. Điều này xuất phát từ nhu cầu sử dụng kính mắt ngày càng cao của người Việt do tỷ lệ mắc các tật về khúc xạ (cận, viễn, loạn thị) gia tăng.
Trước tiềm năng của thị trường này, hệ thống bán lẻ Thế Giới Di Động cũng vừa chính thức “lấn sân” sang kinh doanh mắt kính sau 3 tháng bán đồng hồ với doanh thu từ 600 triệu đồng lên 1 tỷ đồng/tháng từ sản phẩm này.
Theo ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO CTCP Thế Giới Di Động, thị trường kính mắt và đồng hồ còn khá tiềm năng bởi ngành điện thoại, điện máy khi đạt đỉnh sẽ phải chững lại trong khi nhu cầu về nhu yếu phẩm thì gần như không có khái niệm bão hòa.
Tuy nhiên, đây cũng là loại hình kinh doanh phải tốn nhiều chi phí vào mặt hàng trưng bày. Ước tính mỗi cửa hàng kính mắt cần có tới hàng nghìn mẫu để khách hàng thoải mái lựa chọn. Do đó, doanh thu có thể tốt nhưng lợi nhuận lại “chẳng được bao nhiêu”.
Có thể lấy ví dụ từ trường hợp của Saigon Optic, giá vốn và các chi phí chưa kể chi phí thuế đã chiếm gần 87% tổng doanh thu, nên lợi nhuận chỉ còn lại chưa đến 5 tỷ đồng.
Việc “lấn sân” của Thế giới Di động cũng với mục đích là thu hút một nhóm khách hàng mới sẽ đến với chuỗi Thế Giới Di Động, từ đó thúc đẩy tiềm năng doanh thu cho mặt hàng di động, điện máy.
SOV không có nhiều yếu tố thu hút đầu tư |
Bất động sản hết hạn thuê
Thực tế, hoạt động kinh doanh của Saigon Optic không có gì nổi bật trong suốt nhiều năm trở lại đây. Ngay cả khi niêm yết trên sàn chứng khoán, công ty vẫn chưa thể hiện sự đột phá với kế hoạch năm 2019 đi ngang: doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 47 tỷ đồng và hơn 4,6 tỷ đồng.
Trong khi đó, mức doanh thu này không chỉ đến từ mảng kinh doanh kính mắt mà còn đến từ việc cho thuê mặt bằng. Hiện, công ty đang cho thuê một phần ngôi nhà ở Phạm Ngọc Thạch (quận 3), với giá cho thuê gần 182 triệu đồng/tháng.
Như vậy, cơ sở nào để cổ phiếu SOV chào sàn với mức giá 91.000 đồng/cp? Thông thường, những doanh nghiệp chào sàn với giá cao thường có lượng bất động sản khá lớn, thậm chí là sở hữu nhiều mảnh đất tại vị trí “vàng”.
Mới đây, cổ phiếu IPH của công ty TNHH MTV In và Phát hành biểu mẫu thống kê đã chào sàn với mức giá kỷ lục 411.000 đồng/cp. Trong khi doanh nghiệp “bé hạt tiêu” với doanh thu năm 2018 chưa đến 4 tỷ đồng và lợi nhuận chưa phân phối hơn 270 triệu đồng.
Tuy nhiên, cơ sở để IPH lên sàn với mức giá kỷ lục là hơn 800m2 “đất vàng” tại phố Nguyễn Chí Thanh (số 47-55 ngõ 54). Theo phương án cổ phần hóa, công ty đăng ký sử dụng khu đất này theo hình thức trả tiền hàng năm trong thời hạn 50 năm và đã được UBND Tp. Hà Nội chấp thuận. Công ty dự kiến xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo phương án kinh doanh mới, cải tạo, xây dựng lại làm trụ sở, văn phòng và kinh doanh dịch vụ.
Thế nhưng, trong bảng công bố thông tin trước ngày lên sàn của Saigon Optic thể hiện công ty đang sử dụng 3 bất động sản đều ở Tp.HCM bao gồm lô đất số 535-537 Trần Hưng Đạo (quận 5) và 46-48 Phạm Ngọc Thạch (quận 3).
Tuy nhiên, hai mảnh đất này đều là đất thuê trong vòng 20 năm và sẽ hết hạn vào năm sau (2020). Như vậy, Saigon Optic chỉ còn được sử dụng số bất động sản này chưa đầy một năm sau khi lên sàn.
Ngoài ra, công ty có phân xưởng sản xuất, cửa hàng kinh doanh, văn phòng tại 86-90 Cách Mạng Tháng Tám (quận 3) có thời hạn thuê đến năm 2050.
Về cơ cấu cổ đông, tính đến cuối tháng 4/2019, Saigon Optic có 4 cổ đông lớn: công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn (sở hữu 29,51%), công ty Địa ốc ACB (8,43%), thành viên HĐQT Đỗ Thị Trang (5,87%) và Chủ tịch Lâm Kim Khoa (5,01%).
Tổng số cổ phần mà những cổ đông này sở hữu lên tới 48,82% vốn điều lệ, tương đương 935.145 cổ phiếu. Như vậy, lượng cổ phiếu SOV được giao dịch tự do chỉ còn khoảng hơn 960.000 cổ phiếu.
Điều này có thể dễ dàng lý giải cho mức giảm và thanh khoản 500 đơn vị của SOV trong phiên chào sàn. Đây mới mới chỉ là khởi động, tương lai của SOV sẽ ra sao?
Linh Đan