Các cổ phiếu ngân hàng vẫn đang "mở tiệc", dù có luân phiên ngày tốt ngày xấu nhưng cơ bản là dễ chơi hơn tất cả các mã khác.
Ngân hàng nhỏ đua tăng giá
Theo đó, cổ phiếu BVB của VietCapitalBank là cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất, tăng tới 47%, lên 20.300 đồng/cp. Hiện BVB đang được giao dịch trên UPCoM. Diễn biến giá cổ phiếu này gây chú ý trong 3 phiên liên tiếp 20/5, 21/5, 24/5, khi tăng tổng cộng tới 30% trong đó có 1 phiên tăng trần (21/5).
Ngoài ra, SSB của SeABank tăng 38% lên 37.050 đồng/cp; SGB của ngân hàng Saigonbank tăng 32,8% lên 17.800 đồng/cp.
Cổ phiếu SSB mới lên sàn HoSE từ 24/3, nhưng đến nay đã tăng gấp hơn 2 lần, đồng thời cũng là cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh nhất từ đầu năm đến nay.
Các cổ phiếu ngân hàng vẫn đang mở tiệc nhưng các ngân hàng nhỏ đang chiếm ưu thế về mức tăng. |
Hay như trường hợp cổ phiếu VBB của VietBank cũng tăng trưởng khá mạnh với mức tăng 29,3% lên 18.100 đồng/cp. Chính thức lên sàn từ ngày 30/7/2019 với mức giá tham chiếu là 15.000 đồng/cp, cổ phiếu VBB đã nhanh chóng xác lập đỉnh mới ở mức giá 20.700 đồng/cp chỉ sau 2 phiên chào sàn.
Tuy nhiên, sau đó là chuỗi phiên giảm giá sâu về dưới mốc 14.000 đồng/cp trước khi bứt phá như hiện nay.
Tương tự, nhiều mã khác cũng có mức tăng trên 25% trong tháng 5 như ABB của ABBank (tăng 25,7%), TPB của TPBank (tăng 28,1%)… Một số cổ phiếu ngân hàng cỡ nhỏ và vừa cũng đã chạy khá nhanh từ trước, như KLB của KSBank, BAB của BacA Bank, PGB của PGBank, NAB của Nam A Bank….
Thực tế, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã liên tiếp hút dòng tiền trong thời gian vừa qua, nhưng nhóm cổ phiếu ngân hàng nhỏ được đánh giá là hấp dẫn hơn khi ghi nhận mức tăng ấn tượng.
Tính từ đầu năm đến nay, 26 cổ phiếu ngân hàng đã tăng giá tới 43,5%; trong đó có 3 mã tăng gấp hơn 2 lần là SSB (tăng 120%), LPB (tăng 111%), VPB (tăng 107%); ngoài ra có VIB và NVB tăng xấp xỉ 2 lần (tăng 97% và 98%).
Thực tế, đà tăng của nhóm cổ phiếu ngân hàng nhỏ đã được bắt đầu từ năm 2020 khi SHB là quán quân với mức tăng giá cổ phiếu đạt hơn 210%, kết thúc năm ở mức 17.000 đồng/cp. Tiếp theo đó cổ phiếu VIB đạt mức tăng 89%, đạt mức giá 32.400 đồng/cp, LPB tăng 62%, TCB tăng 26%...
Bước sang quý I/2021, đà tăng giá tiếp tục diễn ra nhưng có sự phân hóa, nếu nhóm cổ phiếu giá cao trước đó chững lại như VCB, BID, TCB…, thì nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ tiếp tục dẫn sóng thị trường.
Trong đó, phải kể đến từ VIB tăng trên 46% chỉ trong quý đầu năm nay, mã SSB cũng tăng trên 60%. Tính chung trong hơn 1 năm qua, cổ phiếu SHB tăng hơn 400%, VIB tăng 220%, KLB tăng gần 100%, STB tăng 140%, ACB tăng gần 100%, VCB chỉ tăng 10,6%...
Sức hấp dẫn từ cốt lõi
Xét về động lực tăng giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng thì yếu tố chính vẫn là đến từ kết quả kinh doanh khả quan, lợi nhuận tăng mạnh và kế hoạch chia cổ tức, tăng vốn, phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài của các nhà băng trong năm nay.
Trong báo cáo phân tích mới đây, công ty chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS) nhận xét, kết thúc quý I/2021, kết quả kinh doanh của các ngân hàng đều tích cực so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận các ngân hàng tăng nhờ 4 yếu tố: Nền lợi nhuận thấp của cùng kỳ năm trước, tăng trưởng tín dụng cao, biên lãi thuần mở rộng, tăng cường cắt giảm chi phí hoạt động. Ngoài ra, IVS cho rằng, nợ xấu đang được các ngân hàng kiểm soát tốt cũng góp mặt trong sức tăng của nhóm cổ phiếu này thời gian qua.
Cùng với Thông tư 03/2021 thay thế Thông tư 01/2020 có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các ngân hàng giúp giải tỏa áp lực dự phòng trong ngắn hạn, IVS cho rằng hầu hết các ngân hàng sẽ hoàn thành mục tiêu kinh doanh năm 2021.
Thế nhưng, thông thường những yếu tố chung của ngành thường phản ánh rõ ràng hơn tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và vừa, còn tại các ngân hàng nhỏ do kém về quy mô và hiệu quả hoạt động nên có phần "lép vế" hơn. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, giá trị lớn nhất của nhóm ngân hàng nhỏ vẫn là giấy phép hoạt động và vốn không được cấp mới trong một thập kỷ qua. Vì thế, đã có không ít các “đại gia” tư nhân trong nước đang khát khao sở hữu các ngân hàng để hoàn thiện hệ sinh thái của họ.
Điển hình nhất là câu chuyện Tập đoàn Sunshine mua lại KienLongBank, hay Thành Công Group trở thành cổ đông lớn ở Eximbank. Tại Eximbank, nhà lắp ráp xe Huyndai không phải là tay chơi duy nhất muốn sở hữu nhà băng cỡ vừa này.
Nhóm DOJI của đại gia Đỗ Minh Phú cũng được đồn đoán đã "cầm" một lượng cổ phần đáng kể ở Eximbank. Ngoài ra còn phải kể đến một tập đoàn địa ốc lớn ở phía Nam, tập đoàn này trước đó đã "để mắt" đến NCB nhưng thương vụ không thành.
Ở Saigonbank, ngoài 65% mà Thành uỷ TP.HCM không sớm thì muộn cũng phải thoái vốn, số còn lại được đồn đoán thuộc sở hữu của một nữ đại gia địa ốc hàng đầu Sài Thành. Ở phía Bắc, chủ một ngân hàng khác được cho là cũng đang sở hữu tỷ lệ đáng kể PGBank, trong bối cảnh nhà băng này đã huỷ thương vụ sáp nhập với HDBank.
Minh Khuê