Theo quan sát của VnBusiness, ngay từ phiên đầu tháng 4, cùng với đà hồi phục của thị trường chung, cổ phiếu phân bón cho thấy những tín hiệu khả quan trở lại. Chỉ trong vòng 5 phiên giao dịch gần nhất, cổ phiếu DCM (Đạm Cà Mau) đã tăng từ 23.950 lên 24.900 đồng/cp (+4%); cổ phiếu DPM (Đạm Phú Mỹ) tăng từ 33.300 lên 37.000 đồng/cp (+11,1%); cổ phiếu LAS (Supe Phốt phát và hóa chất Lâm Thao) tăng từ 8.200 lên 8.600 đồng/cp (+4,9%); cổ phiếu DDV (DAP - Vinachem) tăng từ 8.500 lên 8.900 đồng/cp (+4,7%); cổ phiếu BFC (phân bón Bình Điền) tăng từ 16.450 lên 17.250 đồng/cp (+4,9%)…
Cổ phiếu chiết khấu sâu
Dù vậy, so với đỉnh xác nhận vào cuối tháng 3/2022, các cổ phiếu trong ngành phân bón đều giảm sâu và đánh mất thành quả trước đó từ 50 - 70%.
Năm 2022 đánh dấu một năm tăng trưởng rực rỡ của doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh phân bón.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, cả nước xuất khẩu trên 1,75 triệu tấn phân bón các loại năm 2022, tương đương trị giá xuất khẩu trên 1,09 tỷ USD. Đây là con số kỷ lục từng ghi nhận đối với ngành hàng phân bón và mức tăng trưởng ấn tượng 96% so với cùng kỳ năm trước.
Điều này đã giúp hàng loạt doanh nghiệp trong ngành báo lãi đột biến. Nhờ đó, cổ phiếu nhóm phân bón liên tục "nổi sóng" trong năm 2022.
Tuy nhiên, sau khi thiết lập lợi nhuận “đỉnh cao”, các doanh nghiệp phân bón bắt đầu ghi nhận đà giảm tốc từ thời điểm cuối năm, thậm chí có doanh nghiệp ngậm ngùi chịu lỗ quý IV/2022, khiến thị giá cổ phiếu chiết khấu sâu.
Thời điểm đó, SSI Research nhận định, nhu cầu Urê có thể suy yếu trong năm 2023 do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và sự điều chỉnh giá của các mặt hàng nông nghiệp.
“Quý IV thường được coi là mùa cao điểm. Tuy nhiên, giá Ure không tăng trong quý IV/2022. Điều này phản ánh nhu cầu đang suy yếu và nhu cầu có thể tiếp tục giảm đi vào năm 2023”, nhóm nghiên cứu này chỉ rõ.
Thực tế, ngay từ đầu năm 2023, giá Ure thế giới liên tục giảm mạnh qua đó rơi xuống mức 307,5 USD/tấn ngay đầu tháng 4, mức thấp nhất trong 27 tháng kể từ đầu năm 2021. So với đỉnh hồi giữa tháng 4 năm ngoái, giá loại hàng hoá này đã giảm đến 70% và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Nguyên nhân chủ yếu do các nhà sản xuất ở châu Âu mở rộng sản xuất nhờ giá nguyên, nhiên liệu đầu vào giảm khi nguồn khí đốt tự nhiên tăng lên và nhập khẩu LNG dồi dào. Bên cạnh đó, nguồn cung có xu hướng gia tăng trở lại sau khi Trung Quốc bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu cũng ảnh hưởng đến diễn biến giá các loại phân bón.
Thận trọng “cài số lùi” mục tiêu 2023
Nhìn chung, hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp phân bón phụ thuộc khá lớn vào biến động giá cả hàng hóa, đặc biệt là giá Ure và giá dầu FO. Vì vậy, việc giá Ure có xu hướng giảm là một tín hiệu kém khả quan cho các doanh nghiệp phân bón. Đây có thể là yếu tố quan trọng khiến ban lãnh đạo các doanh nghiệp nhóm ngành này đưa ra kế hoạch kinh doanh 2023 có phần thận trọng, không chỉ "đi lùi" 2 chữ số so với kết quả năm 2022 mà thậm chí thấp hơn con số cả năm 2021.
Chẳng hạn, Đạm Phú Mỹ lên kế hoạch doanh thu 17.372 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.250 tỷ đồng; lần lượt giảm 7,3% và 60% so với thực hiện năm 2022.
Một “ông lớn” trong ngành phân bón là Đạm Cà Mau cũng “cài số lùi” kế hoạch kinh doanh năm 2023 với tổng doanh thu đạt 13.458,5 tỷ đồng; chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế là 1.383 tỷ đồng đều thấp hơn rất nhiều so với kết quả đạt được năm 2022. Thậm chí, chỉ tiêu lợi nhuận năm 2023 của Đạm Cà Mau chỉ bằng 1/3 thực hiện năm 2022.
Phân bón Bình Điền cũng thận trọng với kế hoạch kinh doanh 2023. Công ty đặt mục tiêu doanh thu hơn 7.476 tỷ và lợi nhuận trước thuế 220 tỷ đồng, lần lượt giảm 14% và 7% so với thực hiện năm trước.
Tương tự, CTCP Phân đạm và hóa chất Hà Bắc (DHB) lên kế hoạch năm 2023 với mục tiêu tổng doanh thu đạt 6.129 tỷ đồng, giảm 4% và lợi nhuận trước thuế 683 tỷ đồng, giảm đến 61% so với kết quả đạt được của năm 2022.
Nhận định ngành phân bón trong nước sẽ còn gặp nhiều khó khăn, CTCP DAP – Vinachem lên kế hoạch kinh doanh năm 2023 với tổng doanh thu ước đạt 3.243 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế chỉ ở mức 101,4 tỷ đồng, giảm đến hơn 73% so với năm trước.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp phân bón vẫn có thói quen lên kế hoạch thấp để dễ về đích và tuỳ theo tình hình thực hiện để điều chỉnh lại các chỉ tiêu kinh doanh vào cuối năm. Dù vậy, không thể phụ nhận rằng những khó khăn đang hiện hữu ngày càng rõ ràng đối với ngành phân bón thời gian tới.
Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, các doanh nghiệp phân bón sẽ đối mặt với áp lực tăng trưởng âm trước mức nền cao trong năm 2022. Đồng thời, dự báo biên lợi nhuận các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ thu hẹp so với mức nền so sánh cao của năm 2022.
Chứng khoán KIS đánh giá, ngành phân bón Việt Nam không có quá nhiều triển vọng tăng trưởng cả về giá bán và sản lượng tiêu thụ. Tuy nhiên, do căng thẳng chính trị toàn cầu, nguồn cung phân bón có thể bị thu hẹp ở một số quốc gia và đây sẽ là một “cơ duyên” nữa cho các nhà sản xuất phân bón Việt Nam. Tuy nhiên, do cơ hội này có thể không quá rõ ràng, đặc biệt là trong quý I/2023, do đó các nhà đầu tư vẫn cần cẩn trọng.
Với dự báo lợi nhuận nhóm phân bón giảm trong năm 2023, SSI Research đưa ra khuyến nghị kém khả quan đối với ngành phân bón. Tuy nhiên, nhóm phân tích này vẫn lưu ý những doanh nghiệp có lượng tiền mặt ròng cao và tỷ lệ chi trả cổ tức cao có thể giúp hạn chế đà giảm giá cổ phiếu.
Hải Giang