Trong năm 2018, thị trường chứng khoán (TTCK) đã chứng kiến 12 doanh nghiệp (DN) bị hủy niêm yết, trong đó có 2 DN trên HoSE, 2 DN trên HNX và 8 DN trên UPCoM với tổng khối lượng lên đến 400 triệu cổ phiếu. Hầu hết số DN bị hủy niêm yết do không đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng.
Nhiều doanh nghiệp "lĩnh án"
Khi đưa cổ phiếu lên sàn, các DN mong muốn mở ra cơ hội lớn để khẳng định tên tuổi và tiếp cận với kênh huy động vốn tiềm năng.
Tuy nhiên, không phải DN nào cũng tận dụng được lợi thế này. Việc kinh doanh kém hiệu quả, kiểm toán từ chối đưa ra kết luận cho báo cáo tài chính (BCTC), vốn điều lệ giảm xuống dưới mức quy định… khiến các DN buộc phải dừng "cuộc chơi" này.
Mới đây, HNX đã có quyết định hủy niêm yết đối với cổ phiếu SDP của CTCP SDP từ ngày 21/2/2019 với lý do là tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với BCTC năm 2017 của công ty.
Hồi tháng 10/2018, cổ phiếu SDP đã bị đưa vào diện ngừng giao dịch không khắc phục được nguyên nhân dẫn tới việc cổ phiếu bị đưa vào diện bị kiểm soát và tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin trên TTCK sau khi đã bị đưa vào diện bị kiểm soát.
Tương tự, cổ phiếu PTC của CTCP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện cũng mới nhận được thông báo từ HoSE về việc có nguy cơ bị hủy niêm yết cổ phiếu nếu tại BCTC kiểm toán năm 2018, tổ chức kiểm toán vẫn từ chối đưa ra ý kiến.
Trước đó, tại BCTC bán niên 2018 của CTCP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện, tổ chức kiểm toán từ chối đưa ra kết luận khi ghi nhận số lỗ 7,3 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế đến cuối quý II/2018 lên mức hơn 21 tỷ đồng, cùng với đó là cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát.
HoSE cũng lưu ý cổ phiếu AAM của CTCP Thủy sản Mekong về việc bị hủy niêm yết bắt buộc nếu như không khắc phục được vấn đề vốn điều lệ giảm xuống dưới 120 tỷ đồng căn cứ BCTC soát xét 6 tháng 2019.
Hiện, AAM đang trong diện cảnh báo từ 31/8/2018 và đang giao dịch quanh mức giá 13.000 đồng/cp, còn PTC đang giao dịch tại vùng giá 5.000 đồng/cp.
Ngày 18/2 cũng là ngày cổ phiếu S33 của CTCP Mía đường 333 chính thức bị hủy niêm yết do không còn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng (chỉ có 36/100 cổ đông).
Ngoài ra, còn không ít cổ phiếu có khả năng lớn phải nói lời chia tay sớm với các sàn niêm yết năm 2019 với nhiều nguyên nhân khác nhau.
Tự nguyện hủy niêm yết và đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UpCOM có thể kể đến các mã CMI (CTCP CMISTONE Việt Nam), CMT (CTCP Công nghệ Mạng và Truyền thông) hay HLG (CTCP Tập đoàn Hoàng Long); làm ăn thua lỗ 3 năm liên tiếp là VHG (CTCP Đầu tư Cao su Quảng Nam), PPI (CTCP Đầu tư và Phát triển Dự án Hạ tầng Thái Bình Dương), PVV (Vinaconex 39)…
Thực tế, sự đào thải là điều tất yếu để thanh lọc TTCK nhằm loại ra những "sản phẩm" kém chất lượng từ đó nâng cao tính minh bạch, đẩy mạnh đà phát triển của thị trường, nhưng đối tượng chịu thiệt thòi vẫn là những cổ đông, đặc biệt là cổ đông nhỏ lẻ.
Những vấn đề về giá cổ phiếu, cổ tức sau khi rời sàn luôn làm các cổ đông phải lo lắng sau khi nhận thông báo có kế hoạch hủy niêm yết.
Hầu hết số này sẽ lâm vào tình trạng bế tắc, dở khóc dở cười khi nắm giữ cổ phiếu rời sàn, bởi hầu hết thị giá của các cổ phiếu nằm trong nhóm này đều đang ở mức rất thấp.
Câu chuyện hủy niêm yết không phải là chuyện mới của TTCK |
"Sân chơi" không dành cho "kẻ yếu"
Điển hình như thị giá cổ phiếu CMI đã "rớt thảm" về mức 1.000 đồng/cp, giảm 97,9% từ mức giá 47.300 đồng/ cp ngày chào sàn, đang nằm trong diện giao dịch bị kiểm soát.
Vấn đề của CMI trong nhiều năm qua là thiếu vốn hoạt động, vay nợ lớn. Tính đến 30/9/2018, công ty vay ngắn hạn 134 tỷ đồng và vay dài hạn 119 tỷ đồng, gấp 1,6 lần vốn góp của chủ sở hữu khiến cho chi phí lãi vay lớn.
Hay như cổ phiếu PPI, vốn vẫn được đánh giá là cổ phiếu "trà đá, mớ rau" nhưng hiện nay thậm chí đã rơi về mức giá 530 đồng/cp. Chỉ so với đầu năm 2018, PPI cũng đã giảm 75% từ mức giá 2.120 đồng/cp, còn nếu so với mức giá 3x thời điểm mới lên sàn thì mức giá này là một sự thất bại thảm hại.
Tương tự, cổ phiếu VHG, PVV… cũng đang được giao dịch ở mức giá chỉ vài trăm đồng một cổ phiếu.
Ngoài thị giá, thanh khoản của những cổ phiếu này cũng rất thấp. HLG trong 10 phiên gần đây chỉ có 5 cổ phiếu được khớp lệnh, SDP và DLR thậm chí không có cổ phiếu nào được khớp lệnh.
Từ "giấc mơ" vươn lên đến tầm cao mới, những DN này đã "vỡ mộng" bởi trước đà phát triển không ngừng của TTCK, sự giám sát của các cơ quan nhà nước, áp lực phải nâng cao hiệu quả kinh doanh đã khiến DN "lao đao".
Một ví dụ điển hình nhất cho câu chuyện áp lực về việc nâng cao hiệu quả kinh doanh là trường hợp của cổ phiếu AAM. Việc AAM đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết là do vốn điều lệ của công ty đang ở dưới 120 tỷ đồng.
Thực chất của việc giảm vốn điều lệ là cổ đông Thủy sản Mekong thông qua việc hủy bỏ hơn 2,7 triệu cổ phiếu quỹ chứ không phải do tình hình kinh doanh thua lỗ.
Ngoài ra, việc giao dịch chứng khoán sẽ khiến cơ cấu cổ đông thay đổi, dẫn đến sự biến đổi trong quản lý DN và ảnh hưởng đến quyền kiểm soát của các cổ đông lớn.
Thế nhưng, giữa muôn vàn lý do của việc hủy niêm yết, việc bảo vệ được quyền lợi cho các cổ đông nhỏ lẻ sau khi cổ phiếu rời sàn dường như lại chưa được DN lưu tâm.
Linh Đan