PVN muốn bán vốn tại Lọc hóa dầu Bình Sơn, cổ phiếu BSR khởi sắc |
Thời gian gần đây, cổ phiếu BSR giao dịch trồi sụt trong vùng giá 9.000 - 10.000 đồng/cp, thậm chí có phiên giảm xuống đến 8.700 đồng/cp (phiên 12/9). Tính từ vùng giá 13.400 đồng/cp hồi đầu năm đến nay BSR đã giảm gần 30,6%.
Trước đó, đầu tháng 3/2018, Lọc Hóa dầu Bình Sơn chính thức đưa cổ phiếu BSR lên giao dịch trên sàn UPCoM với giá tham chiếu 22.400 đồng/cp, cổ phiếu ngay lập tức tăng trần lên 31.300 đồng/cp.
So với mức đỉnh này, giá trị của BSR đã giảm 70,3% so với giá trúng tại đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) bình quân, nhà đầu tư đã thua lỗ gần 60%.
Mới đây, trong buổi tiếp đoàn công tác của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng giám đốc CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn - ông Bùi Minh Tiến báo cáo quá trình IPO.
Theo ông Tiến, ngày 17/1/2018, BSR đã bán 242 triệu cổ phiếu đợt IPO. Ngày 21/6/2018, Lọc hóa dầu Bình Sơn đã tổ chức đại hội cổ đông lần đầu. Từ ngày 1/7/2018, BSR chuyển thành công ty cổ phần.
Hiện, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cùng BSR đang triển khai kế hoạch thoái vốn, bán 49% vốn điều lệ (PVN đang sở hữu 92,12% vốn BSR).
Đợt IPO của Bình Sơn thu hút lượng đặt mua vượt trội lượng chào bán. Trong đó phiên đấu giá của Lọc hóa dầu Bình Sơn ghi nhận số lượng người tham gia kỷ lục 4.079 nhà đầu tư, khối lượng đặt mua cao gấp 2,7 lần lượng chào bán.
Với sức hút cao, giá trúng bình quân của cổ phiếu BSR đã đẩy lên 23.043 đồng/cp, cao hơn 37% giá khởi điểm. Riêng nhà đầu tư nước ngoài mua thành công gần 148 triệu cổ phiếu, tương đương 61,2% số cổ phần chào bán.
Liên quan đến dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất, ông Nghiêm Đức Dương - Phó Tổng giám đốc công ty kiêm Trưởng Ban quản lý dự án cho biết tổng mức đầu tư là 1,8 tỷ USD. Cơ cấu vốn đầu tư gồm 30% vốn chủ sở hữu và 70% vốn vay.
Lọc hóa dầu Bình Sơn đã đề ra 3 kịch bản vốn là thu xếp từ các khoản vay nước ngoài, trong nước đảm bảo bằng bảo lãnh vay vốn của PVN và khoản vay thứ cấp trực tiếp từ cổ đông/PVN.
L.Đ