Sáng ngày 14/1/2019, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) chính thức đưa 2,34 tỷ cổ phiếu POW niêm yết trên HoSE với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 14.900 đồng/cp, tương ứng với mức vốn hóa thị trường gần 35.000 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch, cổ phiếu POW đã tăng 4,7% lên 15.600 đồng/cp, khớp lệnh hơn 5 triệu đơn vị. Trước đó, PV Power đã hủy toàn bộ hơn 467,8 triệu cổ phiếu trên UPCoM, giá đóng cửa phiên cuối cùng 27/12/2018 là 16.000 đồng/cp.
Rộng cửa vào VN30
Tại thời điểm vẫn giao dịch trên sàn UPCoM, POW cũng là một trong những cổ phiếu khá an toàn bởi tính ổn định. Sau khi đạt được mức giá 17.800 đồng/cp trong phiên chào sàn UPCoM, cổ phiếu POW đã có sự điều chỉnh và duy trì ổn định quanh vùng giá 14.000 – 16.000 đồng/cp.
Ngay trong những phút đầu tiên của phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu POW nhanh chóng bật tăng 4,7% lên 15.600 đồng/cp, thậm chí có thời điểm tăng 6% lên 15.794 đồng/cp. Tuy nhiên, sau đó đã có dấu hiệu hạ nhiệt và đóng cửa chỉ còn tăng 4,7% lên 15.600 đồng/cp.
Tại mức giá này, vốn hóa thị trường của PV Power đạt hơn 36.500 tỷ đồng, nếu so sánh với danh sách nhóm VN30 thì cổ phiếu POW đang đứng thứ 19, vượt qua nhiều cái tên “nặng ký” như HDB (HDBank), FPT, MWG (Thế Giới Di Động)… xếp sau nhóm cổ phiếu họ Vingroup.
Trong nhóm cổ phiếu dầu khí, PV Power chỉ đứng sau hai ông lớn là PV Gas và Petrolimex.
Điểm đáng lưu ý của POW là thanh khoản luôn đạt mức cao khi giá trị giao dịch trung bình luôn đạt hơn một triệu đơn vị mỗi phiên, đây là mức thanh khoản khá tốt trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang rơi vào đà điều chỉnh sâu.
Ngoài ra, POW cũng được các nhà đầu nước ngoài đặc biệt quan tâm khi liên tiếp thực hiện mua ròng với nhiều phiên có giá trị lớn lên tới hàng triệu đơn vị, kéo theo tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại PV Power tăng lên hơn 14,1%. Hiện, tỷ lệ sở hữu nước ngoài của PV Power đang ở mức 49%.
Việc nhà đầu tư nước ngoài quan tâm hơn tới cổ phiếu POW cho thấy doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả, tiềm năng tăng trưởng tốt và đạt được sự tin tưởng lớn hơn nữa từ nhà đầu tư.
Như vậy, trong trường hợp diễn biến thị trường không biến động quá lớn, cổ phiếu POW vẫn duy trì được mức giá hiện tại và tăng trưởng tương đương với thị trường chung, khi đủ điều kiện thời gian niêm yết, POW hoàn toàn có đủ điều kiện để gia nhập “rổ” VN30.
Việc gia nhập VN30 là cơ hội tốt đối với bất cứ cổ phiếu nào khi các quỹ đầu tư nước ngoài có tỷ trọng đầu tư các cổ phiếu thuộc VN30 luôn cao với giá trị trung bình trên 70% NAV quỹ. Bên cạnh đó, việc nằm trong rổ cổ phiếu VN30 là sự khẳng định cho uy tín của doanh nghiệp và tăng khả năng tiếp cận rộng rãi với nhà đầu tư.
Cổ phiếu POW đang chứng minh được kỳ vọng của cổ đông không đặt nhầm chỗ |
Kinh doanh khả quan
Ngay trước thềm niêm yết, PV Power đã công bố những thông tin quan trọng liên quan đến kết quả kinh doanh năm 2018 với những con số đầy triển vọng.
Kết thúc năm 2018, PV Power đạt 21 tỷ kWh sản lượng, thu về 33.363 tỷ đồng doanh thu, vượt 6% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế tương ứng đạt 2.315 tỷ đồng, lợi nhuận công ty mẹ gần 2.565 tỷ đồng, vượt 24% chỉ tiêu năm.
Năm 2019, PV Power kỳ vọng tổng sản lượng điện sản xuất đạt 21,6 tỷ kWh, tổng doanh thu đạt hơn 32.700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 2.300 tỷ đồng.
Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với những rủi ro đặc thù về tỷ giá áp dụng cho giá bán điện. Tại ngày 30/9/2018, PV Power có số dư tiền điện với công ty Mua bán Điện (EVN/ EPTC) chưa thánh toán khoảng 452,5 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo của PV Power, hai bên đang đẩy nhanh công tác thống nhất tỷ giá áp dụng cho giá bán điện hàng tháng, dự kiến sẽ hoàn tất vào quý I/2019. Bên cạnh đó là rủi ro về nguồn cung khí.
Lý giải về vấn đề này ông Hồ Công Kỳ – Chủ tịch HĐQT PV Power, cho biết đây là vấn đề chung của toàn ngành, hiện các mỏ khí đang khai thác bước vào giai đoạn suy giảm, trong khi những mỏ mới chậm triển khai. Thời gian tới, PV Power sẽ cố gắng đẩy nhanh việc triển khai khi tại những mỏ khí mới.
Ngoài ra, liên quan đến hai nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 PV Power vừa được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư, công ty sẽ lập nghiên cứu khả thi hoàn thành trong 2019, đưa nhà máy đi vào vận hành thương mại vào cuối năm 2022 đầu năm 2023.
Trên thực tế, ngành kinh doanh nào cũng sẽ có những rủi ro riêng, do đó, đây không phải là dấu hiệu đáng lo ngại về thị giá đối với các cổ phiếu POW.
Mới đây, CTCK HSC vừa công bố báo cáo cập nhật cổ phiếu POW với duy trì đánh giá mua vào, ước tính giá trị cổ phiếu POW sẽ đạt tới mức giá 19.000 đồng/cp, tăng 27,5% so với giá khởi điểm niêm yết.
Tại mức giá này, chỉ số P/E dự phóng năm 2019 của POW đạt 13,6 lần. PV Power còn có lợi thế là một doanh nghiệp phát điện độc lập thứ hai tại Việt Nam với thị phần phát điện đạt 12% và có thể nâng thị phần lên 15% vào cuối năm 2026.
Cũng theo HSC, tăng trưởng doanh thu dự kiến của PV Power với tốc độ gộp bình quân năm là 10% và lợi nhuận là 22% trong 3 năm tới, triển vọng của POW là khá khả quan so với các đối thủ cạnh tranh trong nước và khu vực.
PV Power là đơn vị thành viên chủ chốt của PVN với thành tích hoạt động tốt, nên công ty sẽ nâng được thị phần của mình trong trung và dài hạn.
Đặc biệt, tại sự kiện chào sàn HoSE, ông Hồ Công Kỳ cho biết sắp tới Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) sẽ xem xét thoái vốn trên sàn theo lộ trình được pháp luật phê duyệt, đây sẽ là cơ hội lớn cho giới đầu tư.
Linh Đan