Trước đó, Tôn Đông Á đã lên kế hoạch IPO và niêm yết cổ phiếu từ giữa năm 2021 vào thời điểm cổ phiếu thép đạt đỉnh và kết quả kinh doanh khả quan.
114,69 cổ phiếu của Tôn Đông Á sẽ lên sàn UPCoM với mã chứng khoán GDA. (Ảnh: Int) |
Theo đó, HoSE công bố đã nhận được hồ sơ niêm yết 114,7 triệu cổ phiếu của Tôn Đông Á, ngày nhận hồ sơ đăng ký niêm yết là 22/4 và đơn vị tư vấn là CTCP Chứng khoán SSI.
Mặc dù HoSE thông báo nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu từ tháng 4/2022 nhưng ban lãnh đạo Tôn Đông Á trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên tháng 6/2022 cho biết, thời gian chính thức giao dịch cổ phiếu có thể vào cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023 nhưng đến nay vẫn chưa thấy doanh nghiệp “lên sàn”.
Sau đợt IPO thành công, Tôn Đông Á đã trở thành công ty đại chúng và đủ điều kiện để đăng ký niêm yết. Vốn điều lệ của công ty tăng từ 1.023 tỷ đồng lên 1.147 tỷ đồng.
Vậy nhưng theo điều 15 của của Luật Chứng khoán 2019, điều kiện để một công ty lên sàn chứng khoán bắt buộc hoạt động kinh doanh của 2 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán.
Với kết quả thua lỗ năm 2022 của Tôn Đông Á, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết kế hoạch lên sàn của doanh nghiệp ngành tôn sẽ phải chậm lại thêm ít nhất là hai năm nữa vì chưa đáp ứng đủ quy định đề ra.
Trong trường hợp tích cực nhất, ông Minh cho rằng Tôn Đông Á sẽ được lên sàn vào năm 2025 nếu công ty ghi nhận có lãi trở lại vào năm 2023 và năm 2024.
Thời điểm đó, Giám đốc Phân tích của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng Tôn Đông Á có thể tính đến khả năng niêm yết trên sàn UpCOM hoặc HNX để các điều kiện niêm yết được nới lỏng hơn trong thời gian đợi đến khi đủ điều kiện niêm yết trên HoSE sẽ tiến hành các thủ tục chuyển sàn sau
Được biết, Tôn Đông Á tiền thân là Công ty TNHH Đông Á được thành lập ngày 5/11/1998 với vốn điều lệ 120 tỷ đồng. Sau đó, công ty đổi tên thành Công ty TNHH Tôn Đông Á vào tháng 6/2005 và chuyển sang dạng cổ phần từ năm 2009.
Tôn Đông Á có 4 cổ đông lớn nắm giữ tổng cộng 57,34% vốn bao gồm ông Nguyễn Thanh Trung - Chủ tịch HĐQT sở hữu 32,6% vốn điều lệ; bà Lê Thị Phương Loan - thành viên HĐQT sở hữu 10,73% vốn điều lệ; Công ty TNHH Thương mại JFE Shoji Việt Nam sở hữu 7,44% vốn điều lệ; bà Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh - thành viên HĐQT sở hữu 6,57% vốn điều lệ.
Tôn Đông Á hoạt động trong ngành thép, chuyên sản xuất các sản phẩm thuộc lĩnh vực trung đến hạ nguồn. Hiện Tôn Đông Á có hai nhà máy Thủ Dầu Một và Sóng Thần 1 với tổng công suất sản phẩm tôn đạt 800.000 tấn/năm.
Châu Anh