Theo thống kê của Chứng khoán VNDirect, trong Quý 2/2022, lợi nhuận ròng của 1.045 doanh nghiệp niêm yết thuộc nhóm doanh nghiệp bất động sản (BĐS) giảm 35,8%. Đây cũng là quý thứ 3 liên tiếp doanh nghiệp nhóm này ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ròng giảm.
Dòng tiền kinh doanh âm bao trùm
Chẳng hạn, DIC Corp (DIG) ghi nhận doanh thu quý II đạt 575,36 tỷ đồng, giảm 6,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 81,05 tỷ đồng, tăng 52,2% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế bán niên, doanh thu của DIC Corp đạt 1.094,3 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 142,64 tỷ đồng, tăng 48,1% so với cùng kỳ.
Xét về dòng tiền, trong 6 tháng đầu năm, DIC Corp ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 1.906,96 tỷ đồng, so với cùng kỳ âm 352,6 tỷ đồng. Trước đó, DIC Corp đã trải qua 3 năm dòng tiền kinh doanh âm liên tục (năm 2019, năm 2020, năm 2021).
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2022 được cho là "mùa buồn" của doanh nghiệp bất động sản.
Hay như CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) cũng thông báo lãi sau thuế hơn 50 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Hòa Bình đạt 7.063 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 61 tỷ đồng, lần lượt tăng 30% và giảm 10% so với cùng kỳ.
Tính đến 30/6, dư nợ tài chính của doanh nghiệp đã tăng 1.436 tỷ đồng lên 6.533 tỷ đồng, tức tăng 28% so với đầu năm, đa số là nợ vay ngắn hạn từ các ngân hàng. Trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh bị âm đến 1.365 tỷ đồng kể từ đầu năm.
Trong khi đó, CTCP đầu tư và phát triển du lịch Vinaconex (VCR) tiếp tục báo lỗ 5,75 tỷ đồng trong quý II, nâng lỗ lũy kế lên gần 246 tỷ đồng. Còn CTCP đầu tư phát triển Nhà Đà Nẵng (NDN) và CTCP Licogi 14 (L14) lần lượt ghi nhận lợi nhuận âm hơn 114 tỷ đồng và 346 tỷ đồng trong quý 2/2022.
Không chỉ vậy, nhiều ông lớn trong lĩnh vực BĐS cũng ghi nhận kết quả kinh doanh kém sắc. Điển hình, CTCP Tập đoàn đầu tư địa ốc No Va (NVL) và CTCP Vinhomes (VHM) đều ghi nhận lợi nhuận giảm so với cùng kỳ năm 2021
Nhìn chung, những khó khăn của doanh nghiệp BĐS đã được dự báo sớm từ trước đó nên cũng không có gì gây bất ngờ với giới đầu tư. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) từng chia sẻ, trong bối cảnh lạm phát, chi phí đầu vào tăng cao, bên cạnh đó chính sách kiểm soát chặt nguồn vốn tín dụng và trái phiếu vào lĩnh vực bất động sản khiến cho nhóm doanh nghiệp BĐS gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh.
Đây cũng là một trong những lý do chính khiến nhóm cổ phiếu BĐS từ đầu năm đến nay bị chìm trong cơn lốc bán tháo, khiến nhiều cổ phiếu giảm tới 60-70% thị giá. Một số mã giảm mạnh có thể kể đến như DIG, DXG, HDC, CII, LDG, CEO, L14...
Bất động sản khu công nghiệp được kỳ vọng
Theo dự báo của SSI Research, lợi nhuận ròng của các chủ đầu tư có thể bị ảnh hưởng trong giai đoạn 2023-2024 do các dự án xây dựng trong giai đoạn 2021-2022 có chi phí quỹ đất, chi phí tài chính và chi phí xây dựng cao hơn. Cụ thể, chi phí nguyên liệu đầu vào như xi măng, thép hiện đã tăng 7-15% so với cuối năm 2021.
Tuy nhiên, sau khi thông tin đất bỏ cọc tại Thủ Thiêm được đấu giá lại, nhóm “cổ đất” đang phát tín hiệu quay trở lại.
Chốt phiên cuối tuần (12/8), VN-Index tăng 0,82% nhờ sự dẫn dắt tập trung vào các nhóm ngành lớn như ngân hàng, BĐS, xây dựng. Trong đó, nhóm BĐS khu công nghiệp (KCN) tiếp tục ghi nhận phiên giao dịch rực rỡ tiếp theo. Cụ thể, LHG tăng trần, IDC, SZC, TID, TIP… tăng 3-4%. Trong khi KBC, BCM, PHR, ITA cũng ngập trong sắc xanh.
Giới phân tích nhận định, cổ phiếu BĐS có thể sẽ có một số nhịp hồi phục mang tính chất ngắn hạn, nhưng để kỳ vọng tăng trưởng 50 - 60% hay tăng bằng lần như năm trước là rất khó. Song cổ phiếu BĐS KCN lại được đánh giá cao bởi các doanh nghiệp BĐS KCN trong nửa cuối năm 2022 dự báo sẽ tăng trưởng 47,3% so với cùng kỳ nhờ vào nhu cầu đất công nghiệp được kỳ vọng sẽ phục hồi tích cực khi nền kinh tế mở cửa. Cùng với đó là việc giá thuê dự kiến tiếp tục tăng trung bình 8-20% so với cùng kỳ, tùy khu vực.
Thực tế, mùa kết quả kinh doanh quý II vừa qua, nhiều doanh nghiệp sở hữu quỹ đất trống lớn lại có kết quả kinh doanh khởi sắc hơn hẳn.
Ấn tượng nhất phải kể đến Tổng Công ty Viglacera (VGC) với doanh thu thuần đạt 4.268 tỷ đồng, tăng 45% cùng kỳ năm trước, luỹ kế 6 tháng doanh thu đạt 8.101 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ dịch vụ cho thuê BĐS, hạ tầng KCN (29%) đóng góp lớn nhất cho doanh thu công ty.
Tương tự, Tổng công ty Idico (IDC) có lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 1.427 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần cùng kỳ do ghi nhận các hợp đồng tại dự án KCN Nhơn Trạch 5, Phú Mỹ 2 và Phú Mỹ 2 mở rộng cùng Hựu Thạnh.
Theo bà Bùi Nguyễn Huyền Trang, Tổng Giám đốc Công ty Cushman & Wakefield (C&W) Việt Nam, Việt Nam như một trung tâm sản xuất, năng lực tăng trưởng có thể bằng Hàn Quốc, Nhật hoặc Australia. Miền Bắc là cánh tay nối dài của công xưởng sản xuất thế giới còn miền Nam có vị thế của trung tâm sản xuất trung chuyển toàn cầu.
Do đó, “tiềm năng phát triển BĐS KCN ở Việt Nam rất lớn”, Tổng giám đốc C&W đánh giá.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc KPMG cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn gia tăng sự quan tâm với kinh tế Việt Nam. Do đó, đại diện KPMG có cái nhìn lạc quan về triển vọng thu hút FDI vào các khu công nghiệp của Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Ái cho rằng cần cẩn trọng khi xem đây là "cơ hội vàng", bởi nhiều khả năng năm 2023, kinh tế Mỹ và châu Âu sẽ đi vào suy thoái, ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực đầu tư, trong đó có việc dịch chuyển đầu tư giữa các nước.
Hải Giang